TIN TỨC
HỘI THẢO KHOA HỌC “DỰ ÁN PPP VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC”

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng ngày 3/3/2019, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức hội thảo khoa học “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán nhà nước. Đến dự Hội thảo có TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng KTNN, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, đại biểu, đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, các Trường đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức, hội nghề nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, đại diện lãnh đạo cấp vụ của KTNN.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho biết: Trong những năm vừa qua, hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Vốn huy động từ khu vực tư nhân đã góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương theo chỉ đạo của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…”

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án PPP, trong thời gian vừa qua, việc triển khai dự án PPP đã gặp rất nhiều vấn đến liên quan đến quản lý, điều hành gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Việc đầu tư nhiều dự án giao thông dưới hình thức PPP trên các tuyến quốc lộ, dẫn đến tình trạng phí chồng phí, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; cùng với sự thiếu minh bạch trong việc thu và quản lý phí... đã gây nên không ít bức xúc trong dư luận; công tác quản lý còn nhiều bất cập, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý; việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án còn chưa thật sự nghiêm túc…

 


Ông Lê Minh Nam -  Giám đốc Trường phát biểu tại Hội thảo

 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về tính ổn định của việc hợp tác, các dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Vì vậy, rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu… Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.

 

Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án; Một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP chưa được hướng dẫn quản lý; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP từ trước đến nay đang dừng lại ở thông tư và nghị định hướng dẫn, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài; Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Ông Luu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

 

Từ những kết quả trên, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

  

Có thể nói rằng kết quả kiểm toán các dự án PPP của Kiểm toán nhà nước mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, đòi hỏi chất lượng hoạt động kiểm toán và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

 

Vì vậy, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo với chủ đề: “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán nhà nước” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán các dự án PPP. Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý và thực hiện các dự án PPP góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả các dự án PPP, phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP theo nguyên tắc Chương trình Nghị sự Liên Hiệp quốc 2030 vì sự phát triển bền vững vì con người.

 

Tại Hội thảo các  đại biểu đã tham luận xoay quanh các nội dung như: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và những vấn đề đặt ra; Dự án PPP và giải pháp chống thất thoát lãng phí; Hoàn thiện khung pháp lý về PPP – Đẩy mạnh vai trò của Kiểm toán nhà nước; Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và vai trò của KTNN; Kết quả kiểm toán dự án BT, BOT và vai trò KTNN trong Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho biết: Hội thảo đã nhận được 33 bài viết, trong đó có 32 bài viết đăng trong kỷ yếu, 6 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo, 4 ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội trường, các bài viết, bài phát biểu đã đề cập tương đối toàn diện, khẳng định tầm quan trọng của Dự án PPP, làm rõ ưu điểm, nhược điểm của Dự án này trong thời gian qua cũng như nguyên nhân, tồn tại của dự án PPP và vai trò của Kiểm toán nhà nước.

 

Các ý kiến tham luận của các đại biểu sẽ được Lãnh đạo KTNN tiếp thu nghiêm túc, tối đa để Kiểm toán nhà nước tiếp tục đổi mới, sáng tạo khoa học xây dựng giải pháp hữu hiệu trong tất cả các công việc tổ chức kiểm toán nhằm đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chính trị, kinh tế được Đảng và Nhà nước và nhân dân giao phó.  Cuối cùng, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN xin chân thành cảm ơn các vị khách quý, các nhà khoa học, các nhà quản lý và toàn thể quý vị đại biểu, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự, đưa tin để Hội thảo thành công tốt đẹp.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)