NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
VỊ TRÍ VAI TRÒ CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG TRONG CƠ CHẾ KINH TẾ MỚI
Quy mô hoạt động kinh tế càng lớn, sản xuất, xã hội càng phát triển thì nội dung công tác kế toán càng mở rộng vị trí, vai trò của kế toán càng được nâng cao, trách nhiệm, quyền hạn của mọi người đứng đầu bộ máy kế toán là Kế toán trưởng ngày càng quan trọng
Vị trí vai trò của Kế toán trưởng trong cơ chế Kinh tế mới

I. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Kế toán trưởng trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Kế toán là công cụ quản lý kinh tế, tài chính cần thiết cho bất cứ chế độ kinh tế – xã hội nào. Quy mô hoạt động kinh tế càng lớn, sản xuất, xã hội càng phát triển thì  nội dung công tác kế toán càng mở rộng vị trí, vai trò của kế toán càng được nâng cao, trách nhiệm, quyền hạn của mọi người đứng đầu bộ máy kế toán là Kế toán trưởng ngày càng quan trọng. Vị trí, vai trò của kế toán trưởng qua các thời kỳ tuy có biến động về kinh tế, chính trị nhưng vẫn được quan tâm và được xác định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, có thể kể ra như sau:
1. Thời kỳ từ 1946 đến 1980: Thời kỳ khởi đầu hình thành, xây dựng củng cố và thống nhất hệ thống kế toán Việt Nam.
Trong những năm đầu xây dựng đất nước và kháng chiến chống Pháp hoạt động tài chính là phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc, công cụ kế toán được hình thành để ghi chép thu, chi tài chính sơ khai của Chính phủ vừa bằng hiện vật, vừa bằng tiền. Năm 1948 Bộ Tài chính ban hành Nghị định số 1535VP/TĐQ ngày 25/9/1948 về Thể lệ thu chi và Kế toán đại cương. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về kế toán, trong đó có quy định chức danh Chủ nhiệm hoặc Phụ nhiệm thu, thu chi ở các đơn vị trung ương và địa phương (nay là Kế toán trưởng và Phó kế toán trưởng) có quyền ký duyệt và kiểm soát các hoạt động thu, chi, số dự thu, dự chi và tổ chức kế toán các hoạt động thu, chi tại các đơn vị kinh tế, ngân sách.
Ngày 22/10/1961 Chính phủ ban hành Nghị định số 175/CP về Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước trong đó có chương III nói về Kế toán trưởng và sau đó 10/9/1970 ban hành Nghị định số 176/CP thay thế chương III trong Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước, trong Điều lệ khẳng định: Ở các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp phải đặt chức vụ Kế toán trưởng, Kế toán trưởng tổ chức và lãnh đạo công tác kế toán là kiểm soát viên của Nhà nước đặt vị tại xí nghiệp.Riêng lĩnh vực kế toán các đơn vị dự toán Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 27/TC/TDT ngày 2/11/1966 về chế độ kế toán Tổng hợp dự toán, trong đó quy định các cấp đều bổ nhiệm Kế toán trưởng chịu trách nhiệm tổ chức công việc kế toán của đơn vị giúp Thủ trưởng đơn vị giám đốc các hoạt động kinh tế tài chính tại đơn vị.
