LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
LÝ THUYẾT CUNG CẦU TỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KIỂM TOÁN MÔI TRƯỜNG

ThS. Lê Hoài Phương

 

Phòng Kiểm toán môi trường, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III

Quy luật cung cầu hay nguyên lí cung cầu là quy luật của nền kinh tế thị trường cho thấy qua sự điều chỉnh của thị trường, một mức giá cân bằng (còn gọi là mức giá thị trường) và một lượng giao dịch hàng cân bằng (lượng cung cấp bằng lượng cầu) sẽ được xác định. Trong bài này, tác giả đưa ra lý thuyết cung - cầu để giải thích sự hình thành và phát triển của kiểm toán môi trường trong lĩnh vực công dựa trên mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước (bên cung) và các bên liên quan (Quốc hội, Chính phủ, các đơn vị được kiểm toán và Nhân dân – bên cầu). Lý thuyết Cung cầu được sử dụng để giải thích cơ chế về nhu cầu của khách hàng (Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị liên quan) đến khả năng đáp ứng của cơ quan kiểm toán tối cao, các hoạt động kiểm toán là một sản phẩm kinh tế, được hình thành từ nhu cầu của người cần sử dụng thông tin, khả năng cung cấp của cơ quan kiểm toán.

 

Từ khóa: Quy luật cung cầu, kiểm toán môi trường.

 

The theory of supply and demand leads to the formation and development of environmental auditing

 

The law of supply and demand, or the supply-demand principle, is an economic law that explains how, through market adjustments, an equilibrium price (also known as market price) and an equilibrium quantity of goods traded (quantity supplied equals quantity demanded) are determined. In this paper, the author applies the supply-demand theory to explain the formation and development of environmental auditing in the public sector, based on the relationship between the Supreme Audit Institution (the supplier) and relevant stakeholders (National Assembly, Government, audited entities, and the public - the demanders). The supply-demand theory is used to explain the mechanism of how the demand of customers (National Assembly, Government, and relevant entities) drives the supply capacity of the Supreme Audit Institution, where audit activities are considered an economic product, formed from the need for information and the supply capacity of the Supreme Audit Institution.

 

Keywords: Law of supply and demand, environmental audit.

 

Lý thuyết cung - cầu trong kinh tế học vi mô được James Denham Steuart khởi xướng lần đầu tiên trong cuốn sách “Tìm hiểu nguyên lý kinh tế chính trị” (Inquiry into the Principles of Political Economy) xuất bản năm 1767. Sau đó, Adam Smith phát triển tiếp lý thuyết này trong cuốn sách “Của cải của các dân tộc” (The Wealth of Nations) vào năm 1776 và được áp dụng phổ biết trong lý thuyết kinh tế cho đến nay. Đây được coi là một trong những lý thuyết quan trọng nhất của kinh tế học, được xây dựng trên cơ sở của mô hình cung cầu để phân tích hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng tác động qua lại với nhau trên thị trường, ngoài ra còn thể hiện sự tác động từ chính sách của các cơ quan quản lý trên thị trường.

 

1. Lý thuyết cung cầu trong sự hình thành của kiểm toán môi trường

 

1.1. Cầu của kiểm toán môi trường

 

Kiểm toán môi trường chỉ xuất hiện khi có nhu cầu, và phát triển thành công khi các cơ quan kiểm toán tối cao có thể đáp ứng nhu cầu này một cách hợp lý (cân bằng cung cầu). Trong đó, cầu về kiểm toán môi trường xuất hiện và chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau:

 

Thứ nhất, cầu kiểm toán môi trường được tạo ra bởi yêu cầu trực tiếp từ Quốc hội và Chính phủ. Tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Đức và một số quốc gia khác, các nghị sĩ Quốc hội thường yêu cầu cung cấp thông tin về tính hiệu quả, sự bền vững trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Quốc hội và Chính phủ muốn biết liệu các nguồn lực và chính sách môi trường có đang được triển khai hiệu quả hay không, và các cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình về những hoạt động này không. Điều này đã thúc đẩy các cơ quan kiểm toán tối cao và các kiểm toán viên phải mở rộng phạm vi kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án và ngân sách môi trường. Ví dụ, tại Anh, Mỹ và New Zealand, các cơ quan kiểm toán tối cao thường ưu tiên thực hiện kiểm toán môi trường theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, sau đó mới tự lựa chọn đối tượng kiểm toán môi trường dựa trên kế hoạch tổng quát của mình [10]. Do đó, vai trò của Quốc hội và Chính phủ có tác động lớn đến việc triển khai và phát triển thành công kiểm toán môi trường.

