TIN TỨC
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ “CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN THÀNH LẬP HỌC VIỆN KIỂM TOÁN”

(khoahockiemtoan.vn) - Ngày 03/12/2020, tại Trường ĐT&BD nghiệp vụ Kiểm, Hội đồng Khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn thành lập Học viện Kiểm toán”. Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Đình Hòa và TS. Nguyễn Hữu Hiểu làm đồng chủ nhiệm. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

 

Theo Ban đề tài, cùng với sự phát triển của KTNN và yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự kỳ vọng của công chúng đối với chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, kế toán, tài chính phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả và chất lượng. Vì vậy, việc nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trở thành Học viện Kiểm toán là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay cũng như đáp ứng yêu cầu trong tương lai. Việc thành lập Học viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để góp phần phát triển nguồn nhân lực của KTNN và của xã hội trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán, tài chính, qua đó góp phần nâng cao vị thế của KTNN.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

 

Thực hiện Quyết định của Tổng KTNN, Ban đề tài đã nghiên cứu và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Cơ sở lý luận và thực tiễn thành lập Học viện Kiểm toán” với kết cấu gồm 02 phần: Chương 1- Cơ sở lý luận và thực tiễn để thành lập Học viện Kiểm toán; Chương 2 - Xây dựng mô hình thành lập Học viện Kiểm toán và các giải pháp thực hiện.

 

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, lý luận, mang tính thực tiễn phù hợp với KTNN. Trong đó, Đề tài đã nghiên cứu 3 mô hình thành lập Học viện và các giải pháp về nhân sự, quản lý, tài chính, cơ sở vật chất khi thành lập Học viện. Hội đồng nghiệm thu cũng đề xuất một số kiến nghị với Ban đề tài như: cần làm rõ căn cứ pháp lý hiện hành về thành lập Học viện; nhấn mạnh Học viện có nhiệm vụ đào tạo, trở thành đầu mối nghiên cứu khoa học về kế toán, kiểm toán; phân tích khó khăn vướng mắc mà KTNN đang vướng đối với hiện trạng hoạt đông của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán; phân tích rõ về cơ chế tài chính; bổ sung điều kiện để thực hiện các giải pháp; kinh nghiệm của các SAI trong việc thành lập cơ sở đào tạo chuyên ngành; bổ sung giải pháp về tuyển sinh đầu vào hệ cử nhân; có giải pháp cụ thể hơn về việc đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ…

 

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên phát biểu kết luận buổi nghiệm thu

 

Kết luận tại buổi nghiệm thu, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu. Trong đó, tập trung  nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán thành Học viện Kiểm toán; thành lập Học viện giải quyết một số bất cập hiện nay của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán liên quan đến các Luật hiện hành; bổ sung các quy định, thông tin liên quan đến Nghị quyết 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, các luật về giáo dục, khoa học công nghệ; làm rõ điều kiện, lộ trình và cách thức triển khai để nâng cấp thành Học viện.

 

Đặc biệt, Ban Đề tài cần nghiên cứu sâu, làm rõ những khác biệt khi thành lập Học viện so với các trường đại học khác có cùng ngành đào tạo; nhấn mạnh đặc thù đào tạo của Học viện là: đào tạo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán chất lượng cao; đào tạo gắn với thực hành; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác tại KTNN; đào tạo gắn liền với nghiên cứu.

 

Đề tài được Hội đồng bỏ phiếu thông qua và xếp loại: Khá

Đăng Khoa

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)