2. Thời kỳ từ 1981 đến 1990: Thời kỳ hoàn thiện và phát triển hệ thống kế toán Việt Nam.
Thời kỳ này là những năm tháng  khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra mọi biện pháp để thoát ra sự nghèo nàn và có xu thế tụt hậu. Hệ thống kế toán Việt Nam phải xem xét lại để phù hợp với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, đặc biệt chú ý đến việc phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Đầu năm 1984 Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị Kế toán trưởng toàn quốc lần thứ nhất rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trong trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kế toán trưởng. Từ kết quả trên Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội ký Lệnh số 06/LCP/HĐNN  ngày 20/5/1998 công bố “Pháp lệnh Kế toán và Thống kê” Chính phủ ban hành Nghị định số 25/HĐBT ngày 18/3/1989 “Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước” và sau đó Bộ Tài chính ban hành hàng loạt chế độ kế toán mới. Trong pháp lệnh Nghị định cũng như CĐKT quy định rất rõ vị trí, vai trò của kế toán trưởng là giúp Giám đốc xí nghiệp tổ chức chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán thống kê, thông tin hoạt động kinh tế và hạch toán kinh tế, đồng thời làm nhiệm vụ kiểm soát kinh tế – tài chính của nhà nước tại xí nghiệp. Việc bổ nhiệm kế toán trưởng là do giám đốc xí nghiệp đề nghị, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Giám đốc quyết định sau khi có sự thoả thuận của kế toán trưởng cấp trên. Kế toán trưởng được hưởng mức lương quy định cho Phó Giám đốc và các quyền lợi khác như Phó Giám đốc xí nghiệp.
    3. Thời kỳ từ 1991 đến nay:
    Giai đoạn này cải cách đổi mới hệ thống kế toán theo nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế phát triển hệ thống dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
    Giai đoạn này hình thành 2 công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập (tháng 5/1991) đó là VACO và AASC, Hội Kế toán Việt Nam ra đời tháng 4/1994. Điều đó khẳng định kế toán, kiểm toán được là 1 nghề nghiệp mang tính kỹ thuật chuyên sâu, hoạt động kế toán trở thành 1 loại dịch vụ kỹ thuật cao trong nền kinh tế thị trường.
    Tiếp theo Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án cải cách hệ thống kế toán doanh nghiệp và ngày 11/11/1995 Bộ Tài chính ban hành CĐKT doanh nghiệp, tháng 11/1997 được phép của Chính phủ Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị quốc tế và kế toán, kiểm toán, bạn bè quốc tế đã biết đến sự hoạt động mạnh mẽ của kế toán, kiểm toán Việt Nam. Từ năm 1999 đến 2003 Bộ Tài chính ban hành hơn 20 chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, đến nay là 26 chuẩn mực kế toán. Ngày 17/6/2003 Quốc hội đã thông qua Luật kế toán, ngày 31/5/2004 Chính phủ ban hành Nghị định 128/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước, Nghị định 129/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kế toán trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt Liên Bộ Tài chính – Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 7/12/2005 hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp lương KTT, phụ trách kế toán trong các tổ chức hoạt động kinh doan; Liên Bộ Tài chính – Nội vụ ban hành Thông tư số 20/2005/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp KTT, phụ trách kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước.
    II: Đánh giá thực trạng về vị trí, vai trò KTT, kinh nghiệm rút ra để thực hiện tốt vai trò, vị trí KTT.
    1. Đánh giá thực trạng về vị trí, vai trò của KTT
    1.1. Kết quả đạt được:
Một là: Thành công lớn nhất là tư duy nhận thức của phần lớn cán bộ lãnh đạo đơn vị về vai trò, vị trí của KTT không thuần tuý chỉ là công việc ghi chép phản ánh nghiệp vụ kinh tế, công việc giữ tiền, khoá sổ, lập báo cáo tài chính mà KTT thực sự là người tổ chức thông tin kinh tế tại đơn vị, kiểm tra giám sát các hoạt động kinh tế, giúp lãnh đạo đơn vị phân tích kinh tế đưa ra quyết định quản lý: KTT được thừa nhận là trợ thủ đắc lực trong phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị;
