TIN TỨC
HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN CỦA KTNN - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

(khoahockiemtoan.vn) - Nằm trong chuỗi các tọa đàm khoa học của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” do ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN làm chủ nhiệm, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức buổi Tọa đàm “Hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán của KTNN - thực trạng và vấn đề đặt ra”. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đến từ các trường đại học, các học viện, Ban Nội chính Trung ương, các Hiệp hội, các nhà nghiên cứu độc lập cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Kiểm toán nhà nước. Tọa đàm do GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng KTNN, Phó Chủ nhiệm đề tài và ThS Trần Kim Lộc, Giám đốc Trường chủ trì.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Cơ quan kiểm toán tối cao có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện và phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiểm toán nhà nước cũng phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, lãng phí thông qua việc công bố các kết quả kiểm toán.

 

Thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán Kiểm toán nhà nước đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý nhiều vụ việc theo quy định pháp luật; cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán chưa được đánh giá rõ ràng dựa trên những tiêu chí cụ thể. Nhận thức của xã hội cũng như của một bộ phận không nhỏ kiểm toán viên nhà nước về vai trò, vị trí của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao.

 

GS.TS Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Tọa đàm

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và khẳng định vị trí, vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được nâng cao, thể hiện qua các số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước; kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Tọa đàm cũng cho thấy hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí chịu tác động của nhiều nhóm yếu tố, như: yếu tố pháp lý và hệ thống pháp luật của quốc gia; yếu tố chính trị; yếu tố kinh tế; yếu tố văn hoá - xã hội; yếu tố tổ chức. Nhận thức rõ và đúng các yếu tố trên có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Thứ hai, để đánh giá chính xác và có luận cứ khoa học về vị trí, vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần thiết phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của hoạt động kiểm toán. Đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu lực, hiệu quả cho các cuộc kiểm toán cũng như cho hoạt động kiểm toán hàng năm hay trong một giai đoạn dựa trên hệ thống các tiêu chí đã được xây dựng.

 

Thứ ba, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán nhà nước cần cần có quyết tâm chính trị cao trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý và nâng cao tính pháp lý trong hoạt động kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường bồi dưỡng và nâng cao sự liêm chính cho kiểm toán viên, sự công khai minh bạch của cơ chế kinh tế; nâng cao giá trị văn hóa và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.

 

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng. Tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các mô hình tổ chức cuộc kiểm toán để mở rộng khả năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Phát triển các phương pháp kiểm toán để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện đề tài.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)