Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua phỏng vấn sâu và khảo sát 71 người trong ban giám đốc và các kế toán doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La về việc sử dụng hóa đơn điện tử. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực của sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La sau 2 năm triển khai thực hiện rộng rãi theo quy định. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hóa đơn điện tử vào công tác kế toán của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị xuất phát từ thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Từ khóa: Hóa đơn, hóa đơn điện tử, công tác kế toán, công nghệ thông tin.
Evaluating the effects of e-invoice implementation on accounting practices in Son La businesses
This study employs a mixed-methods approach, combining qualitative and quantitative research through in-depth interviews and a survey of 71 executives and accountants in Son La province to investigate the impact of electronic invoicing on accounting practices. The findings indicate positive effects of electronic invoicing on accounting work in Son La enterprises after two years of widespread implementation, while also highlighting some challenges and limitations. Based on the empirical findings, the study proposes several solutions and recommendations to enhance the effectiveness of electronic invoicing in accounting.
Keywords: Invoice, electronic invoice, accounting work, information technology.
1. Giới thiệu
Kế toán là một trong những hoạt động chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Theo Phan Lê Trang & cộng sự (2022), ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán nhằm: Nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng công việc, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính hữu hiệu trong công tác kế toán. Từ đó, đã làm thay đổi vai trò của kế toán trong thu thập, xử lý, phân tích thông tin kế toán. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp từng bước có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, việc ứng dụng hoá đơn điện tử trong doanh nghiệp đã trở lên quen thuộc trong giao dịch mua, bán hàng hóa dưới sự hỗ trợ của máy tính, phần mềm từ đó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán.
Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP: Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định những nội dung mới, quan trọng về hóa đơn điện tử như: Lộ trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, ký hiệu mẫu hóa đơn điện tử, xử lý hóa đơn điện tử sai sót... Theo thông tư này, các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022.
Hóa đơn điện tử mang lại tác động tích cực tới công tác kế toán của doanh nghiệp nói riêng và hoạt động tổng thể của doanh nghiệp nói chung. Việc triển khai hóa đơn điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, ban quản trị có thể theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra những quyết định tối ưu cho doanh nghiệp. Việc sử dụng hóa đơn điện tử trước hết đảm bảo việc luân chuyển hoá đơn trở nên thuận tiện và an toàn, tiết kiệm thời gian phát hành, đơn giản hóa việc quản lý tìm kiếm hóa đơn phù hợp với công tác kế toán, đối chiếu số liệu và các tranh chấp liên quan đến hoá đơn.
Hóa đơn điện tử giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán của doanh nghiệp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra những lợi ích ưu việt mà hóa đơn điện tử mang lại, đặc biệt là trong công tác kế toán doanh nghiệp. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giảm thiểu những hạn chế, bất cập của hóa đơn giấy truyền thống, đồng thời hiện đại hóa quy trình hoạt động của bộ phận kế toán.Theo nghiên cứu của Phạm Hữu Trị (2019), việc sử dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hữu ích, thuận tiện, an toàn, đem lại hiệu quả quản lý. Phạm Thị Thu Huyền (2022) cũng khẳng định việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể là chi phí in ấn và lưu trữ. Theo Nguyễn Thị Thu Trang (2018), thì việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn).
Hóa đơn điện tử mang lại lợi ích cho hoạt động tổng thể của doanh nghiệp. Không chỉ mang lại lợi ích cho công tác kế toán, hóa đơn điện tử còn tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát hành, vận chuyển, bảo quản, lưu trữ hóa đơn, giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như đảm bảo độ chính xác và an toàn cao, tránh tình trạng hóa đơn bị làm giả.
Tỉnh Sơn La nằm ở khu vực Tây Bắc, có nền kinh tế đa dạng với nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, du lịch và thương mại, chế tạo máy, dịch vụ... Nông nghiệp là lĩnh vực chủ lực, nổi tiếng với các sản phẩm nông sản như chè, cà phê, và các loại trái cây. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản, giúp nâng cao giá trị kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tập trung vào sản xuất và chế biến nông sản. Theo thống kê trên cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La đến ngày 10/11/2023 tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.444 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 53.804 tỷ đồng.