Hai là: Mọi quy định pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của KTT đều được cụ thể rõ ràng tạo điều kiện cho KTT phát huy mọi tiềm năng của KTT;
Ba là: Đội ngũ KTT ngày càng đông về số lượng, có bản lĩnh vững vàng xử lý công việc có chất lượng, hiệu quả cao, được đào tạo có hệ thống, có thước đo tiêu chuẩn điều kiện để bổ nhiệm, được trang bị hệ thống kiến thức nghiệp vụ thống nhất, ổn định thông qua hệ thống pháp luật về kế toán, hệ thống CMKT và các CĐKT. Từ đó làm cho KTT có đủ nghị lực, tự tin, bằng quyết tâm, đủ trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tự hào có nhiều KTT trở thành nhà lãnh đạo trong cương vị lập pháp, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp giỏi hay những chuyên gia tư vấn hành nghề kế toán có uy tín trong và ngoài nước;
Bốn là: Điều đáng quý là phần lớn KTT là tấm gương về giữ vững tư cách và đạo đức nghề nghiệp kế toán: Chính trực, khách quan, thận trọng, tư cách nghề nghiệp, bảo mật và tuân thủ chế độ tài chính kế toán quy định. Đồng thời, họ chính là người dám đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống tiêu cực, giữ gìn bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể;
Năm là: KTT là đầu mối là người trực tiếp đào tạo bằng môi trường thực tiễn để sản sinh ra nhiều cán bộ kế toán có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đạo đức tác phong nghề nghiệp vững vàng;
Sáu là: KTT là người tiên phong thực hiện công tác hiện đại hoá, cơ giới hoá công tác kế toán, triển khai thực hiện các chương trình phầm mềm kế toán, đảm bảo số liệu kế toán minh bạch, công khai, tiết kiệm sức lao động trong thực hiện công việc kế toán ở cơ sở;
1.2 Một số tồn tại:
Thứ nhất:  Trên thực tế ở một số ít đơn vị trong đó kể cả một số lãnh đạo đơn vị còn vô tình hoặc cố tình chưa hiểu đúng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTT; Người ta cho rằng KTT cũng như các Trưởng phòng nghiệp vụ khác hoặc không ngang với Trưởng phòng nghiệp vụ, chỉ là người quản lý bộ phận ghi chép sổ kế toán, tổng hợp số liệu phục vụ lập báo cáo tài chính. Do vậy, việc sử dụng công cụ kế toán, sử dụng số liệu kế toán để tính toán hiệu quả kinh doanh, giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý chưa được quan tâm chú ý; có lúc, có nơi công cụ kế toán bị buông lỏng, bị coi nhẹ, vì thế vị trí, vai trò của KTT không được phát huy.
Một số đơn vị khác coi vị trím vai trò của KTT đó là nơi tính toán chế biến số liệu biến lỗ thành lãi, có thể nguỵ tạo tình  hình, che dấu sai sót khiếm khuyết trong SXKD, hoạt động của đơn vị.
Thứ hai:  Trong thực tế cho thấy KTT ở xã, phường, thị trấn chỉ khoảng 5% có trình độ Đại học, 50% trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp hoặc không được đào tạo nghiệp vụ kế toán. Hiện nay cả nước chỉ có 1.304 người được cấp chứng chỉ  trong nước, 88 người được cấp chứng chỉ nước ngoài về hành nghề kế toán, kiểm toán, chiếm 1 tỷ lệ hết sức nhỏ trong lực lượng đông đảo làm kế toán và làm KTT. Điều đó có thể khẳng định tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp kế toán là chưa cao cũng ảnh hưởng tới vị trí, vai trò nói chung của KTT;
Thứ ba: Thực trạng hiện nay phần lớn KTT có phương pháp công tác tốt kết quả công tác rất cao, tuy nhiên 1 bộ phận KTT vẫn có phương pháp công tác chưa tốt do vậy, vị trí vai trò của họ chưa được coi trọng. Một số KTT chỉ biết chuyên môn phải giỏi nghĩa là tổ chức chứng từ, sổ, báo cáo tài chính phải chính xác, đúng chế độ, phải kịp thời. Nếu như vậy thì phương pháp công tác chỉ mới đúng 1 phần. Phương pháp đúng ngoài chuyên môn, nghiệp vụ phải tuyên truyền để mọi người hiểu công việc của mình, phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên, phải phối hợp  công tác tốt với các phòng ban nghiệp vụ, phải quan tâm đến công tác khác (công đoàn, đoàn thanh niên phụ nữ...) của cơ quan và không quên quan tâm đến gia đình mình nữa. Như vậy mới gọi là phương pháp công tác tốt. Ngoài ra KTT phải thường xuyên bổ túc kiến thức xã hội, kiến thức tiếp thị, giao tiếp.
