TIN TỨC
ĐÁNH GIÁ CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ - CÁCH LÀM HAY CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC GÓP PHẦN QUAN TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN

(khoahockiemtoan.vn) - Ngày 20/02/2023, Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ năm 2023 (Kỳ đánh giá) của Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.

Kết quả của Kỳ đánh giá là dấu ấn thắng lợi cho chủ trương đúng đắn của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực một cách thường xuyên, liên tục, bài bản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần tăng cường chất lượng kiểm toán. Kết quả của Kỳ đánh giá cũng cho thấy sự nỗ lực, công tác chuẩn bị công phu, thận trọng và trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan để đảm bảo đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, kiểm toán viên một cách chuyên nghiệp, khách quan, công bằng.

 

 

Chủ trương đúng mang lại hiệu quả thiết thực

 

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước luôn chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước, tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập cũng như sự bùng nổ về công nghệ thông tin, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước đặt ra yêu cầu ngày càng cao.

 

Một trong 3 trụ cột phát triển quan trọng đã được xác định trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) là: “Nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.

 

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước là một yêu cầu cấp thiết và trên tất cả các mặt: quy mô và chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý, bản lĩnh vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ, chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định, mục đích, tầm nhìn trong chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước cũng như yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của Kiểm toán nhà nước. Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên, góp phần phát triển Kiểm toán nhà nước xứng đáng là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc đào tạo, đánh giá trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu cần thiết và phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức.

 

Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 26/10/2021, Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1801/QĐ-KTNN về Quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tiếp đó, ngày 04/11/2021, Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định số 1889/QĐ-KTNN thành lập Ban xây dựng nội dung đánh giá và ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (Ban xây dựng nội dung). Ban xây dựng nội dung bao gồm đội ngũ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các kiểm toán viên cao cấp giàu kinh nghiệm của Kiểm toán nhà nước. Việc nghiên cứu, xây dựng nội dung đánh giá trên cơ sở Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy định của Kiểm toán nhà nước và của Nhà nước liên quan đến hoạt động kiểm toán; các chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; các nội dung liên quan đến chương trình bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên nhà nước và chương trình bồi dưỡng kỹ năng các lĩnh vực.

 

Ban xây dựng nội dung tập trung vào mục tiêu hỗ trợ để đội ngũ công chức, kiểm toán viên tự nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đắc lực cho hoạt động kiểm toán. Các kiến thức được đưa vào nội dung đánh giá đảm bảo bao phủ tất cả các lĩnh vực kiểm toán, xuyên suốt 4 nội dung trong hoạt động kiểm toán (gồm: đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị) và được cập nhật thường xuyên theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định, hướng dẫn, chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, bên cạnh việc phục vụ cho các kỳ đánh giá năng lực, nội dung các câu hỏi cập nhật kiến thức chính là công cụ hữu hiệu giúp kiểm toán viên chủ động, thường xuyên ôn luyện, tự bổ sung kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

 

Các kiểm toán viên được tự học và ôn luyện với ngân hàng câu hỏi gồm 1808 câu, bao gồm các kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành theo cơ cấu 7 lĩnh vực kiểm toán. Trước khi hoàn thiện trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chính thức hệ thống ngân hàng câu hỏi và đáp án, Ban xây dựng nội dung và Tổ thẩm định liên tục rà soát, chỉnh sửa, tổ chức ôn tập và thi thử, đánh giá chất lượng các câu hỏi.

 

Với hơn 1800 câu, ngân hàng câu hỏi thực sự là kho tài liệu quý để các kiểm toán viên tự học, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức. Đồng thời, thông qua quá trình nghiên cứu, học tập, các kiểm toán viên có thêm cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp, trong đó bao gồm các thế hệ đi trước giầu kinh nghiệm và đội ngũ kiểm toán viên trẻ kế cận. Mỗi câu hỏi trong ngân hàng đề không chỉ đề cập về kiến thức, mà còn là các tình huống nghiệp vụ thường gặp và đặc thù. Thông qua đó, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán có được những giải pháp mang tính nhất quán, thống nhất trong toàn Ngành, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và hệ thống phần mềm hỗ trợ chính là điều kiện quan trọng để Kiểm toán nhà nước tổ chức thành công Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ năm 2023.

