TIN TỨC
XÂY DỰNG VĂN HÓA “HỌC TẬP SUỐT ĐỜI” VÀ “TỰ HỌC TẬP” - GIẢI PHÁP BỀN VỮNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT

 

Văn hóa “Học tập suốt đời” và “Tự học tập” cũng giống như các loại hình văn hoá khác cần có thời gian để hình thành, phát triển và từ đó phát huy giá trị. Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là nơi khởi đầu và tạo động lực, điều kiện để các KTVNN không ngừng học tập, rèn luyện và góp phần xây dựng môi trường học tập suốt đời của cơ quan KTNN.

 

Học tập suốt đời và tự học tập trở thành trách nhiệm của mỗi Kiểm toán viên nhà nước

 

KTNN đã trải qua hơn 27 năm từ khi thành lập, so với thế giới KTNN còn rất non trẻ, nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp. Cùng với tiến trình phát triển đó là sự lớn mạnh của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN). Trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước đối với KTNN, các KTVNN cần không ngừng được nâng cao và tự nâng cao năng lực, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Xây dựng văn hóa “Học tập suốt đời” và “Tự học tập” trở thành giải pháp bền vững, lâu dài, cần thiết cho sự phát triển nguồn nhân lực của KTNN. 

 

Học tập suốt đời và tự học tập giúp KTVNN hiểu sâu, mở rộng, củng cố và hệ thống hóa kiến thức một cách khoa học nhờ kỹ năng tự tổng hợp, phân tích, từ đó vận dụng tri thức đã tích lũy giải quyết những nhiệm vụ được phân công một cách hiệu quả. Học tập suốt đời và tự học tập cũng giúp KTVNN hình thành tính tích cực, độc lập, tự giác trong học tập cũng như nền nếp làm việc khoa học. Quá trình không ngừng học tập sẽ làm gia tăng kiến thức, kỹ năng giúp KTVNN tiến kịp sự vận động của nền kinh tế - xã hội, sự đổi mới trong thực hiện công tác quản lý tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

 

Học tập suốt đời và tự học tập là trách nhiệm của mỗi KTVNN. KTNN luôn quan tâm và thúc đẩy các KTVNN học tập để không ngừng nâng cao năng lực. Đào tạo nội bộ góp phần tạo lập văn hóa học tập suốt đời và thúc đẩy quá trình tự học tập của các KTVNN.

 

Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Ngành, hằng năm, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức 35-40 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với hơn 1.000 lượt học viên; tổ chức thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán, tài chính - ngân hàng. Qua đó, Trường đã góp phần quan trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của KTNN.

 

Chuyển đổi mạnh mẽ, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

 

Trước yêu cầu xây dựng văn hóa học tập suốt đời và tự học tập của KTNN, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán xác định một số định hướng hoạt động mang tính giải pháp hỗ trợ cần thiết để mỗi KTVNN xây dựng và thực hiện kế hoạch tự đào tạo của mình.

 

Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện hệ thống tài liệu, giáo trình.

 

Trường đã xây dựng được hệ thống chương trình tài liệu bồi dưỡng tương đối đồng bộ, với 27 chương trình, tài liệu bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên nhà nước, kỹ năng kiểm toán và cập nhật kiến thức theo vị trí việc làm. Nhiều tài liệu bồi dưỡng đang tiếp tục được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức mới như: phân tích và đánh giá chính sách công; kiểm toán trách nhiệm kinh tế; kiểm toán số dựa trên các nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Song song với đó là việc nâng cấp tài liệu một số chuyên đề thành các Giáo trình tiệm cận mô hình đào tạo Học viện Kiểm toán. Hệ thống tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ được số hóa, trở thành nguồn tư liệu có giá trị hỗ trợ KTVNN trau dồi và tích lũy kiến thức.

 

Thứ hai, ứng dụng công nghệ để xây dựng và phát triển thư viện số.

 

Thư viện của Trường hiện đang quản lý khoảng 1.100 đầu tài liệu, gồm tài liệu bồi dưỡng KTVNN, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học... Công tác lưu trữ tài liệu đang được Trường chuẩn hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo tính khoa học trong lưu trữ và thuận tiện cho việc tra cứu, nghiên cứu của độc giả. Thư viện của Trường cũng sẽ được kết nối với thư viện của KTNN để chia sẻ tài nguyên tri thức.

 

Thứ ba, phát triển và nâng cao chất lượng Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán.

 

Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán hiện được phát hành định kỳ hằng tháng, trở thành diễn đàn khoa học cho các KTVNN, các học giả, nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách... Số lượng và chất lượng tin, bài không ngừng được nâng cao đảm bảo yêu cầu của bài báo khoa học, phản ánh sát thực các hoạt động chuyên môn của Ngành. Cùng với tạp chí in, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán sẽ phát triển tạp chí điện tử và tạp chí bằng tiếng Anh để mở rộng hơn khả năng tiếp cận của các KTVNN và độc giả đến kho tàng tri thức kiểm toán, kế toán, tài chính - ngân hàng của KTNN.

 

Hệ thống bài giảng, tài liệu, giáo trình, các sản phẩm nghiên cứu khoa học sẽ được Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tích lũy, lưu trữ trở thành “Kho dữ liệu tri thức về đào tạo và nghiên cứu khoa học của KTNN”. Kho dữ liệu tri thức ngày càng được bồi đắp làm giàu hơn và trở thành nền tảng hữu ích, không thể thiếu cho quá trình tự học tập của mỗi KTVNN.

 

Thứ tư, hình thành và phát triển hình thức đào tạo “E-Learning”.

 

Bên cạnh đào tạo tập trung, Trường phát triển phương thức đào tạo E-learning. Nội dung bài giảng được số hóa theo cấu trúc định dạng nhất định (văn bản, slide, bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video số, các ứng dụng tương tác,…) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học một cách sinh động và hiệu quả. Phương thức đào tạo E-learning tạo sự linh hoạt về thời gian, cho phép các KTVNN học tập mọi lúc, mọi nơi.

 

Cùng với “Kho dữ liệu tri thức về đào tạo và nghiên cứu khoa học của KTNN”, đào tạo E-Learning sẽ kiến tạo môi trường thích hợp để phát huy hiệu quả việc tự học tập và học tập suốt đời của các KTVNN./.

 

Box: “Học tập suốt đời”, theo UNESCO, là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc sống của một cá nhân, theo các phương thức giáo dục chính quy và phi chính quy. Học tập suốt đời tạo cơ hội cho tất cả mọi người để có thể thích ứng với những thách thức của sự thay đổi nhanh chóng do tác động của khoa học - công nghệ. Học tập suốt đời đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của thế giới, quốc gia, địa phương, đơn vị và mỗi cá nhân. Học tập suốt đời đang được quan tâm, phát triển trở thành một quyền con người.

 

“Tự học tập” là yếu tố trung tâm của học tập suốt đời. Học để học tiếp đã trở thành năng lực cơ bản, phản ánh sự tự giác, tính tích cực, khả năng độc lập và tự chủ của mỗi người trong quá trình lĩnh hội tri thức, kỹ năng để nâng cao hiệu quả làm việc.

 

Học tập suốt đời và tự học tập được nhân rộng trong một đơn vị, tổ chức, xã hội lâu dần sẽ trở thành văn hóa của đơn vị, tổ chức hay xã hội đó./.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của KTNN đang chuyển mạnh sang hình thức trực tuyến nhằm khai thác hiệu quả hệ thống CNTT và thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch


TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)