Tín dụng xanh: Cần một chiến lược tổng thể, kết nối với các mục tiêu phát triến kinh tế - xã hội | Lê Phương Vân, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%... Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng xanh tăng trưởng khá qua các năm Theo Hiệp hội thị trường tín dụng (Loan market Association) và Hiệp hội thị trường Tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association), tín dụng xanh là những khoản tín dụng nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không/ít gây rủi ro tới môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung, là biểu hiện của nền tài chính hướng đến sự phát triển bền vững. Danh mục xanh bao gồm: Năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng hiệu quả; giao thông xanh; sản phẩm, các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và/hoặc thích nghi với nền kinh tế; quản lý nước bền vững và xử lý nước thải; tòa nhà xanh; nông lâm nghiệp bền vững; ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm. Tại Việt Nam, để hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh nói chung và mở rộng hoạt động tín dụng xanh nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản theo hướng không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý chung để bộ ngành, địa phương, ngành nghề triển khai nhằm tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định, tín dụng xanh được cấp cho các dự án đầu tư: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lí chất thải; xử lí ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nói chung, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Nếu năm 2018, quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế xanh chỉ chiếm 3,33% trong tổng tín dụng của nền kinh tế, đến năm 2022 tăng lên 4,2%. Thời điểm tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế. Đến nay, dư nợ tín dụng xanh khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%... Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2016-2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn năm 2019-2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Nhiều tổ chức tín dụng đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội; 80% đến 90% các ngân hàng thương mại đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ chỉ số đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hoạt động. Thực tiễn hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng đưa vào áp dụng, triển khai và đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, nhiều ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB đạt tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân lên tới 45%/năm. Hay như SeABank đã được nhiều tập đoàn/tổ chức tài chính quốc tế như IFC, DFC và nhiều quỹ đầu tư quốc tế tài trợ vốn lên tới gần 600 triệu USD để triển khai các chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhằm thúc đẩy tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đang gặp một số khó khăn. Theo ThS. Dương Văn Bôn, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Khung pháp lý về tín dụng xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động này trên thực tiễn. Nhiều văn bản pháp lý đang được ban hành về tín dụng xanh, ngân hàng xanh của Ngân hàng Nhà nước còn chung chung. Nội dung cụ thể về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện, mà chưa mang tính bắt buộc. |
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước |
(khoahockiemtoan.vn) -
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13, sau đây gọi tắt là Luật 69). Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc sửa Luật 69 cần đạt được mục tiêu quan trọng là thể chế hóa chủ trương mới về đầu tư, quản lý vốn nhà nước cũng như tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
|
Không chủ quan với lạm phát | Từ đầu năm đến nay, thị trường giá cả hàng hóa có diễn biến khá thuận lợi đối với công tác kiểm soát lạm phát, hướng tới việc đạt mục tiêu cả năm nay. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, cho rằng trong những tháng cuối năm, vẫn còn nhiều yếu tố khiến mặt bằng giá cả có thể tăng cao như giá nguyên nhiên vật liệu đang chịu tác động bất lợi từ căng thẳng địa chính trị thế giới, các gói kích cầu kinh tế có thể tạo cung tiền lớn gây rủi ro lạm phát, vì vậy cần áp dụng các giải pháp kiểm soát kịp thời và hiệu quả. |
Tăng trưởng tín dụng: mục tiêu và thách thức | ThS. LÊ PHƯƠNG VÂN Kiểm toán nhà nước ThS. NGUYỄN THỊ HẢI YẾN Đại học Quốc gia Hà Nội Dù đã đạt bước tiến 9% trong 9 tháng đầu năm song tăng trưởng tín dụng vẫn còn cách xa mục tiêu định hướng 15% của cả năm nay. Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm là thách thức không nhỏ với ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng cao. Ngành ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng lớn về khả năng tăng tốc giải ngân vốn tín dụng từ nay đến cuối năm từ sự khởi sắc của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn. Cầu tín dụng cải thiện đáng kể Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh tín dụng, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% hoàn toàn khả thi bởi tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Mức tăng tín dụng này cho thấy sự cải thiện đáng kể của cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, bởi trước đó, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gói hỗ trợ về thuỷ sản và chế biến gỗ đã nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất. Hiện nay, có 30/45 các tổ chức tín dụng đăng ký, tổng giá trị các gói là 405.000 tỷ đồng, lãi suất sẽ giảm từ 0,5% đến 2%/năm. Về đà tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua đến từ: nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu theo đà phục hồi của nền kinh tế; tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên được đẩy mạnh; nhu cầu hấp thụ vốn khá tốt của nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tín dụng hồi phục mạnh trong những tháng gần đây nhờ sự khởi sắc của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Theo ông Lực, tín dụng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới do tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,4% trong quý III/2024, dự kiến sẽ đạt khoảng 6,7% trong cả năm 2024 và thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực thúc đẩy cầu tín dụng về đầu tư - kinh doanh bất động sản và mua nhà ở, nhà ở xã hội…
|
Chặng đường mới của tái cơ cấu ngân hàng | Sau 9 năm Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc 4 ngân hàng thương mại, đến nay, mới có 2 ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) chính thức được chuyển giao bắt buộc lần lượt cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MBBank). Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã hoàn tất khâu định giá, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á đang triển khai tích cực các công việc theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém rất gian nan song cũng đã đi đến một bước ngoặt mới, kỳ vọng sẽ tạo được bước đột phá trong thời gian tới. Giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật, trước - trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo. Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, kể từ lúc được chuyển giao, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hay cổ đông của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc sẽ chấm dứt. Bên nhận chuyển giao sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm với toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng được chuyển giao bao gồm các khoản vay, tiền gửi của khách hàng… Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, theo ông Long, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng một số cơ chế hỗ trợ như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Tuy nhiên, các cơ chế hỗ trợ này vẫn theo quy định pháp lý hiện hành, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định rất nhiều quyền lợi mà bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể được hưởng, bao gồm: Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; Được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; Khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.
