SỰ KIỆN
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NHẰM NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ Ở VIỆT NAM

(khoahockiemtoan.vn) - Chiều 21/9/2023, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, mã số ĐTĐL.XH-08/20,“Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” đã tiến hành họp đánh giá đề tài với sự Chủ trì của GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng. Đề tài do ThS Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

 

Trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Kiểm toán nhà nước đã tương đối ổn định về tổ chức và hoạt động; tuy nhiên, vẫn đang trong quá trình phát triển để ngày càng hoàn thiện về môi trường pháp luật, vị trí, tổ chức và hoạt động. Một trong những nhiệm vụ luôn được xác định từ khi thành lập cho đến nay của Kiểm toán nhà nước là: Thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong quá trình phát triển và hoạt động, Kiểm toán nhà nước Việt Nam, ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đã ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua việc không ngừng hoàn thiện pháp luật, các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, không ngừng nâng cao năng lực công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, mặc dù Kiểm toán nhà nước đã đạt được những đóng góp nhất định trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, song kết quả còn nhiều hạn chế, vai trò của kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí còn chưa tương xứng với địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trước những yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với Kiểm toán nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đòi hỏi Kiểm toán nhà nước phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một cách hệ thống, toàn diện cả về mặt pháp luật và hoạt động thực tiễn về vị trí, chức năng của Kiểm toán nhà nước; về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước; về tổ chức hoạt động và phương pháp, công nghệ kiểm toán… đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Từ đó, tiếp tục đổi mới, phát triển tổ chức, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước để phát huy ngày càng đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với vị thế là một công cụ kiểm tra, kiểm soát mạnh và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước.

 


GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ nhiệm đề tài, thay mặt Ban đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu

 

“Đó là cơ sở, tính cấp thiết của việc nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ nhiệm đề tài, cho biết.

 

Thông qua nghiên cứu pháp luật Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và các giải pháp có tính hệ thống hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam; đề tài mong muốn (i) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; (ii) Đánh giá thực trạng pháp luật Kiểm toán nhà nước; kết quả thực thi pháp luật và hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam; (iii) Đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam.

 

Trên cơ sở mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” đã:

 

(1) Hệ thống hóa cơ sở lý luận pháp luật Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đề tài đã nêu bật những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước, gồm: Nhóm nhân tố về môi trường kinh tế - xã hội và pháp luật tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Nhóm nhân tố về sự phối hợp của Kiểm toán nhà nước với các cơ quan quản lý tài chính công và các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Nhà nước; Nhóm nhân tố về nguồn lực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

(2) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của một số tổ chức quốc tế và các cơ quan Kiểm toán nhà nước về pháp luật, tổ chức đảm bảo pháp luật Kiểm toán nhà nước các nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Qua đó đã rút ra 2 nhóm bài học là: (i) Bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và (ii) Bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực thi pháp luật về Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

(3) Trình bày hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên 3 khía cạnh cơ bản: i) Hình thức; ii) Nội dung và iii) Bảo đảm thực thi pháp luật. Các nội dung cụ thể về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thể hiện rõ nét và đầy đủ.

 

(4) Nêu bật được hoạt động kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mục tiêu, đối tượng, phạm vi kiểm toán và các kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; các phát hiện kiểm toán, đề xuất, kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách của Nhà nước. Kết quả của hiệu lực, hiệu quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đề cập cụ thể qua các khía cạnh: i) Các phát hiện và xử lý kiến nghị, ý kiến tư vấn của Kiểm toán nhà nước; ii) Phát triển hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước và iii) Tổ chức hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các hạn chế và các nhóm nguyên nhân làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được phân tích rõ ràng, cụ thể. Đề tài đã đưa ra những vấn đề về pháp luật và hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước để hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

(5) Khẳng định các quan điểm định hướng hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Pháp luật Kiểm toán nhà nước được hoàn thiện thông qua các nhóm giải pháp: i) Hoàn thiện hình thức pháp luật; ii) Hoàn thiện nội dung pháp luật Kiểm toán nhà nước và iii) Hoàn thiện chuẩn mực Kiểm toán nhà nước và các phương thức kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đề tài cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo thực thi pháp luật Kiểm toán nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hệ thống tiêu chí cũng được xây dựng nhằm đánh giá mức độ đóng góp của hoạt động Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

GS.TS Phạm Hồng Chương, Chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp

 

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thứ 3 được Kiểm toán nhà nước thực hiện. Đề tài được nghiên cứu thực hiện trong thời gian 30 tháng, khảo sát thực tế tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức 10 tọa đàm, 2 hội thảo khoa học để tiếp thu ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học.

 

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu, Báo cáo chuyên đề theo nội dung nghiên cứu và Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đã bám sát đề cương và nội dung nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Cùng với lý luận và thực trạng, đề tài nghiên cứu đã trình bày quan điểm, phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam. Trên cơ sở các báo cáo phân tích cơ sở lý luận, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực trạng pháp luật kiểm toán nhà nước và hoạt động của kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đề tài đã xác định quan điểm định hướng hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, đề xuất 4 nhóm giải pháp với nhiều giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí. Các giải pháp xây dựng có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

 

Đề tài được Hội đồng xếp loại Xuất sắc.

 


TS Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thay mặt Ban đề tài phát biểu tại Hội đồng

 

Thay mặt cho Kiểm toán nhà nước và Ban đề tài, TS Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên Ban đề tài, gửi lời cảm ơn đến Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đã nhiệt tình, công tâm góp ý, đánh giá giúp đề tài hoàn thiện hơn. Ban đề tài sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện và hoàn thành các nhiệm vụ liên quan.

 

  Ban đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)