Thứ tư: Hiện nay hoạt động của KTT chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, nghiệp vụ chuyên môn giỏi nhưng kiến thức phân tích lại không được phát huy, đặc biệt là các KTT ở các cơ quan hành chính, đơn vị  sự nghiệp. Chính vì vậy, tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý phù hợp là chưa nhiều. Thậm chí ở một số phòng tài chính – kế toán chưa tổ chức bộ phận phân tích hoạt động kinh tế – tài chính của đơn vị để sử dụng số liệu kế toán có hiệu quả nhất, biến số liệu kế toán thành số liệu biết nói;
Thứ năm: Việc đào tạo, bồi dưỡng KTT cũng còn nhiều hạn chế. Nhà nước mới tập trung đào tạo kiến thức ban đầu qua trường Đại học, Trung cấp hoặc đào tạo đủ tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ, đủ điều kiện để bổ nhiệm KTT. Việc cập nhật kiến thức mới về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán hàng năm cho KTT của các ngành, các cấp chưa được thực hiện thường xuyên; Chúng ta mới dừng lại ở việc phổ biến chế độ mới vào các đợt có CĐKT mới ban hành hoặc qua sinh hoạt CLB, hội nghề nghiệp. Vì vậy, bổ túc kiến thức nghiệp vụ thường xuyên, kịp thời cho KTT chưa có hiệu quả và chưa tốt, phải xem xét có là tiêu chuẩn để bổ nhiệm lại KTT;
Thứ sáu: Trong thời đại ngày nay là thời đại cơ giới hoá, hiện đại hoá. Trong hoạt động kế toán hơn lúc nào hết phải được tin học hoá, xây dựng chương trình phần mềm kế toán áp dụng các khâu nghiệp vụ kế toán, từ đó tổ chức lại bộ máy kế toán, tiết kiệm công sức lao động cho người làm kế toán.  Một số KTT chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này, nhiều đơn vị còn làm kế toán thủ công hoặc có áp dụng phần mềm chỉ là cục bộ ở bộ phận tài chính kế toán mà chưa nối mạng trong toàn đơn vị để các phòng ban khác cùng sử dụng số liệu kế toán, lãnh đạo đơn vị ký duyệt chứng từ, sổ, báo cáo tài chính trên máy;
2. Bài học kinh nghiệm.
Từ đánh giá thực trạng về những kết quả đạt được và tồn tại về vị trí, vai trò của KTT trong cơ chế kinh tế hiện nay, chúng ta có thể rút ra 1 số bài học kinh nghiệm sau:
2.1. KTT là người hơn ai hết phải có chữ tâm về kế toán và phải rèn luyện để có tính đạo đức nghề nghiệp kế toán. Đạo đức nghề nghiệp kế toán không chỉ đơn thuần là đạo đức của cán bộ, công nhân viên chức mà bao gồm cả phẩm chất của nghề nghiệp kế toán theo nguyên tắc cơ bản: Độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính  thận trọng, tính bảo mật, tư cách nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật quy tắc, chuẩn mực nghiệp vụ;
2.2. KTT trước hết phải là người yêu nghề kế toán và sau đó còn phải làm cho người khác biết về kế toán và cùng yêu nghề kế toán. Thực tiễn cho thấy KTT có yêu nghề thì mới có hứng thú hành nghề (có máu nghề nghiệp) thì mới phát triển tài năng và mới có hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện công tác kế toán. Điều này xuất phát từ nguyên lý “Tư tưởng là gốc, sáng kiến là hoa, hiệu suất là quả”. Từ việc yêu nghề KTT mới có hoài bão phát triển nghề nghiệp có định hướng lâu dài, mục tiêu và trước mắt để phát huy công tác kế toán ở đơn vị mình. Ngoài ra KTT cũng phải làm cho người khác trước hết là đồng nghiệp của mình yêu nghề thông qua tuyên truyền và việc làm hàng ngày của mình. Có như vậy mới tạo ra 1 tập thể yêu nghề, công tác kế toán mới tốt và phát huy vị trí, vai trò của KTT;