 

Thứ hai, cầu kiểm toán môi trường xuất phát từ những mong đợi hợp lý của xã hội nhằm khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, lãng phí tài nguyên, và chống ô nhiễm, thường được đề cập trên các phương tiện truyền thông hoặc được phát hiện thông qua các khảo sát và số liệu từ các cơ quan kiểm toán tối cao. Cầu kiểm toán môi trường chịu ảnh hưởng bởi trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị và xã hội của mỗi quốc gia. Thông thường, các quốc gia đang phát triển với hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp thường có nhu cầu kiểm toán môi trường cao hơn so với các quốc gia phát triển với hệ thống pháp luật hiệu quả và mức độ minh bạch cao. Như tại Việt Nam, Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên và ngân sách môi trường của Nhà nước, giúp thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm và đảm bảo tính bền vững trong quản lý tài nguyên.

 

Thứ ba, lĩnh vực kiểm toán môi trường là một lĩnh vực nội dung có thể được thực hiện thông qua ba loại hình kiểm toán: kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động. Trong đó, kiểm toán tuân thủ tập trung vào việc đảm bảo rằng các quy định và luật pháp về môi trường được tuân thủ đúng mực, kiểm toán tài chính đánh giá tính hiệu quả về nguồn kinh phí sử dụng khi thực hiện các chương trình môi trường và kiểm toán hoạt động đánh giá hiệu quả và tính bền vững của các chính sách và hoạt động quản lý môi trường. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù và sự phức tạp của các vấn đề môi trường, kiểm toán hoạt động được khuyến khích áp dụng nhiều hơn trong lĩnh vực này. Kiểm toán hoạt động về lĩnh vực môi trường không chỉ đánh giá mức độ tuân thủ mà còn đi sâu vào việc phân tích hiệu quả và tác động lâu dài của các chính sách và chương trình bảo vệ môi trường. Do đó, để phát triển và giữ vững vị thế, các cơ quan kiểm toán tối cao tự điều chỉnh và tăng cường kiểm toán hoạt động, trong đó đẩy mạnh các cuộc kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về phát triển bền vững.

 

Thứ tư, cầu kiểm toán môi trường cũng tăng lên khi các cơ quan kiểm toán tối cao áp dụng những phương pháp và kỹ thuật kiểm toán mới [4,6,5]. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước đã chú trọng đến kiểm toán môi trường, đưa ra các đánh giá và khuyến nghị nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội về vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường. Để đáp ứng tốt hơn nữa những đòi hỏi của xã hội và nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã tăng cường các cuộc kiểm toán môi trường và coi đó là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của khoa học kiểm toán.

 

1.2. Cung kiểm toán môi trường

 

Cung kiểm toán môi trường phụ thuộc vào thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ cũng như khả năng của mỗi cơ quan kiểm toán tối cao trong từng giai đoạn nhất định. Khi cầu về kiểm toán môi trường xuất hiện, các cơ quan kiểm toán tối cao sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm chức năng kiểm toán môi trường và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Khả năng cung cấp kiểm toán môi trường của các cơ quan kiểm toán tối cao phụ thuộc vào nhiều nhân tố, như khả năng vận dụng các phương pháp và kỹ thuật kiểm toán mới, sự ủng hộ từ phía Quốc hội và Chính phủ, khả năng tổ chức triển khai hoạt động kiểm toán, cũng như năng lực chuyên môn của các kiểm toán viên.

 

2. Quá trình hình thành và phát triển kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước

 

Kiểm toán môi trường tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng. Ban đầu, kiểm toán môi trường chỉ được thực hiện dưới dạng tự nguyện tại một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chịu áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và các quy định môi trường tại các tổ chức, doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đầu những năm 2000, kiểm toán môi trường dần trở thành một yêu cầu pháp lý rõ ràng trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản pháp luật liên quan đã đặt nền tảng cho sự phát triển của kiểm toán môi trường tại Việt Nam. Sự tham gia của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán môi trường bắt đầu từ năm 2011, Kiểm toán nhà nước thành lập Nhóm kiểm toán môi trường và chính thức tham gia vào Nhóm công tác môi trường của tổ chức INTOSAI (WGEA INTOSAI). Đây là một bước tiến lớn nhằm đưa Việt Nam vào dòng chảy chung của kiểm toán môi trường quốc tế, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm toán tiên tiến. Năm 2012, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực môi trường về quản lý nước lưu vực sông Mê Kông. Đây là một cuộc kiểm toán phối hợp với 5 quốc gia tham gia, gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, cùng sự hỗ trợ từ GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức). Cuộc kiểm toán này đã đặt nền tảng cho Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hoạt động kiểm toán quốc tế và phát triển phương pháp kiểm toán môi trường.

 

Tới năm 2014, khi Phòng Kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước được thành lập, đây không phải là đơn vị được thành lập để tổ chức riêng về kiểm toán môi trường nhưng với với đặc thù của kiểm toán môi trường chủ yếu được thực hiện với loại hình kiểm toán hoạt động thì việc tổ chức và hoạt động của Phòng có thể được xem như tiền đề của lĩnh vực kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước. Tháng 10/2015, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về kiểm toán trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững, Kiểm toán nhà nước đã thành lập Phòng Kiểm toán môi trường (nay trực thuộc Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III). Việc thành lập này diễn ra theo lộ trình của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của kiểm toán đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững. Trong quá trình thành lập và phát triển, Kiểm toán nhà nước đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI), Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI)… và các tổ chức phát triển bền vững khác để học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm toán môi trường tiên tiến. Kiểm toán viên của Phòng Kiểm toán môi trường nói riêng và Kiểm toán nhà nước nói chung được cử tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, hội thảo, tọa đàm với chuyên gia trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực và đáp ứng các yêu cầu mới trong lĩnh vực kiểm toán môi trường.