Để hoạt động của các doanh nghiệp trong địa bàn Tỉnh ngày càng hiệu quả, công tác kế toán thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc tìm hiểu và xử lý các tình huống, khó khăn, ảnh hưởng của việc áp dụng hóa đơn điện tử vào công tác kế toán tại các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua phỏng vấn sâu và khảo sát các đối tượng liên quan đến phát hành và tiếp nhận hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp gồm: Ban giám đốc, kế toán trong doanh nghiệp nhằm xin ý kiến phản hồi về hiệu quả sau hơn 2 năm triển khai sử dụng rộng rãi hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kết quả thu được này sử dụng cho việc phân tích, đánh giá thực trạng ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu thu thập các ý kiến tư vấn, góp ý làm cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng hóa đơn điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
2. Hiệu quả ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La
Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá của 71 phiếu khảo sát, trong đó có 4,2% đối tượng trả lời là Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp, 58% là kế toán trưởng và phụ trách kế toán, 38% là kế toán viên trong các loại hình doanh nghiệp. Đối tượng lựa chọn khảo sát được chọn ngẫu nhiên, đảm bảo việc thu thập ý kiến khách quan, trung thực của doanh nghiệp về vấn đề sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán. Đối tượng trả lời khảo sát có 35% thuộc loại hình doanh nghiệp thương mại và dịch vụ; 48% thuộc lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp; 17% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Tổng số phiếu phát ra đối với các đối tượng trả lời phiếu trên khoảng hơn 100 doanh nghiệp, gửi phiếu thông qua đường link bảng hỏi đến khoảng 350 người. Kết quả thu về 71 phiếu trả lời, các phiếu đảm bảo yêu cầu sử dụng là 71 phiếu, chiếm 21%.
Thời gian thực hiện khảo sát cho nghiên cứu từ tháng 7/2024 đến tháng 9/2024.
Bài viết đã sử dụng công cụ thống kê mô tả và biểu đồ để phân tích kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La như sau:
Về đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán tại doanh nghiệp
Từ kết quả thống kê khảo sát cho thấy có 96% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán (trong đó có 75% doanh nghiệp ứng dụng một phần công nghệ thông tin vào công tác kế toán, 21% doanh nghiệp biết sử dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo vào công tác kế toán doanh nghiệp) và có 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử vào công tác kế toán tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đánh giá về lợi ích của sử dụng hóa đơn điện tử: 85% doanh nghiệp của tỉnh Sơn La đánh giá hóa đơn điện tử mang lại tất cả các lợi ích như: Tiết kiệm chi phí, dễ quản lý, tiết kiệm thời gian, hữu ích, thuận tiện; 15% doanh nghiệp đánh giá hóa đơn điện tử mang lại một hoặc một số lợi ích cho doanh nghiệp như trên. Ngoài ra, gần 90% người được khảo sát đánh giá hóa đơn điện tử ứng dụng trong công tác kế toán phù hợp với các đặc điểm doanh nghiệp như: Phù hợp với mọi quy mô và đặc điểm của bộ máy kế toán; phù hợp với mọi yêu cầu xử lý và cung cấp thông tin, yêu cầu tích hợp dữ liệu và lập báo cáo tài chính; phù hợp với mọi yêu cầu xử lý và cung cấp thông tin, yêu cầu tích hợp dữ liệu lên sổ và lập báo cáo tài chính.
Sơn La là một tỉnh miền núi, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp nhận công nghệ thông tin còn hạn chế nhất định so với các thành phố lớn hoặc các tỉnh đồng bằng. Tuy nhiên, với kết quả khảo sát thu được trên đây cho thấy công tác truyền thông và triển khai đồng bộ, mạnh mẽ ứng dụng hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thực hiện một cách sâu rộng. Các doanh nghiệp đã nhận thức và ứng dụng bước đầu cho thấy hiệu quả, doanh nghiệp đã thấy rõ những lợi ích và sự phù hợp của sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch và hạch toán kế toán của doanh nghiệp.
Về đánh giá tác động của hóa đơn điện tử đến năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Biểu đồ 1: Đánh giá hiệu quả của ứng dụng hóa đơn điện tử đến năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả kinh doanh
Kết quả khảo sát thu được theo Biểu đồ 1 cho thấy 83,1% ban giám đốc và kế toán doanh nghiệp đều nhận thức và thấy rõ hiệu quả ứng dụng hóa đơn điện tử đã có tác động lên mọi mặt hiệu quả của doanh nghiệp như: Giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng công tác kế toán, nâng cao hiệu quả kinh doanh và hóa đơn điện tử là công cụ hữu hiệu, dễ sử dụng trong công tác kế toán. 17% doanh nghiệp nhận thức và đánh giá hiệu quả của hóa đơn điện tử đạt được một trong các khía cạnh hiệu quả trên đây. Điều này cho thấy sự đánh giá cao của ban giám đốc và kế toán các doanh nghiệp về hiệu quả của hóa đơn điện tử mang lại khi được đưa vào sử dụng trong thời gian qua.
Đánh giá về yếu tố bên trong của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán
Biểu đồ 2: Yếu tố bên trong của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy cho thấy 80,3% ban giám đốc và các kế toán đánh giá có 4 yếu tố bên trong ảnh hưởng đến chất lượng ứng dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp là: Trình độ của nhân viên đáp ứng việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đáp ứng việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán; quy mô, địa vị, chính sách, chế độ kế toán mà doanh nghiệp đăng ký áp dụng.