|
Để trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững | Ths. Nguyễn Diệu Thương Trường quốc tế, đại học quốc gia hà nội Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được nhận định là đã qua giai đoạn khó khăn nhất song những điểm bất cập của thị trường vẫn chưa được giải quyết căn bản. Để thị trường phát triển sâu rễ bền gốc, cần bắt đầu bằng việc cải thiện niềm tin của nhà đầu tư từ sự minh bạch trong hoạt động và công bố thông tin của doanh nghiệp, cơ chế giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng với khuôn khổ pháp lý hoàn thiện theo hướng “nuôi dưỡng” cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất Theo số liệu từ FiinGroup, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 240 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày 13/8/2024, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023. Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024. Số dư nợ trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334 nghìn tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản, số dư nợ đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60 nghìn tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135 nghìn tỷ đồng. Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường là giai đoạn tháng 6/2023 đến tháng 8/2023. Sau đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực (đặc biệt trong đó có quy định cho phép đàm phán để giãn thời hạn trả nợ) giúp cho thị trường bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Thực hiện quy định này, có khoảng 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ. Ở chiều ngược lại, vấn đề bất cập đầu tiên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được TS. Cấn Văn Lực nhắc đến là niềm tin thị trường. Dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua nhưng cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao, với ước tính khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới, trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, vẫn còn một số điểm đáng lo ngại với triển vọng phát triển thị trường trong thời gian tới. Trước hết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển chủ yếu dựa vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%, và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn. Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Ngân hàng thương mại hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán... còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Từ góc độ nhà quản lý, đại diện Bộ Tài chính, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Trong đó, điểm đáng chú ý là hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 19/7/2023, giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và hoạt động ổn định. Sau 1 năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Dù vậy, theo ông Tô Trần Hòa, thị trường vẫn còn một số điểm hạn chế, đáng ngại là tình hình tài chính không ổn định của một số tổ chức phát hành, thiếu minh bạch về thông tin tài chính dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn. Chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa cao như: có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt... Mấu chốt là tính minh bạch Về các giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới, ông Tô Trần Hòa cho rằng, việc cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành là những giải pháp cần thiết để khắc phục các bất cập nêu trên. Theo đó, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng. |
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn "đủng đỉnh đầu năm, vắt chân cuối năm", giải pháp nào cho hiệu quả? | ThS Ngô Thị Thu Hà Học viện Báo chí và Tuyên truyền Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh tiến độ, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương vẫn diễn ra chậm chạp, dẫn đến tình trạng "đủng đỉnh đầu năm, vắt chân lên cổ cuối năm". Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án và đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra. Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 32% tổng kế hoạch Năm 2024 được xác định là năm bản lề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, với mục tiêu đặt ra là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt trên 95% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2024 đã không đạt được như kỳ vọng. Theo số liệu mới được Bộ Tài chính công bố, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 vào khoảng 232.091 tỷ đồng, tức mới đạt 32,22% tổng kế hoạch, tương đương 34,68% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cho thấy một sự chậm trễ đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với mục tiêu trên 95% mà Chính phủ đặt ra. Điều này đặt ra một áp lực lớn lên các bộ, ngành, và địa phương trong những tháng cuối năm. Một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là do nhiều bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn cho các dự án. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 7/2024, vẫn còn 19/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết lên đến 21.115,6 tỷ đồng, chiếm 3,16% kế hoạch vốn đầu tư công cả nước. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm hiệu quả của các chính sách kích cầu kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch, và đấu thầu cũng là những yếu tố gây cản trở lớn. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng - một trong những khâu quan trọng nhất trong các dự án đầu tư công - vẫn gặp nhiều khó khăn. Các dự án trọng điểm giao thông, bao gồm việc xây dựng đường bộ cao tốc và các công trình hạ tầng giao thông quan trọng khác, đều đang bị trì hoãn do thiếu mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu.
|
|