TIN TỨC
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC
(khoahockiemtoan.vn) - Trước thực tế rằng cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) đang dần hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và trong môi trường kiểm toán nói riêng, nhằm nhìn nhận những cơ hội cũng như thách thức mà Kiểm toán viên nhà nước đang phải đối mặt, Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đặt ra đối với Kiểm toán viên nhà nước”. Tham dự Tọa đàm có Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành cùng toàn thể đoàn viên các chi đoàn trực thuộc. Buổi Tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện ACCA Việt Nam và một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Tọa đàm do ông Lê Đình Thăng – Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và ông Ngô Đạt Trí – Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN đồng chủ trì.

Trước khi xuất hiện khái niệm cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, đánh dấu những mốc son phát triển và tạo ra những thay đổi căn bản trong sản xuất và xã hội. Cuộc CMCN lần thứ nhất - Cơ khí hóa (từ năm 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Cuộc CMCN lần thứ hai - Điện khí hóa (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc CMCN lần thứ ba - Tự động hóa (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng từ cuộc cách mạng này. Cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) bắt đầu xuất hiện từ năm 2000 là cuộc cách mạng Số hóa và kết nối hệ thống thực và ảo. Đặc trưng khác biệt của cuộc CMCN 4.0 là các giá trị được tạo ra trên không gian mạng (thế giới ảo) có tỷ trọng ngày càng tăng, xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua những công nghệ tiên tiến, đổi mới, sáng tạo không ngừng. CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như in 3D, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, rô-bốt…

 

Với những kiến thức còn khá mới mẻ đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc mong muốn các đoàn viên thanh niên thảo luận để chỉ ra được đặc điểm, bản chất và đặc trưng của cuộc CMCN này; phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức mà KTNN phải đối mặt cũng như chỉ ra giải pháp và trách nhiệm mà KTNN cần thực hiện để thu được những kết quả tích cực từ cuộc CMCN 4.0.

 

Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã đưa ra những vấn đề cơ bản khi nhận diện CMCN 4.0 trên các mặt vật lý, kỹ thuật số hóa, sinh học. Theo PGS, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tăng cường thế ảo (AR) mạng xã hội, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để chuyển đổi phiên bản thế giới thực sang thế giới số, trong đó việc điều hành thế giới thực sẽ thông qua việc vận hành thế giới số. CMCN 4.0 tạo ra nền kinh tế số với các thành phần ẩn và hiện, tạo ra bức tranh đan xen giữa kinh tế số và kinh tế truyền thống càng ngày càng trở nên rõ nét hơn. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mô hình ngân hàng số với nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính qua môi trường Internet đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống ngân hàng và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch tiến tới gần bằng 0. Trước những thay đổi đó, kiểm toán viên nhà nước cần nhận diện được những vấn đề cần phải đối mặt, đặc biệt, cần trang bị kỹ năng “4C” – communicative skill (kỹ năng giao tiếp – không chỉ giữa người và người mà còn giữa người và robot), creative skill (kỹ năng sáng tạo), critical thinking skill (tư duy phản biện) và cooperative skill (kỹ năng hợp tác, cả với robot).

 

Thảo luận tại đây, nhiều đại biểu đến từ các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực đã chỉ ra được những thách thức mà kiểm toán viên phải đối mặt khi CMCN 4.0 thực sự bùng nổ, đồng thời cũng nhận định được các cơ hội mà KTNN cần tận dụng để bắt kịp với xu thế chung.

 

 

Cũng tại Tọa đàm, TS Lê Đình Thăng, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã chỉ ra những thách thức mà chúng ta đang đối mặt về vấn đề tư duy, về quy trình và cách thức tiếp cận kiểm toán, về sự thay đổi công nghệ tài chính kế toán và đặc biệt là việc lực lượng kiểm toán viên chưa thực sự sẵn sàng với CMCN 4.0. Cùng với đó, có rất nhiều cơ hội mà kiểm toán viên nhà nước cần tận dụng: đó là lực lượng trẻ - dễ dàng tiếp thu kiến thức mới; là được tạo điều kiện tiếp cận toàn diện hệ thống tài chính quốc gia; được sự hỗ trợ của CNTT trong việc thu thập và phân tích thông tin một cách nhanh gọn cũng như trong việc kiểm soát chất lượng kiểm toán.

 

Diệu Thúy

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)