TIN TỨC
HỘI THẢO “CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC”

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 01/12/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Tới dự  Hội thảo có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương; các Trường đại học, Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các Tập đoàn, Tổng công ty, tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp và các đơn vị trực thuộc KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết: Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Lãnh đạo KTNN đã rất quan tâm và coi kiểm toán lĩnh vực này là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN Việt Nam. Việc này được thể hiện qua một số hành động cụ thể như: Thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường từ năm 2008; cử các thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI và ASOSAI; kiểm toán môi trường được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; KTNN đã xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn về kiểm toán môi trường và triển khai áp dụng cho hoạt động kiểm toán môi trường của KTNN; đặc biệt tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19/9 - 22/9/2018, Đại hội đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững".

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

KTNN Việt Nam cũng đã thực hiện các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có thể kể đến một số cuộc kiểm toán tiêu biểu như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; Kiểm toán Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020; Kiểm toán Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; Kiểm toán Hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Kiểm toán Hoạt động quản lý công tác xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Kiểm toán Công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Kiểm toán Hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2019; Kiểm toán Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2019…

         

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì Hội thảo.

 

Qua những cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường. Tuy nhiên, kiểm toán môi trường do KTNN Việt Nam thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng.

 

Hội thảo với chủ đề “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chủ yếu sau:

 

Một là, Làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay và những ảnh hưởng của tình trạng vi phạm các quy định về môi trường đến sự phát triển bền vững của quốc gia, đặc biệt là những lỗ hổng về chính sách, bất cập và chồng chéo trong quản lý nhà nước.

 

Hai là, Tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường góp phần vào việc phát triển bền vững của quốc gia.

 

Ba là, Làm rõ các vấn đề lý luận về cơ sở pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Bốn là, Chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực này nhằm tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

 

Năm là, Tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Kiểm toán nhà nước và các cơ quan quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cơ quan chức năng khác.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đồng thời đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như trong hoạt động kiểm toán, như: Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.Trong kế hoạch kiểm toán những năm tới, KTNN cần tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; xác định kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.  KTNN cần tăng cường tiền kiểm trong lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như kiểm toán ngay từ khâu cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm toán công tác đánh giá tác động môi trường trong khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư xây dựng mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các dự án đầu tư trọng điểm và các dự án đầu tư lớn khác; có các kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường, đến phát triển bền vững; tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu về kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và quản lý khai thác tài nguyên; tăng cường sử dụng chuyên gia trong quá trình thực hiện kiểm toán để đánh giá sự phù hợp về kỹ thuật, công nghệ, giá cả nhanh và chuẩn xác.

Bên cạnh đó, KTNN cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động để xác định tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
      
Bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đã tiếp thu ý kiến trao đổi, thảo luận tâm huyết của các đại biểu, các ý kiến này sẽ được Lãnh đạo KTNN tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán
trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Tùng Lâm

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)