Đánh giá yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn nhất đến việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán:
Biểu đồ 3:Yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn nhất đến ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán doanh nghiệp

Kết quả từ Biểu đồ 3 cho thấy sự đa dạng hơn về quan điểm đánh giá các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán doanh nghiệp. Trong đó, 40,8% ý kiến cho rằng do sự tác động của lãnh đạo, nhân viên của đối tác có ảnh hưởng lớn nhất đến việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán; 52,1% ý kiến cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán là một xu hướng của xã hội nên việc ứng dụng hóa đơn điện tử là tất yếu; 21,1% đánh giá ảnh hưởng lớn là từ tác động theo các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có uy tín; 22,5% đánh giá do sự ảnh hưởng lớn từ truyền thông. Kết quả này cho thấy để việc triển khai áp dụng một chế độ chính sách như chính sách sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay sẽ rất cần có sự tác động và tham gia từ nhiều bên nhằm đem lại hiệu quả trong triển khai và thực hiện.
Đánh giá về tính năng vượt trội khi sử dụng hóa đơn điện tử: Gần 90% ban giám đốc và kế toán doanh nghiệp được khảo sát đánh giá hóa đơn điện tử có tất cả những tính năng vượt trội như: Đảm bảo tốc độ xử lý nhanh, ổn định; Đảm bảo tính bảo mật và an toàn dữ liệu; Đảm bảo tính linh hoạt; Đảm bảo độ tin cậy và chính xác cao.
Đánh giá về sự hài lòng của các doanh nghiệp tỉnh Sơn La về việc sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay cho thấy: Trên 97% người được hỏi đánh giá hài lòng và rất hài lòng với việc sử dụng hóa đơn điện tử, 2,8% người được hỏi đánh giá tương đối hài lòng và không có ai trả lời là không hài lòng. Điều này cho thấy chủ trương và chính sách áp dụng hóa đơn điện tử hiện nay trong bối cảnh yêu cầu đặt ra trong tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội trong đó có công tác kế toán là cần thiết với thực tiễn. Do đó, cho thấy chủ trương, chính sách và thực tiễn triển khai thực hiện phù hợp, nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng doanh nghiệp vì tính hiệu quả và tính hữu ích trong thực tiễn áp dụng.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được trong ứng dụng hóa đơn điện tử vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và công tác kế toán như trên, đến nay quá trình áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể: Trên 90% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy doanh nghiệp từng bị vướng mắc về hệ thống mạng internet hay gặp sự cố mạng kém hoặc không ổn định, dẫn đến đôi khi việc cập nhật dữ liệu trên hóa đơn điện tử còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo cho hoạt động thông suốt của doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải, nguyên nhân là do đường truyền mạng internet của doanh nghiệp trang bị chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng công nghệ số hiện tại hoặc có một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của các xã, huyện miền núi bị hạn chế về địa hình hiểm trở nên sóng internet không ổn định, vì vậy, dẫn đến khó khăn này xảy ra thường xuyên với doanh nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao dịch và thanh toán trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, có đến gần 30% ý kiến khảo sát cho biết doanh nghiệp từng gặp vấn đề hoặc sự cố nảy sinh khi sử dụng hóa đơn điện tử mà nhân viên kế toán lúng túng, chưa biết cách xử lý, giải quyết. Nguyên nhân do việc sử dụng hóa đơn điện tử được triển khai rộng rãi đến các doanh nghiệp được hơn 2 năm, với một số kế toán doanh nghiệp chưa quen tình huống mới phát sinh, kỹ năng của một số kế toán còn hạn chế nên đôi khi bị lúng túng trong một số trường hợp xử lý sai sót hóa đơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có những lo ngại về rủi ro gặp phải khi sử dụng hóa đơn điện tử như: 86% người trả lời khảo sát còn lo lắng rủi ro về tính bảo mật của doanh nghiệp, có thể bị sao chép thông tin khi thông tin hóa đơn điện tử được truyền dưới dạng điện tử, có thể bị đối tượng xấu xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát hoặc lấy cắp thông tin; 4% lo lắng bị sai lệch thông tin khi tiếp nhận hoặc thiết lập hóa đơn điện tử cho khách hàng, do không trực tiếp cung cấp thông tin để nhận kiểm tra trực tiếp như hóa đơn giấy trước đây; 20% lo lắng về gian lận trong giao nhận hàng hóa, khi có người cố tình ngụy tạo hóa đơn điện tử trên web giả để lừa giao nhận hàng hóa giả, không đúng giao dịch.
