TIN TỨC
HỌP HỘI ĐỒNG KHOA HỌC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NHIỆM KỲ VIII (2017-2020)

(khoahockiemtoan.vn) - Chiều ngày 18/12/2017, tại Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2017-2020. Dự buổi họp có Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, các thành viên HĐKH của nhiệm kỳ VIII, các đồng chí thành viên đã tham gia HĐKH nhiệm kỳ VII.

 
Toàn cảnh buổi họp

Tại cuộc họp, TS. Lê Đình Thăng - Phó Chủ tịch thường trực HĐKH đã công bố Quyết định Thành lập Hội đồng khoa học nhiệm kỳ VIII và trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VII và phương hướng nhiệm vụ của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ VIII.

Trong thời gian từ năm 2014-2017, Hội đồng Khoa học nhiệm kỳ VII đã đạt được những thành tích đáng khích lệ đó là: đã tham mưu tư vấn cho Tổng KTNN về phương hướng phát triển hoạt động khoa học của KTNN; đã tư vấn chủ đề, nội dung Hội thảo khoa học hàng năm của KTNN (đặc biệt là các hội thảo: “Các giải pháp thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017”;  “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của KTNN”;  “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của KTNN”; “Cơ chế đầu tư BT- những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”…); Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều khởi sắc (số lượng đề tài được nghiên cứu gia tăng với 30 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và 78 đề tài nghiên cứu cấp Cơ sở); hoạt động đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài với hơn 90% số lượng các đề tài có kết quả loại khá và xuất sắc. Có thể nói chất lượng nghiên cứu của các đề tài đã được nâng cao rõ rệt; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã có những chuyển biến tích cực (các kết quả nghiên cứu của đề tài đã ứng dụng vào thực tiễn kiểm toán và việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN ví dụ: Xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015; Đề án thành lập Trường ĐT&BD nghiệp vụ kiểm toán; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu nghề  nghiệp viên chức của KTNN; Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch KTVNN...); việc xử lý các đề tài quá hạn…

Mặc dù, đạt được những kết quả nêu trên, song hoạt động của Hội đồng Khoa học vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: năng lực tham mưu tư vấn của Thường trực HĐKH về định hướng nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế và chưa đề xuất được những giải pháp hữu hiệu để đánh giá hiệu quả ứng dụng của các đề tài vào hoạt động của KTNN; các ý kiến tham mưu tư vấn của các thành viên HĐKH cũng như việc đề xuất khen thưởng, xử phạt đối với các cá nhân, tập thể hoàn thành tốt, không hoàn thành nhiệm vụ khoa học vẫn còn rất hạn chế…Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó là: các thành viên HĐKH chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên việc tham gia hoạt động khoa học của HĐKH còn chưa sâu; do đặc thù chuyên môn của ngành nên các thành viên thường xuyên phải đi công tác nên việc tham gia hoạt động khoa học còn hạn chế cũng như việc nghiên cứu đề tài của các cán bộ trong Ngành còn chưa đảm bảo tiến độ đề ra…

Tham dự buổi họp, các thành viên đã góp ý sôi nổi để hoàn thiện báo cáo tổng kết và góp ý về Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động HĐKH KTNN, các ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, các thành viên góp ý về các khó khăn, vướng mắc của HĐKH trong nhiệm kỳ vừa qua các vấn đề cụ thể đó là: tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu có nhiều nơi đăng ký nghiên cứu nhưng ngược lại cũng có đề tài không có ai đăng ký nghiên cứu; số lượng thành viên tham gia nghiên cứu quá đông; việc sắp xếp Hội đồng nghiệm thu đề tài gặp rất nhiều khó khăn do các thành viên hội đồng bận công tác chuyên môn nên không dự được; vấn đề nghiên cứu giải quyết thực tiễn theo hình thức “đặt hàng”, hiện nay đã được triển khai tuy nhiên cần có công tác sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và có thể xây dựng thành quy trình, cơ chế cụ thể để triển khai mở rộng mô hình này…

