TIN TỨC
HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH TÀI LIỆU ĐÀO TẠO CHUYÊN ĐỀ “QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC”

(khoahockiemtoan.vn) - Chiều 6/12/2018, tại Cung Trí thức Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức họp thẩm định tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề “Quản lý ngân sách Nhà nước”. Tài liệu do PGS.TS Lê Huy Trọng và PGS.TS Phan Duy Minh chủ trì biên soạn. Dự buổi họp có TS Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng thẩm định.

Báo cáo khái quát quá trình tổ chức biên soạn và những nội dung cơ bản của tài liệu, PGS. TS Phan Duy Minh cho biết Chuyên đề “Quản lý ngân sách Nhà nước” thuộc chương trình đào tạo ngạch Kiểm toán viên của KTNN - tiếp theo chuỗi các chuyên đề, môn học về Tài chính công đã được trình bày trong các chương trình đào tạo Tiền Kiểm toán viên như: Lý thuyết Tài chính - Tiền tệ, Tài chính công...

 

 

Chuyên đề được nghiên cứu xây dựng nhằm trang bị cho các học viên là Kiểm toán viên nhà nước những kiến thức và kỹ năng dưới dạng phương pháp luận cơ bản để nhận thức về ngân sách Nhà nước (NSNN) và quản lý, sử dụng NSNN, bộ phận chủ yếu, quan trọng nhất của Tài chính công và Quản lý tài chính công – đối tượng kiểm toán của KTNN. Cụ thể, chuyên đề sẽ giúp học viên nắm vững kiến thức về thu, chi NSNN; nguyên tắc quản lý NSNN; phân cấp trong quản lý NSNN; quản lý NSNN; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát NSNN.

 

Trong quá trình biên soạn tài liệu và giảng dạy, giảng viên chủ động đưa vào chương trình những kiến thức về quản lý NSNN mà Kiểm toán viên phải sử dụng trong kiểm toán ngân sách cũng như mối liên hệ giữa quản lý ngân sách và kiểm toán ngân sách để học viên có thể áp dụng trong thực tiễn.

 

Đề cương chi tiết chuyên đề “Quản lý NSNN” được kết cấu bởi 3 Chương: Chương 1 - Những vấn đề cơ bản về NSNN và quản lý NSNN; Chương 2 - Nội dung quản lý NSNN; Chương 3 - Thanh tra, kiểm tra, giám sát NSNN

 

Thời lượng của Chuyên đề được bố trí khoảng 40 tiết trong đó 2/3 thời gian học trên lớp, 1/3 thời gian còn lại là trao đổi, thảo luận làm bài tập.

 

Nhận xét về chuyên đề, các thành viên trong Hội đồng cho rằng: Nội dung chuyên đề khá đầy đủ, chi tiết, cơ bản bám sát đề cương được phê duyệt. Tài liệu có nội dung sáng rõ, logic, chặt chẽ có tính ứng dụng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho Kiểm toán viên nhà nước. Tài liệu đã bao quát những vấn đề cơ bản nhất về NSNN, đồng thời cũng cụ thể hóa nội dung thu, chi NSNN từ khâu lập dự toán, thực hiện và quyết toán NSNN; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ban biên soạn tài liệu đã tham khảo nhiều tài liệu, giáo trình, bài giảng của các trường đại học uy tín trong nước, tài liệu hướng dẫn chuyên môn của Bộ Tài chính, các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn... đảm bảo tính khoa học, phù hợp với các quy định của nhà nước và của các cơ quan chuyên ngành có liên quan.

 

Tuy nhiên, để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu, rà soát lại nội dung của từng chuyên đề; bổ sung thêm nội dung liên quan đến đặc điểm về tính lồng ghép của NSNN Việt Nam; điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp với Luật NSNN mới ban hành; Bổ sung làm rõ nội dung về kiểm tra, thanh tra, giám sát NSNN, đặc biệt là vai trò của KTNN đối với quản lý NSNN. Ban biên soạn tài liệu có thể nghiên cứu bổ sung nội dung về một số sai phạm chủ yếu về quản lý NSNN phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để học viên có thể nắm bắt về quản lý NSNN thông qua chính hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, Hội đồng đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân đối số trang cho phù hợp với số tiết theo yêu cầu, quy chuẩn của tài liệu đào tạo, bồi dưỡng...

 

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định - TS. Lê Đình Thăng cho rằng tài liệu được biên soạn công phu, nghiêm túc và có giá trị ứng dụng cao. Tuy nhiên để tài liệu được hoàn thiện trước khi ban hành chính thức, đề nghị tổ biên soạn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Hội đồng thẩm định thống nhất: Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề “Quản lý ngân sách nhà nước” đạt yêu cầu, nhưng phải chỉnh sửa hoàn thiện. Thời gian chỉnh sửa hoàn thiện tài liệu tròng vòng 1 tháng tính từ ngày Hội đồng thẩm định cho ý kiến./.

 

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)