Phiên trao đổi thứ nhất tại Hội thảo với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Thông qua 3 bài tham luận trình bày trực tiếp và đặc biệt là các ý kiến trao đổi tại 2 phiên thảo luận trực tiếp, Hội thảo đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến đa chiều từ đại diện các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, cơ quan kiểm toán, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng vốn đầu tư cũng như các doanh nghiệp - nhà thầu thi công các công trình/dự án tham gia trao đổi, thảo luận. Qua các ý kiến tham luận, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, những nút thắt chính trong đầu tư công đã được nhận diện, từ đó một số giải pháp trọng tâm, căn cơ đã được gợi mở, đề xuất để tháo gỡ nhằm nhanh chóng khơi thông dòng vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo đà tăng tưởng, thúc đẩy và phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Tất cả các ý kiến đều khẳng định vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế là hết sức quan trọng, giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và có tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển của các ngành nghề, các doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đầy chưa đạt được như kỳ vọng ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả nguồn vốn.
Phiên trao đổi thứ hai tại Hội thảo
Một số khó khăn, vướng vắc, “nút thắt” được Hội thảo chỉ ra trên các phương diện cơ chế chính sách, nguồn vốn, công tác kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Trên cơ sở đánh giá, nhận diện các nút thắt trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã chỉ ra một số nguyên nhân để giải quyết tình trạng này như: i) Tiếp tục rà soát để xử lý triệt để những bất cập, hạn chế, những xung đột, chồng chéo cũng như những khoảng trống trong pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan; ii) Nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn đầu tư công, trong đó cần có những chính sách cụ thể để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; iii) Nâng cao chất lượng công tác dự báo, phối hợp, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đúng cơ cấu ngành nghế, lĩnh vực, đúng nguồn vốn, phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án; điều chỉnh kế hoạch vốn đảm bảo kịp thời, linh hoạt; iv) Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương; v) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; vi) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ khẳng định, những thông tin quý, hữu ích với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu và có những biện pháp phù hợp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, phát huy hiệu quả tạo đà tăng tưởng, thúc đẩy và phục hồi kinh tế nhanh, bền vững.
PV