TIN TỨC
HỘI THẢO “CƠ CHẾ TỰ CHỦ ĐỐI VỚI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP - VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC”

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng ngày 18/01/2019 Kiểm toán nhà nước  tổ chức Hội thảo: “Cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, đến dự Hội thảo có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế; các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước; các Trường đại học, các Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình. GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Q.Giám đốc Trường ĐT&BD  chủ trì buổi Hội thảo.

Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN cho biết: Cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập, gồm: tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng mong muốn và sự kỳ vọng của người bệnh và nhân dân. Áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực Y tế bớt căng thẳng. Hầu hết bệnh viện đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế; gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi để tăng thu nhập cho người lao động.

 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập còn không ít những tồn tại, vướng mắc, cụ thể như: Việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại ngân sách nhà nước; chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để bệnh viện công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng, còn những hạn chế;... Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng  với các bệnh viện công lập.

Trong những năm vừa qua, công tác kiểm toán của KTNN trong lĩnh vực Y tế chỉ mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của nhà nước. Vì vậy, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo: “Cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực Y tế. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát tốt hơn việc quản lý lĩnh vực Y tế.

Tại buổi Hội thảo nhiều nội dung đã được các đại biểu đề cập, quan tâm, như: Một số vấn đề tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập; Xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập - cơ hội và thách thức; Công tác đấu thầu và quản lý thuốc, hóa chất trong tình hình thực hiện tự chủ tài chính tại bệnh viện; thực trạng và cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập từ góc nhìn kiểm toán.

 

Sau thời gian làm việc sôi nổi, tập trung, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, các chuyên gia, Lãnh đạo các bệnh viện, phát biểu bế mạc Hôi thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN nhấn mạnh: Hội thảo nhận được 33 bài viết đăng trong Kỷ yếu, 7 bài tham luận được trình bày và các  ý kiến trao đổi, phát biểu thảo luận trực tiếp tại Hội trường hết sức sôi nổi.

Thông qua các bài viết đăng trong kỷ yếu, các bài tham luận đã trình bày cũng như ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo hôm nay, Hội thảo  khái quát bốn vấn đề lớn: 

 

Thứ nhất, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy cơ chế tự chủ tại các Bệnh viện công lập đã mang lại nhiều kết quả tích cực:

Cơ chế tự chủ đã từng bước phát huy tính năng động của các Bệnh viện; khuyến khích và tạo điều kiện cho các Bệnh viện huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát triển các hoạt động sự nghiệp; nhờ đó người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện. Các bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép.

Hầu hết các Bệnh viện cũng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ có khả năng triển khai và phù hợp với năng lực của mình; trên cơ sở đó tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thành lập các đơn vị mới hoạt động có hiệu quả hơn, phù hợp với quy hoạch, với điều lệ và phương án phát triển của bệnh viện.

Việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư đã làm thay đổi nhận thức của nhiều bệnh viện; không còn tư tưởng chỉ trông chờ, ỷ lại vào NSNN mà các bệnh viện chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh.

Số lượng bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, số bệnh viện do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên giảm; số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm và số ngân sách cấp cho các bệnh viện cũng có xu hướng giảm.

Nguồn thu dịch vụ y tế tăng nhanh cả số tuyệt đối và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Hầu hết các Bệnh viện công lập đã sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn NSNN và các nguồn thu sự nghiệp, có chênh lệch thu - chi để góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập vẫn bộc lộ một số hạn chế:

 

Một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện tự chủ chưa được ban hành đồng bộ làm căn cứ để các đơn vị thực hiện. Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám bệnh, chữa bệnh và hướng dẫn điều trị theo quy định tại Luật BHYT để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ BHYT. Hiện chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và định mức tính giá của Bộ Y tế.

 

Giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT chưa tính đủ chi phí, mới tính 2/4 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương, trong đó tiền lương vẫn tính theo mức lương cơ sở; 2/4 yếu tố còn lại là chi phí quản lý và khấu hao chưa được tính trong giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

 

Còn tồn tại những biểu hiện tiêu cực liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh như: Thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định để tăng thu từ quỹ BHYT; Kéo dài ngày điều trị để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội; Chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết; Thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật chưa đảm bảo quy định;...

 

Quỹ BHYT trong những năm qua cân đối không ổn định; từ năm 2016 Quỹ BHYT đã bội chi với xu hướng ngày càng lớn.

 

Thứ ba, Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực Y tế:

 

Đẩy nhanh lộ trình và thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế. Xây dựng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn để các bệnh viện thực hiện và là công cụ phục vụ công tác giám định BHYT.

 

Tăng cường khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở, giảm tỷ trọng khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, trung ương. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sớm đưa ra lộ trình tăng mức đóng BHYT, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách BHYT; đẩy nhanh tiến độ thanh, quyết toán BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT.

 

Thứ tư, đối với hoạt động kiểm toán của KTNN:

 

KTNN cần sớm xây dựng và ban hành đề cương kiểm toán cơ chế tự chủ tại các Bệnh viện công lập để làm cơ sở cho các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán.

 

Các đơn vị chủ trì kiểm toán cần bố trí lực lượng Kiểm toán viên có trình độ, kinh nghiệm hiểu biết về các hoạt động của Bệnh viện, về cơ chế tự chủ, có phẩm chất, đạo đức để thực hiện kiểm toán; cần vận dụng nhuần nhuyễn hệ thống Chuẩn mực KTNN, các quy trình, quy chế, các phương pháp thủ tục kiểm toán phù hợp để phát hiện các tồn tại, bất cập của việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các Bệnh viện công lập.

 

Quá trình kiểm toán cần xác định đúng, đủ trách nhiệm, kết quả khắc phục những sai phạm, tồn tại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các Bệnh viện công lập để đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp với thực tiễn.

 

Với những kết quả quan trọng trên có thể khẳng định Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các Bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do KTNN tổ chức đã thành công tốt đẹp. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

 

Thay mặt cơ quan tổ chức Hội thảo, thay mặt lãnh đạo KTNN, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên chân thành cảm ơn sự có mặt của tất cả quý vị. Chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình của Trung ương và địa phương đã theo dõi, tuyên truyền góp phần vào sự thành công của Hội thảo.

KH

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)