Ban giám đốc và các kế toán doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đưa ra những nhận định về xu hướng ứng dụng hóa đơn điện tử trong thời gian tới với bối cảnh phát triên mạnh mẽ của công nghệ thông tin như: 82% doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ ngày càng được áp dụng một cách đồng bộ, toàn diện; 18% doanh nghiệp cho rằng việc ứng dụng hóa đơn điện tử kết hợp với công nghệ AI trong công tác kế toán để nâng cao hiệu quả hạch toán sẽ được ứng dụng tại doanh nghiệp của họ trong thời gian tới. Từ kết quả này cho thấy, mặc dù là 1 tỉnh miền núi vùng Tây Bắc luôn được coi là vùng trũng về điều kiện tiếp cận phát triển kinh tế xã hội, nhưng những nhận định về xu hướng ứng dụng hóa đơn điện tử trong thời gian tới tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bắt kịp theo xu hướng chung của cả nước, điều này cho thấy tác động của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán thông qua ứng dụng sử dụng hóa đơn điện tử là rất lớn.
3. Một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện rộng rãi đến 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, kết quả cho thấy đánh giá tích cực từ ban giám đốc và các kế toán viên chỉ ra lợi ích và sự hài lòng ở mức cao, trong đó tỷ lệ rất hài lòng chiếm đến 56,3%. Tuy vậy, một số băn khoăn, lo lắng, vướng mắc trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu quả, từ đó tác động thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện khâu chứng từ ban đầu vào tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Do đó, bài viết đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị cần thực hiện như sau:
Một là, để đảm bảo sự hoạt động liên tục trong việc phát hành, tiếp nhận, sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán hiệu quả hơn thì yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư, nâng cấp đường truyền mạng internet, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc khởi tạo, xuất, gửi và lưu trữ hóa đơn đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp về đường truyền internet, cấu hình máy tính và hệ thống máy chủ trong doanh nghiệp.
Hai là, cần nâng cao trình độ của nhân viên kế toán, tăng cường nhận thức và kỹ năng về công nghệ thông tin. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định trong việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin và sử dụng hóa đơn điện tử ngày càng có hiệu quả trong doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp có trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại hay chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt về hóa đơn điện tử nhưng nếu nhân viên kế toán không đủ kỹ năng hoặc hiểu biết về công nghệ và quy trình ứng dụng hóa đơn điện tử đồng bộ trong hạch toán tự động vào sổ và báo cáo kế toán, thì hiệu quả của việc triển khai sẽ bị giảm sút.
Ba là, để nâng cao năng lực của kế toán viên, thì cơ quan chức năng tiếp tục thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm đào tạo, hội thảo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác kế toán, hiện đại hóa quy trình kế toán thông qua ứng dụng công nghệ số, giúp kế toán có thể ứng dụng, vận dụng hiệu quả vào doanh nghiệp của mình.
Bốn là, cần tăng cường tính chủ động tiếp cận, học hỏi của nhân viên kế toán, nâng cao kỹ năng xử lý các trường hợp điều chỉnh hóa đơn khi bị sai, hủy bỏ hóa đơn điện tử một cách thành thạo. Đồng thời, kế toán cần chủ động học hỏi để có kiến thức cơ bản trong quy trình bảo mật thông tin trên không gian mạng, đảm bảo sự an toàn dữ liệu kế toán và thông tin khi ứng dụng liên thông dữ liệu hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán trong hạch toán ghi sổ và lập báo cáo kế toán.
Như vậy, thông qua kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu các đối tượng trong ban giám đốc và các kế toán doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, bài viết đã cho thấy hiệu quả tác động tích cực rõ rệt của việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán của các doanh nghiệp thời gian qua, cũng như nắm bắt về nhận thức xu hướng ứng dụng hóa đơn điện tử thời gian tới. Đồng thời, ghi nhận phán ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng hóa đơn điện tử với điều kiện tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp. Từ đó, bài viết đã đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả ứng dụng hóa đơn điện tử trong công tác kế toán của doanh nghiệp trên địa bàn Sơn La.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính (2021), Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 17/9/2021;
2. Chính phủ (2020), Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ;
3. Phạm Hữu Trị (2019), Nghiên cứu xu hướng sử dụng hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp tại chi cục thuế quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ, Luận văn thạc sỹ;
4. Phạm Thị Thu Huyền (2022), Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác quản lý tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công Thương;
5. Phan Lê Trang, Phí Thị Diễm Hồng, Trần Nguyễn Thị Yến, Nguyễn thị Hải Bình (2022), Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 20(5): 665-676;
6. Nguyễn Thu Trang (2018), Một số vấn đề về Hóa đơn điện tử, Tạp chí Tài chính.