TIN TỨC
HỘI THẢO: PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP: THỰC TRẠNG, CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng ngày 18/10/2023, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo: Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước. Tham dự  Hội thảo có 207 đại biểu, trong đó có: Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình; Ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng;  Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Đại biểu Quốc hội, Thành viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Dự Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học từ các tổ chức, trường đại học, học viện trong nước và quốc tế. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước Bộ Tài chính, Bộ Kế Hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao Thông - Vận tải, đại diện các hiệp hội; đại diện các Công ty kiểm toán, lãnh đạo đại diện các tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển Khu kinh tế - Khu công nghiệp, các Doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp và đại diện các đại sứ quán Lào, Inđônêxia, Thụy Điển, Malaysia. Hội thảo do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Các đại biểu dự hội thảo

 

“Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá”.

 

 Hội thảo chuyên đề đã nhận được 08 bài viết của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia và nhà khoa học; trong đó có 03 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo; Tại 2 phiên Tọa đàm Hội thảo chuyên đề đã nhận được 15 lượt ý kiến sâu rộng, đa chiều, đa góc nhìn của các diễn giả, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ban ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận trao đổi kinh nghiệm.

 

Trọng tâm của các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Những khó khăn, vướng mắc thường gặp và giải pháp trong công tác quy hoạch, phát triển các KCN-KKT ở các địa phương; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các KCN-KKT; Những vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương; Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm toán công tác quản lý môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Vai trò của cơ quan KTNN trong công tác phát triển các KCN-KKT.

 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

 

Hội thảo đã ghi nhận vai trò  quan trọng của KTNN đối với công tác đầu tư, phát triển KKT-KCN. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định tại Hiến pháp 2013 và thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14, KTNN đã và đang đảm đương vai trò là cơ quan hoạt động độc lập, khách quan, góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia và là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các địa phương hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển KT-XH ở cả tầm quốc gia và vùng và các địa phương. Trong đó, thông qua hoạt động kiểm toán, làm rõ hơn các bất cập, hạn chế và các ảnh hưởng tới sự phát triển của các KKT, KCN, góp phần đưa ra các giải pháp, chính sách quản lý nguồn lực công đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN, CCN.

 

 Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán đối với công tác đầu tư, phát triển KKT-KCN, các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng trong thời gian tới, KTNN cần nâng cao chất lượng khi tham gia ý kiến chủ trương quy hoạch đầu tư, phát triển KKT-KCN; giám sát việc thực thi các cơ chế chính sách, quy định pháp luật đối với KKT-KCN; đổi mới phương thức kiểm toán, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức KTNN.

KH

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)