TIN TỨC
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ GIAI ĐOẠN 2020-2022 TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÀ KIỂM TOÁN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

(khoahockiemtoan.vn) - Chiều 30/11/2023, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II và Kiểm toán nhà nước khu vực I tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại các địa phương và kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II Lê Thị Hồng Hạnh và Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực I chủ trì Tọa đàm; cùng tham dự có hơn 80 đại biểu đến từ các đơn vị tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Các quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách khá phổ biến ở các nước trên thế giới, nhất là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi. Việc thành lập và vận hành các quỹ này nhằm tạo ra công cụ tài chính linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ các hoạt động của khu vực công hay hỗ trợ đầu tư cho một số lĩnh vực cần khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Mục tiêu của Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách là nhằm huy động nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ thêm cho ngân sách nhà nước trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã và đang đặt ra nhiều vấn đề như thất thoát nguồn lực, không kiểm soát được thực tế hoạt động, cũng như không thực sự đánh giá được chính xác tổng thể hiệu quả chi tiêu công của quốc gia.

 

Cùng với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với sứ mệnh “Huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng”. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chỉ hỗ trợ cho chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư. Tổ chức Quỹ gồm: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ở cấp trung ương và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.

 

Quỹ có chức năng vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính do các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ để trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo các điều khoản quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Giai đoạn 2020-2022, đại dịch COVID-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng và gián đoạn nhiều hoạt động của hệ thống Quỹ, công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng còn chậm trễ, chưa được kịp thời…

 

Chủ trì tọa đàm điều phối phiên thảo luận

 

Năm 2023, KTNN triển khai toàn ngành cuộc kiểm toán chuyên đề: “Việc quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại các địa phương” và “việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Đến thời điểm này, các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã hoàn thành các cuộc kiểm toán 02 chuyên đề nêu trên và có nhiều phát hiện nổi bật, ngoài kiến nghị xử lý về tài chính còn chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, thiếu nhất quán của cơ chế chính sách, gây không ít khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

Thông qua tọa đàm, đã tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm về các phát hiện kiểm toán chủ yếu trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 202- 2022 tại các địa phương và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong thời gian qua, như: (1) Những tồn tại hạn chế trong việc chấp hành chế độ chính sách của các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được phát hiện thông qua công tác kiểm toán và một số giải pháp khắc phục; (2) Một số đánh giá về tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022; (3) Một số bất cập về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt quả hoạt động của các quỹ; (4) Hội thảo đã nêu một số thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kiểm soát chất lượng và một số giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức kiểm soát các cuộc kiểm toán Chuyên đề, cũng như một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các cuộc kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022; một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán qua kết quả kiểm toán quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; (5) Bên cạnh đó Tọa đàm cũng đặt ra một số vấn đề trong tổ chức kiểm toán toàn ngành đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, một số giải pháp hoàn thiện.

 

Các bài tham luận cũng như ý kiến thảo luận tại Tọa đàm cũng đã tập trung chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi thực hiện kiểm toán tại các địa phương và công tác kiểm soát chất lượng của KTNN, các ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại các địa phương và việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và tại các địa phương. Các ý kiến thảo luận bổ sung tại hội trường cũng làm rõ hơn về kết quả đạt được, một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán trong thời gian tới.

 

Tọa đàm đã nêu rõ việc cần thiết tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Trong đó, phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán; tăng cường trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong toàn ngành khi thực hiện kiểm toán chuyên đề từ việc xây dựng đề cương, thống nhất đề cương để thực hiện, phối hợp trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán; Tăng cường trao đổi giữa các đơn vị thực hiện kiểm toán để có thể nhân rộng, lan tỏa các phát hiện kiểm toán cũng như làm sâu sắc hơn các phát hiện kiểm toán. Tọa đàm cũng khẳng định vai trò của Vụ tham mưu trong quá trình xét duyệt, kiểm soát chất lượng kiểm toán để đảm bảo kiến nghị của KTNN đồng nhất, đúng quy định pháp luật và có tính khả thi.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)