Thứ hai, về các vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ tới, các thành viên HĐKH đã đưa ra các nội dung trao đổi như: Văn phòng HĐKH  có nên tồn tại? vì thực chất Văn phòng HĐKH là do Trường (mà cụ thể là Phòng QLKH&HTQT) đảm trách – vấn đề đặt ra là có nên để chức năng nhiệm vụ của Văn phòng HĐKH theo Quy chế hay sửa lại chỉ nên để Trường thực hiện các chức năng này? Nghiên cứu cơ chế bổ sung các chuyên gia quốc tế tham gia các đề tài để các đề tài có tính mới đồng thời nâng cao chất lượng đề tài; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài cần xem xét lập Website riêng để công khai phổ biến rộng rãi nhằm mục đích truyền tải thông tin về vấn đề nghiên cứu đã được nghiên cứu đến đâu và còn có những vấn đề gì cần tiếp tục nghiên cứu…

Thứ ba, các thành viên HĐKH trao đổi, thảo luận để sửa đổi Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động HĐKH. Các vấn đề trao đổi tập trung vào các nội dung: Liệu có cần thành lập Hội đồng khoa học cấp cơ sở tại các đơn vị (nếu thành lập thì chức năng nhiệm vụ của Hội đồng này cần được ban hành trong Quy chế);

 
 Tổng KTNN Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, TS. Hồ Đức Phớc đã ghi nhận những kết quả đạt được của HĐKH nhiệm kỳ VII, để HĐKH nhiệm kỳ VIII có được kết quả tốt và những chuyển biến tốt, Tổng Kiểm toàn nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại hạn chế về chất lượng các đề tài nghiên cứu (các kết quả nghiên cứu còn chưa có tính ứng dụng cao, chưa có tính lan tỏa lớn, chưa có nhiều đề tài đặc sắc); về trách nhiệm của các thành viên HĐKH (các thành viên HĐKH chưa thực sự dành nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học chưa tạo chiều sâu cho công tác nghiên cứu khoa học của ngành..). Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, các đề tài nghiên cứu cần tập trung vào các nội dung nổi cộm xã hội quan tâm như: phòng chống tham nhũng, cơ sở pháp lý của việc đối chiếu thuế, chuyển giá, tín dụng, đất đai, khoáng sản, các vấn đề kinh tế vĩ mô, vấn đề điều hành ngân sách, vấn đề công nghệ thông tin (hiện nay KTNN chỉ mới giải quyết được nền tảng về CNTT, cần đưa ra các vấn đề cần giải quyết trong vòng 10-20 năm tới KTNN sẽ phát triển ra sao trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề hạch toán kế toán khi xuất hiện ngày càng nhiều chữ ký số (chữ ký điện tử), chứng từ điện tử và việc lưu trữ hồ sơ trước rủi ro CNTT khi các chứng từ điện tử ngày càng phổ biến…

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch HĐKH KTNN đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng thời GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã tóm lược các kết quả của HĐKH nhiệm kỳ VII như sau: Hoạt động của HĐKH đã có tác động tốt đến công tác chuyên môn của ngành, sự cố gắng nỗ lực của các thành viên Hội đồng cũng như sự chỉ đạo sát sao nhanh nhạy kịp thời của Lãnh đạo KTNN đã nắm bắt được yêu cầu thực tiễn của ngành (các đề tài “đặt hàng” được coi là sự chuyển biến tốt); Các nhiệm vụ thực hiện của HĐKH đã bám sát kế hoạch KHCN và triển khai hiệu quả. Việc lựa chọn các chủ đề Hội thảo, tọa đàm cũng là một nhân tố tạo nên thành công của các Hội thảo, tọa đàm đã tổ chức, Số lượng và chất lượng đề tài nghiên cứu được nâng lên rõ rệt; tiến độ nghiên cứu các đề tài trong giai đoạn 2015-2017 đã được cải thiện; Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã cao hơn trước...Trong nhiệm kỳ 2017-2020, cần kiện toàn HĐKH và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐKH KTNN nhằm nâng cao trách nhiệm thành viên HĐKH; xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học tăng tính dự báo, sát với thực tiễn; tiếp tục tăng cường công tác quản lý khoa học (xây dựng sản phẩm nghiên cứu trung gian), chú trọng đến thành viên nghiên cứu và theo dõi đánh giá sau nghiên cứu (việc áp dụng vào thực tiễn ra sao)…./.

 
Lãnh đạo KTNN tặng hoa chia tay các thành viên Hội đồng Khoa học nhiệm kỳ VI
 
T. Nam
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)