2.3. Xã hội thừa nhận kế toán là một nghề, KTT là người đứng đầu tổ chức hoạt động nghề nghiệp, hoạt động dịch vụ kế toán tại một đơn vị cơ sở. Do vậy, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kế toán mà trước hết KTT phải rèn luyện về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để được xã hội thừa nhận thông qua phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Đó chính là thước đo chất lượng nghề nghiệp của KTT;
2.4. KTT cần luôn cập nhật kiến thức, trau dồi nghiệp vụ tự đào tạo mình để trở thành người có chuyên môn sâu để đáp ứng mọi yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. KTT  cần thực hiện đúng quyền hạn của mình là người tham mưu giúp thủ trưởng đơn vị kiểm tra giám sát tài chính của đơn vị, phải luôn đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống lại những hành vi vi phạm quy chế tài chính kế toán chống tham ô, tham nhũng tài sản của nhà nước, của tập thể. Đây chính là bản lĩnh nghề nghiệp của KTT;
2.5. KTT nên tránh sa đà vào công việc sự vụ hàng ngày như tiếp khách, giao tiếp khách hàng, ký giấy tờ nhỏ, lẻ... cần phân loại công việc, uỷ quyền cho cấp phó hoặc tổ trưởng các tổ chuyên môn xử lý. KTT nên tập trung vào nghiên cứu phân tích số liệu kế toán, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý phù hợp, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác, tuyên truyền phổ biến chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, đào tạo bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ cấp dưới. Xác định hiệu quả công tác của KTT không chỉ xác định hiệu quả công việc cụ thể ở phòng (ban) tài chính kế toán mà là ở toàn ngành, ở cấp trên, cấp dưới, ở tác động trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của đơn vị, ở ý kiến tham mưu đề xuất có giá trị;
2.6. KTT cũng cần rèn luyện có phương pháp công tác tốt, sâu sát thực tế, ý thức quan hệ quần chúng, tạo dựng phong trào thi đua và tham gia nhiệt tình các công tác khác.
 III. Một số định hướng để phát huy vị trí, vai trò KTT trong cơ chế kinh tế hiện nay
1. Tổng kết, đánh giá về đội ngũ kế toán hiện nay kể cả số lượng và chất lượng hoạt động theo dõi cập nhật số liệu tình hình về KTT. Cán bộ kế toán ở các ngành, các cấp, ở TW và địa phương;
2. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, quyền lợi cho KTT, phụ trách kế toán về người làm kế toán và người được thuê làm KTT, đặc biệt là trong Luật Kế toán, Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính;
3. Quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, người làm KTT trong cơ chế kinh tế hiện nay trong điều kiện phù hợp với từng thành phần kinh tế và từng lĩnh vực hoạt động của nhà nước và hoạt động kinh doanh;
4. Nâng cao tính chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ của KTT. Xác định mức độ chuyên môn nghiệp vụ của KTT ở từng cấp quản lý, xem xét tổ chức thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề cho KTT có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao;
5. Thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho KTT thông qua Hội nghề nghiệp, các Trường Đại học bằng các kiến thức bắt buộc theo số tiết quy định hoặc tự nghiên cứu trên mạng thông tin điện tử hoặc sách, báo, tạp chí...;
6. Tổ chức sinh hoạt sôi nổi, có hiệu quả thiết thực các hoạt động của KTT như: Kiểm tra chéo KTT, thi KTT giỏi, thi kiến thức KTT toàn ngành từng cấp quản lý./.


PGS.TS Phạm Văn Đăng
Phó vụ trưởng Vụ CĐKT & KT - Bộ Tài chính


TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)