TIN TỨC
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TIẾP TỤC TỔ CHỨC HỘI THẢO “RÀ SOÁT, KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT KTNN NĂM 2015”

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 08/5/2018 tại trụ sở KTNN 116 - Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015”. Tham dự Hội thảo có: ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; đại diện thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Sở Tài chính, Ban Tài chính -Ngân sách, Ban Pháp chế HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty, các trường, viện; các nhà khoa học trong và ngoài ngành KTNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên và Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Dũng đồng chủ trì Hội thảo.

 
 
 

Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN.

Theo đó, về đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán, Luật cần quy định đầy đủ để làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng và cơ quan, tổ chức, đơn vị có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán).

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước; hoạt động kiểm toán của KTNN, để bảo đảm nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, KTNN phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương xứng, phù hợp. Theo đó, cần tập trung xem xét nhằm khắc phục, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; quy định chi tiết cụ thể hơn nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương; quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

 
 
 

Nêu lên thực tế thi hành pháp luật những năm qua đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan, trong khi chưa có quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý khi đối tượng vi phạm để khắc phục tình trạng này.

 

Bên cạnh đó, Luật cần được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện các nhiệm vụ như: đề nghị giám định đối với những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng theo pháp luật phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đối với nội dung tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…

 

Đồng thời, việc sửa đổi Luật KTNN năm 2015 cũng cần quy định về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; xem xét tính khả thi của một số quy định trong Luật về: thời hạn kiểm toán; thời hạn lập và gửi báo cáo kiểm toán; kiến nghị, khiếu nại trong hoạt động KTNN…

 

Tại Hội thảo, với 5 tham luận, 5 ý kiến phát biểu trực tiếp, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật KTNN năm 2015 và tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tập trung giải quyết những vướng mắc phát sinh, bức xúc trong thực tiễn. Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất cao với các nội dung đề xuất sửa đổi Luật KTNN năm 2015.

 

Theo đó, về đối tượng kiểm toán, các đại biểu đồng tình cao với việc quy định đầy đủ, bao quát về đối tượng kiểm toán theo đúng chức năng, nhiệm vụ của KTNN nhằm đảm bảo mọi tài sản công, tài chính công đều phải được kiểm toán. Cụ thể, KTNN cần chú trọng kiểm toán công tác thu, nộp ngân sách; việc thực hiện các dự án theo hình thức PPP, các DN ngoài quốc doanh…

 

Đặc biệt, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu lên tình trạng chồng chéo trong hoạt động của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và đề nghị Luật KTNN cần quy định cụ thể về mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng như cơ quan giám sát; phân định rõ ràng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đúng thẩm quyền của mỗi cơ quan để hạn chế sự chồng lấn, gây khó khăn, cản trở hoạt động của đơn vị, DN;

 

Các ý kiến chỉ ra cần bổ sung các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN như: việc không báo cáo hoặc chậm trễ báo cáo; không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN cũng như tính tuân thủ pháp luật; cần đưa vào Luật quy định về việc cung cấp tài liệu, thông tin dưới dạng số hóa cho KTNN và phải quy định rõ trách nhiệm xử lý, mức độ sử dụng các dữ liệu, từ đó, xác định chế tài xử lý tương ứng nếu cá nhân, đơn vị nào vi phạm.

 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến việc sửa đổi quy định về ngạch Kiểm toán viên trong Luật KTNN năm 2015 theo tinh thần cải cách hành chính, nhằm thu hút những người có năng lực, kinh nghiệm trong công tác chuyên môn về làm việc tại KTNN.

 

Ngoài ra, các ý kiến tại Hội thảo cũng đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước để nâng tầm vị thế của KTNN; quy định về vai trò của KTNN trong giám định tư pháp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao chất lượng, nội dung các bài tham luận. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc các đề xuất nhằm đưa ra những đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)