TIN TỨC
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

(khoahockiemtoan.vn) - Trong quá trình phát triển và hoạt động, Kiểm toán nhà nước Việt Nam, ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đã ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua việc không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp luật, các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, nâng cao năng lực công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước. Nhằm phát triển lý luận về Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý xác định vị trí của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống các cơ quan nhà nước và vai trò, chức năng của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán nhà nước và Ban chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cơ sở lý luận về pháp luật kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Đây là đề tài NCKH cấp quốc gia thứ hai mà KTNN thực hiện.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Tọa đàm

 

Buổi tọa đàm do ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán nhà nước – Chủ nhiệm đề tài, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước – thành viên chính của đề tài và ông Trần Kim Lộc, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ trì. Tham dự tọa đàm còn có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong ngành KTNN.

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, chủ nhiệm đề tài cho biết, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, KTNN tham gia với tư cách là thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thông qua tọa đàm này, KTNN mong muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở hoàn thiện đề tài để đảm bảo vững về lý luận, chắc về chính trị, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước về phòng chống tham nhũng, không chỉ trong quản lý tài chính công, tài sản công mà còn với công tác phòng chống tiêu cực nói chung.

 

GS, TS Thái Vĩnh Thắng phát biểu tại tọa đàm

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung luận giải một cách có cơ sở khoa học lý luận về pháp luật kiểm toán nhà nước và vai trò của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luận giải về bản chất, đặc điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí và hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng và thực thi pháp luật của các Cơ quan Kiểm toán tối cao các quốc gia trên thế giới, khuyến cáo của INTOSAI về phòng, chống tham nhũng; luận giải về mối quan hệ pháp lý giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý tài chính, tài sản công trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề đảm bảo pháp luật và các phương pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luận giải cơ sở lý luận vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tác động hoạt động kiểm toán của cơ quan Kiểm toán tối cao (Kiểm toán nhà nước) trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phân tích và nhận định những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cơ quan Kiểm toán nhà nước.

 

Theo GS,TS Thái Vĩnh Thắng, Đại học Luật Hà Nội vấn đề cốt lõi là cần xác định rõ vai trò của pháp luật về kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng, xác định mô hình tổ chức cơ quan kiểm toán nhà nước, tăng cường hơn nữa tính độc lập của cơ quan KTNN được bổ sung trong các luật chuyên ngành liên quan. Trong đó, cần xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, xác định rõ nội dung, đối tượng kiểm toán. Để KTNN hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao hơn, GS Thắng đề xuất thành lập một ủy ban có tính chất thường trực của Quốc hội về kiểm toán.

 

GS,TS Đặng Văn Thanh phát biểu

 

Còn theo PGS,TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam có 8 yếu tố tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng chống tham nhũng của KTNN gồm: yếu tố chính trị và quyết tâm chính trị, yếu tố pháp lý, yếu tố kinh tế, yếu tố môi trường chính trị - kinh tế - xã hội, yếu tố nguồn nhân lực, yếu tố văn hóa và đạo đức nghề nghiệp, yếu tố hội nhập quốc tế và yếu tố thông tin, truyền thông và dư luận xã hội.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi rõ hơn về vai trò, hiệu quả hoạt động của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kinh nghiệm tổ chức đảm bảo thực thi pháp luật kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng như kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng, nhất là kinh nghiệm các SAI trong phòng chống tham nhũng.

 

Sau buổi tọa đàm này, ban đề tài sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện công trình nghiên cứu cấp quốc gia do KTNN chủ trì.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)