 

Một hoạt động đạt nhiều mục tiêu

 

Cùng với hiệu quả thiết thực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nêu trên, công tác đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vừa qua còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc tin học hóa trong hoạt động kiểm toán và tăng cường chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước.

 

Bên cạnh việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng một hệ thống phần mềm tích hợp 1.808 câu hỏi để hỗ trợ việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán. Với nỗ lực của các đơn vị liên quan, phần mềm được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian 6 tháng và được đưa vào thử nghiệm, vận hành từ cuối năm 2022 với đầy đủ các tính năng, yêu cầu phù hợp với hoạt động của Ngành.

 

Ngoài việc giúp cho kiểm toán viên có thể ôn luyện kiến thức hằng ngày, hệ thống phần mềm còn có các chức năng như: giúp đơn vị lựa chọn đối tượng cần đánh giá năng lực chuyên môn, tạo các nội dung ngẫu nhiên để kiểm toán viên kiểm tra kiến thức, tổng hợp kết quả đánh giá năng lực gửi về từng đơn vị. Phần mềm này cũng được kết nối với phần mềm quản lý cán bộ của Kiểm toán nhà nước để lưu thông tin về năng lực chuyên môn của công chức, kiểm toán viên, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự.

 

Theo thống kê, trong 2 tháng phần mềm chính thức hoạt động đã có 953 kiểm toán viên sử dụng hệ thống câu hỏi để cập nhật kiến thức với 14.892 lượt truy cập. Có thể thấy, việc ôn tập, cập nhật kiến thức chuyên môn được đội ngũ công chức, kiểm toán viên rất quan tâm, đúng với tinh thần của kỳ đánh giá là nhằm củng cố, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Với tính năng giúp kiểm toán viên có thể thường xuyên ôn luyện nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, phần mềm đã đáp ứng được yêu cầu của Kiểm toán nhà nước trong việc nâng cao năng lực chuyên môn toàn diện cho đội ngũ nhân lực theo định hướng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, việc áp dụng các hình thức làm việc/đánh giá/sát hạch... trực tuyến cũng đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Đặc biệt, đối với Kiểm toán nhà nước, tính chính xác và lưu vết bằng chứng kiểm toán là yếu tố quan trọng, then chốt. Đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ bằng hình thức “không giấy tờ” vừa đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả vừa đảm bảo tính bảo mật, chính xác, công khai và minh bạch. Kết quả được hiển thị ngay sau khi thí sinh kết thúc và nộp bài, báo cáo sơ bộ kết quả đánh giá được hệ thống tự trích xuất, đảm bảo không có sự can thiệp từ bên ngoài và tính chính xác cao.

 

Thời gian qua, công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước đã thay đổi cả về chất và về lượng. Điều đó được thể hiện qua việc xác định rõ hơn nhu cầu của công chức, Kiểm toán viên nhà nước để thiết kế nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp và thiết thực. Đồng thời, xác định rõ thời gian tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng để các đơn vị cân đối giữa kế hoạch kiểm toán và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm nhằm chủ động, bố trí công chức tham gia các khóa học để vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, vừa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cũng như đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên của đơn vị.

 

Kiểm toán nhà nước đã không ngừng nghiên cứu để xây dựng, đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước. Cơ bản các mục tiêu, nội dung chương trình xây dựng và đưa vào áp dụng là tương đối phù hợp với năng lực, trình độ của người học cũng như điều kiện đội ngũ giảng viên và các điều kiện khác trong từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành.

 

Không chỉ tại kỳ đánh giá cập nhật kiến thức lần này, hệ thống tài liệu phục vụ đào tạo nói chung của Kiểm toán nhà nước luôn được đầu tư công phu, thường xuyên rà soát, đảm bảo cung cấp cho học viên tài liệu chất lượng, đảm bảo tính cập nhật, theo kịp với hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

 

 

Kỳ đánh giá triển khai thành công là bước khởi đầu quan trọng để tiến tới việc tổ chức đánh giá định kỳ hằng năm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, hướng tới xây dựng cơ quan Kiểm toán nhà nước uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây cũng là cách làm hay, mạng lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có thể nhân rộng trong các lĩnh vực, cơ quan, bộ, ngành khác./.

DIỆU THÚY

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)