TIN TỨC
XÂY DỰNG GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH VÀ ỨNG DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

(khoahockiemtoan.vn) - Ngày 28/12/2021, Hội đồng khoa học Kiểm toán đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do TS Lê Anh Vũ (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII) và ThS Đoàn Chiến Thắng (Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực XI) làm đồng chủ nhiệm. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

 

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã bước đầu được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định: KTNN đã ban hành Chiến lược và khung kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030; từng bước triển khai đưa vào áp dụng một số phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành và hoạt động kiểm toán.

 

Việc ứng dụng CNTT tại KTNN còn một số hạn chế, chưa được triển khai sâu rộng, chưa đồng bộ, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn như: phát triển hạ tầng CNTT và thiết bị CNTT còn chưa tương xứng với tiềm năng; phát triển, xây dựng các phần mềm ứng dụng còn thiếu đồng bộ; hệ thống văn bản pháp lý quản lý CNTT còn thiếu. Lãnh đạo KTNN có chủ trương đúng, nhưng việc triển khai ứng dụng CNTT còn chưa thật đúng và trúng, đáp ứng được sự kỳ vọng của cả Ngành.

 

Hoạt động quản lý điều hành và hoạt động kiểm toán tại KTNN là lĩnh vực đặc thù, có thể nói là trường hợp đặc biệt duy nhất rất khó tìm được các tổ chức tương tự về nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức trong nước và cả trên thế giới để so sánh, học tập và kế thừa kinh nghiệm cụ thể và chi tiết. Vì vậy, đối với chủ đề ứng dụng CNTT tại KTNN nổi lên 2 vấn đề lớn cần nghiên cứu là: (i) Xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp để đo lường sự phát triển ứng dụng CNTT tại KTNN phản ánh được những điểm còn thiếu và yếu trong ứng dụng và xác định được những định hướng phát triển; (ii) Các giải pháp CNTT triển khai tại KTNN phải gắn với các ví dụ minh họa cụ thể hoặc các trường hợp thành công ứng dụng CNTT trong thực tiễn và các xu hướng cần hướng đến.

 

Đề tài nghiên cứu “Xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” hướng tới đáp ứng 4 yêu cầu: (i) Đề xuất hệ thống tiêu chí và phương pháp đo lường sự phát triển ứng dụng CNTT tại KTNN phù hợp các đặc thù về hoạt động nghiệp vụ KTNN và chỉ ra mức độ trưởng thành về ứng dụng CNTT; (ii) Tiến hành đánh giá các nền tảng ứng dụng CNTT hiện có của KTNN dựa trên bộ chỉ tiêu đo lường có sẵn để chỉ ra được những hạn chế, những điểm cần khắc phục trên cả 3 yếu tố: con người, thể chế, công nghệ; (iii) Các tiêu chí đo lường tham khảo được kinh nghiệm của cộng đồng SAI từ đó định hướng đúng và trúng việc ứng dụng CNTT tại KNNN; (iv) Xây dựng các giải pháp công nghệ gắn với các minh họa ứng dụng CNTT cụ thể để dễ dàng hình dung việc ứng dụng trong hoạt động thực tiễn và các phương hướng phát triển trong tương lai. Bằng phương pháp thể hiện, minh họa các nghiên cứu CNTT tại KTNN qua các ví dụ, sản phẩm minh họa cụ thể giúp các bên liên quan hình dung đúng về sản phẩm CNTT sẽ dự kiến triển khai và hạn chế được rủi ro sản phẩm CNTT được xây dựng với giá trị đầu tư lớn nhưng lại không được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

 

Thông qua 3 chương của đề tài, nhóm nghiên cứu mong muốn (1) Hệ thống hóa và phát triển lý luận chung về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và hoạt động kiểm toán tại KTNN dựa trên các kết quả nghiên cứu về lý thuyết ứng dụng CNTT trong tổ chức lớn, tại SAI Hàn Quốc và EUROSAI. Toàn bộ phân tích, đánh giá và mô hình mục tiêu dựa trên phân tích ma trận A*G theo 2 chiều: mức độ trưởng thành về ứng dụng CNTT (Chiều G) và mức độ phủ của ứng dụng CNTT theo các bài toán nghiệp vụ (Chiều A). Mô hình mục tiêu A*G với hệ thống tiêu chí đo lường cụ thể được sử dụng để đánh giá phản ánh mức độ ứng dụng CNTT hiện tại của KTNN theo từng bài toán nghiệp vụ chính và chỉ ra đích đến và những điểm còn yếu và thiếu cần bổ sung, khắc phục. (2) Nghiên cứu và đánh giá thực trạng về ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN dựa vào ma trận A*G nhằm và chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế của việc ứng dụng CNTT tại KTNN hiện tại. Từ các kết quả phân tích, chỉ ra các vấn đề tồn tại gắn với 3 yếu tố: con người, thể chế cần ưu tiên triển khai. (3) Đề xuất các giải pháp về công nghệ, thể chế, con người để giải quyết các vấn đề tồn tại đã chỉ ra. (4) Trình bày tập trung các bài toán kỹ thuật quan trọng tập trung vào một số đặc trưng tiêu biểu: áp dụng máy tìm kiếm thông minh (SE); xử lý văn bản tự động với các thuật toán AI, NLP trong các văn bản, tài liệu liên quan đến quản lý điều hành và hoạt động kiểm toán; phân tích dữ liệu từ các nguồn dữ liệu dưới dạng bảng dữ liệu ở các nguồn khác nhau. Xây dựng 3 phần mềm minh họa cho các giải pháp công nghệ được đề xuất giải quyết một số bài toán nghiệp vụ kiểm toán thực tế tại KTNN.

 
 

Đối với đề tài “Xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” được Hội đồng nghiệm thu đánh gia cao nỗ lực của ban chủ nhiệm, đề tài có tính sáng tạo, tìm tòi, đã bám sát các định hướng chiến lược về phát triển CNTT của KTNN. Đề tài đã có những đóng góp nhất định trên các phương diện lý luận và thực tiễn; đề tài đã đưa ra các giải pháp có tính sáng tạo, chiến lược trong đó có tìm kiếm thông minh, ngôn ngữ thông minh.

 

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện của Hội đồng trong đó chú trọng vào giải pháp xây dựng dữ liệu, công nghệ và con người. GS Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị ban đề tài rà soát lại phạm vi nghiên cứu, bám sát các định hướng chiến lược về phát triển CNTT của KTNN; các giải pháp Ban đề tài đưa ra cần tập trung vào ba nhóm thể chế, công nghệ và con người.

 

Đề tài được Hội đồng xếp loại xuất sắc.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)