TIN TỨC
CHIA SẺ KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ Ý KIẾN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 09/8, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách nhà nước các cấp”.

Ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đồng chủ trì Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

 

Tọa đàm do Vụ Tổng hợp phối hợp cùng Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức. Ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đồng chủ trì Tọa đàm.

 

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại trụ sở KTNN, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu các KTNN khu vực.

 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN được quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật KTNN 2015.

 

Báo cáo tham gia ý kiến của KTNN về dự toán NSNN là một trong những báo cáo thường xuyên hàng năm Tổng Kiểm toán nhà nước phải báo cáo Quốc hội: Báo cáo công tác, Báo cáo Kế hoạch kiểm toán năm, Báo cáo quyết toán NSNN, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm.

 

“Đây là nhiệm vụ quan trọng đã được quy định từ Luật KTNN năm 2005, nhưng thực tiễn chỉ đến khi Luật KTNN năm 2015 và Luật NSNN 2015 có hiệu lực, được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì KTNN mới chính thức có Báo cáo gửi Quốc hội, cụ thể là từ năm dự toán NSNN 2017 đến nay. Trước đó, KTNN có tham gia vào quá trình dự toán NSNN song mới chỉ tham dự họp thảo luận, thẩm tra và mức độ tham gia còn hạn chế” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

 

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

 

Lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho hay, trong một số năm gần đây, đồng thời với việc ban hành các văn bản hướng dẫn về tham gia, chuẩn bị ý kiến dự toán, chất lượng tham gia của KTNN cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, việc tham gia của KTNN còn chưa đáp ứng kỳ vọng. Cụ thể, KTNN tham gia các cuộc thảo luận của Bộ Tài chính, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về lập dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương còn hình thức, không hiệu quả.

 

“Với mong mốn nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của KTNN trong việc tham gia ý kiến về dự toán NSNN năm 2025, Lãnh đạo KTNN đã phê chuẩn điều chỉnh tổ chức buổi Tọa đàm hôm nay” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn nêu rõ.

 

Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn, để chương trình Tọa đàm đạt kết quả tốt và phù hợp với thời gian, với vai trò đơn vị đồng chủ trì, lãnh đạo Vụ Tổng hợp mong muốn các đồng chí tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề chủ yếu sau:

 

Một là, thực trạng và nguyên nhân hạn chế trong công tác tham gia ý kiến dự toán NSNN (điều kiện cơ sở pháp lý, các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức thực hiện…).

 

Hai là, chia sẻ các kinh nghiệm những vấn đề cần tham gia ý kiến đối với dự toán NSNN, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

 

Ba là, việc tổ chức thực hiện và áp dụng phương pháp tham gia ý kiến dự toán NSNN.

 

Bốn là, giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến NSNN.

 

“Với mục tiêu của chương trình Tọa đàm là trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong toàn ngành, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ý kiến tham gia về dự toán NSNN, thay mặt Vụ Tổng hợp, tôi xin chúc buổi Tọa đàm có nhiều ý kiến tham gia, thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả, giá trị thực tiễn” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng phòng Vụ Tổng hợp tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

 

Tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V - đã chia sẻ kinh nghiệm về tham gia ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách địa phương đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bà Lương Thị Hiền - Phó Trưởng phòng KTNN chuyên ngành II trình bày tham luận về công tác tham gia ý kiến của KTNN về dự toán thu - chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương.

 

Bên cạnh đó, ông Tống Mạnh Hùng - Phó phòng nghiệp vụ 2, KTNN khu vực I - đã chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với các địa phương trong quá trình tham gia thảo luận dự toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng phòng Vụ Tổng hợp - trình bay tham luận về vai trò của KTNN và những vấn đề đặt ra trong công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN.

 

Các KTNN khu vực tham dự trực tuyến tại các điểm cầu. Ảnh: HỒNG NHUNG

 

Cũng tại Tọa đàm, từ thực tiễn kiểm toán thời gian qua, các đại biểu tại Hội trường và các điểm cầu KTNN khu vực đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về các vấn đề mà Tọa đàm đã đặt ra như: Những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tài liệu; vấn đề tổ chức thực hiện; việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến NSNN.

 

Bế mạc Tọa đàm, ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - nhấn mạnh, sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, sôi nổi, 4 bài tham luận và các ý kiến tại Tọa đàm đã đề cập tương đối rõ liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo kiến nghị dự toán đối với các đơn vị trong ngành nói riêng và KTNN nói chung.

 

Các bài tham luận và các ý kiến phát biểu đều khẳng định vai trò của KTNN từ cơ sở pháp lý cho đến việc đề ra các nội dung cần phải thực hiện trong thời gian tới để làm sao nâng cao chất lượng ý kiến dự toán NSNN.

 

“Chúng ta thấy trách nhiệm của KTNN trong quá trình lập báo cáo dự toán để gửi Quốc hội, cung cấp thông tin cần thiết cho các đại biểu Quốc hội cũng như Quốc hội để Quốc hội phê chuẩn dự toán NSNN hàng năm” - ông Hoàng Linh lưu ý.

 

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

 

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cũng nhấn mạnh, các tham luận và các ý kiến tại Tọa đàm cũng đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng ý kiến dự toán NSNN như:

 

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý để KTNN có thể thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN. Trong hoàn thiện khung pháp lý cần có quy định về thẩm quyền tiếp cận thông tin, tài liệu về dự toán NSNN.

 

Thứ hai, cần bổ sung các quy định để KTNN tham gia ý kiến vào dự toán NSNN với Hội đồng nhân dân địa phương, để ý kiến về dự toán NSNN có chất lượng thì cần thiết phải tham gia từ cơ sở.

 

Thứ ba, KTNN cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch trong khuôn khổ pháp luật để có ý kiến về dự toán ngân sách một cách tốt nhất. KTNN cần chủ động bố trí lịch biểu thảo luận với các địa phương, các cơ quan trung ương để hiểu rõ ý định chính sách ngân sách, từ đó có ý kiến một cách chất lượng.

 

Thứ tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có lộ trình và cách thức thảo luận cụ thể về dự toán ngân sách để giúp KTNN tham gia ý kiến tốt nhất với chất lượng cao nhất.

 

“Với những kết quả quan trọng trên, có thể khẳng định, Tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu. Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm sẽ được báo cáo Lãnh đạo KTNN để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng xây dựng ý kiến của KTNN đối với dự toán NSNN hàng năm” - Phó Vụ trưởng Hoàng Linh khẳng định./.

Hồng Nhung

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)