TIN TỨC
HOÀN THIỆN KIỂM TOÁN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC BỀN VỮNG TRƯỚC SỰ SUY GIẢM HỆ SINH THÁI VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

(khoahockiemtoan.vn) - Ngày 01/4/2022, Hội đồng khoa học Kiểm toán đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở “Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm hệ sinh thái và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” do ThS Lê Thị Thùy Ngoan (Kiểm toán nhà nước khu vực IX) và ThS Nguyễn Tiến Hoàng (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia) làm đồng chủ nhiệm. ThS Trần Kim Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

Dưới sức ép của quá trình phát triển kinh tế, thiếu sự đồng thuận về lựa chọn chiến lược phát triển bền vững. Ở vị thế là một quốc gia cuối nguồn và hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ việc khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn, an ninh nguồn nước gặp nhiều thách thức và nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao, trong đó đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017  phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến 2030 vì sự phát triển bền vững. Hiện nay, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã và đang cùng với một số nước thực hiện việc kiểm toán nguồn nước sông Mê Công để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an sinh xã hội.

Đề tài “Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm hệ sinh thái và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện nhằm nghiên cứu thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay; đánh giá trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước; nghiên cứu những tồn tại, hạn chế và bất cập trong công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước do Kiểm toán nhà nước Việt Nam thực hiện; từ đó đề xuất hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an sinh xã hội và gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả của kết quả Kiểm toán nhà nước.

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của đề tài. Đề tài đã khái quát lý luận về tài nguyên nước và kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước trước sự suy giảm hệ sinh thái, biến đổi khí hậu; các nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trưởng nói chung và môi trường nước nói riêng và hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề đặt ra đối với kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long của KTNN; kinh nghiệm nước ngoài về kiểm toán tài nguyên nước và bài học cho Kiểm toán nhà nước Việt Nam. Về mặt thực tiễn, đề tài đã chỉ ra những ưu điểm nổi bật cũng như những hạn chế, tồn tại liên quan đến kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước ở Việt Nam nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng do KTNN thực hiện.

Bên cạnh đó, hội đồng đề nghị ban chủ nhiệm cập nhật các văn bản hướng dẫn mới của KTNN cho phù hợp với thực tế; biên tập lại nội dung rõ ràng và logic hơn, cần phân tích đánh giá thực trạng trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán, phân tích sâu hơn về giải pháp hoàn thiện công tác kiểm toán.

Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá.
PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)