TIN TỨC
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐỂ NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 24/3/2023, Ban đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo lần thứ 3 nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ các nội dung chủ yếu liên quan đến đề tài. Trên cơ sở đó, Ban đề tài tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề tài. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Chủ nhiệm đề tài và GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên chính đề tài đồng chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện một số Hiệp hội nghề nghiệp, các Học viện, các nhà nghiên cứu của các đơn vị liên quan. Về phía Kiểm toán nhà nước, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước, thành viên đề tài; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước cùng các thành viên của Ban đề tài.

Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại Hội thảo

 

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” là đề tài khoa học cấp Quốc gia thứ 3 do Kiểm toán nhà nước chủ trì thực hiện. Đề tài hướng tới 3 mục tiêu cụ thể: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Đánh giá thực trạng khuôn khổ pháp luật về Kiểm toán nhà nước cũng như kết quả thực thi pháp luật và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam. Từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, Ban đề tài đã tổ chức 2 hội thảo, 10 tọa đàm khoa học; khảo sát thực tiễn tại 5 địa phương trong nước (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh). Thông qua các hội thảo, tọa đàm và các cuộc khảo sát thực tế, Ban đề tài đã nghiên cứu, tiếp thu được nhiều ý kiến có giá trị của các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan ở trung ương, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu… “Đến nay, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản hoàn thành. Để chuẩn bị cho công tác nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Quốc gia, Ban đề tài tổ chức hội thảo khoa học lần thứ 3 để các nhà quản lý, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ các nội dung chủ yếu liên quan đến đề tài; trên cơ sở đó Ban đề tài tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề tài” - ông Ngô Văn Tuấn cho biết.

 

Hội thảo đã nghe các nhóm nghiên cứu trình bày khái quát kết quả nghiên cứu chính, trong đó, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên chính của đề tài, trình bày cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam; TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng pháp luật Kiểm toán nhà nước và hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước chia sẻ về kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cơ quan Kiểm toán nhà nước và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc trình bày giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

Giám đốc Trường Trần Kim Lộc phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các nhà khoa học đánh giá rất cao sự công phu, nghiêm túc của Ban đề tài trong công tác tổ chức nghiên cứu. Đồng thời cho rằng, đề tài “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” có giá trị khoa học cả về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện, bổ sung lý luận về pháp luật Việt Nam, đồng thời nêu được những giải pháp cần thiết hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng tiêu cực lãng phí ở Việt Nam.

 

Để hoàn thiện đề tài, các nhà khoa học đã đưa ra những gợi mở cho Ban đề tài về các nội dung liên quan đến địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước; phạm vi, đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước...; đồng thời đề nghị: Đề tài cần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và một số khái niệm; đặc biệt bổ sung, phân tích, làm rõ thêm hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước...

 

Bế mạc Hội thảo, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp chất lượng của các nhà khoa học đồng thời khẳng định, các ý kiến tại Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề để Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đề tài cả về nội dung, hình thức “Các ý kiến sẽ được Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình nghiên cứu cấp quốc gia do Kiểm toán nhà nước chủ trì” - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)