 

Các cuộc kiểm toán môi trường được Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện thường xuyên hơn trong những năm gần đây, trong đó một số cuộc kiểm toán môi trường tiêu biểu có thể kể đến như: Kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện (năm 2019); Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phối hợp với các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan kiểm toán việc quản lý môi trường nước lưu vực sông Mê Công (năm 2021); Kiểm toán công tác quản lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (năm 2023); Kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề (năm 2022, 2023)… Đặc biệt, kết quả cuộc kiểm toán phối hợp với 04 nước về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công đã nâng tầm của Kiểm toán nhà nước với cộng đồng ASOSAI và bạn bè quốc tế.

 

Các kiến nghị trong các cuộc kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều đơn vị không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; cảnh báo các yếu tố nguy cơ đã và đang gây tác hại cho môi trường; những tồn tại, bất cập trong hệ thống cơ chế chính sách và hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường… Từ đó, đưa ra kiến nghị kịp thời với các cơ quan liên quan nhằm sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác hại đến môi trường...

 

Không chỉ có ý nghĩa trên phạm vi quốc gia, Kiểm toán môi trường còn đóng vai trò then chốt trong việc giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement, 2015) đã đặt ra những mục tiêu lớn, trong đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu. Kiểm toán môi trường góp phần quan trọng trong việc giám sát các hoạt động công nghiệp, nhằm đảm bảo rằng những cam kết này được thực thi một cách nghiêm túc.

 

Hơn thế nữa, vai trò của kiểm toán môi trường có ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (Sustainable Development Goals - SDGs). Các mục tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường như SDG 6 về nước sạch và vệ sinh, SDG 7 về năng lượng sạch và giá cả hợp lý, SDG 13 về hành động chống biến đổi khí hậu và SDG 15 về bảo vệ tài nguyên đất luôn được hỗ trợ và giám sát thông qua các cuộc kiểm toán môi trường và kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán nhà nước.

 

Kết luận

 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường đã hình thành và phát triển, ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu của các bên liên quan. Kiểm toán môi trường không chỉ cung cấp thông tin đáng tin cậy về tính tuân thủ và hiệu quả trong sử dụng tài nguyên mà còn hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định chiến lược về quản lý môi trường, phát triển bền vững.

 

Kiểm toán môi trường chỉ xuất hiện khi có nhu cầu và phát triển thành công khi các cơ quan kiểm toán tối cao có khả năng đáp ứng nhu cầu một cách hợp lý, tạo ra sự cân bằng trong cung cầu. Trong bối cảnh này, cầu về kiểm toán môi trường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm yêu cầu từ Quốc hội, Chính phủ, các doanh nghiệp và kỳ vọng từ xã hội. Để đáp ứng cầu, cung kiểm toán môi trường cũng đòi hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao cần có năng lực chuyên môn, thẩm quyền pháp lý, khả năng triển khai các phương pháp và kỹ thuật hiện đại cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan Quốc hội và Chính phủ.

 

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia đang phát triển, mặc dù nhu cầu đối với kiểm toán môi trường rất cao do tình trạng ô nhiễm và suy thoái tài nguyên, nhưng khả năng cung cấp loại hình kiểm toán này còn hạn chế. Điều này là do sự thiếu hụt về nhân lực chuyên môn, tài chính và cơ sở pháp lý. Do đó, để phát triển kiểm toán môi trường và đảm bảo cung cầu cân bằng, các nước cần đầu tư vào đào tạo, phát triển công nghệ, và xây dựng một hệ thống pháp lý vững chắc nhằm nâng cao năng lực kiểm toán.

 

Trong tương lai, kiểm toán môi trường sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển bền vững và tạo dựng một nền kinh tế “xanh” hơn. Việc hoàn thiện các yếu tố cung cầu trong kiểm toán môi trường sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu giám sát và minh bạch mà còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu. Sự phối hợp giữa các quốc gia, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, và các nỗ lực không ngừng của các cơ quan kiểm toán tối cao sẽ là chìa khóa giúp kiểm toán môi trường phát triển bền vững và hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Arnold, D. F., Sr., Bernardi, R. A., & Neidermeyer, P. E. (1999). The effect of independence on decisions concerning additional audit work: A European perspective. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 18 (Suppl.), 45-67;

 

 2. Chính phủ Việt Nam. (2023). Chính sách và Biện pháp giải quyết các thách thức về môi trường;

 

 3. Deis, D. R., Jr., & Giroux, G. A. (1992). Determinants of audit quality in the public sector. The Accounting Review, 67, 462-479;

 

 4. Hatherly, D., & Parker, L. D. (1988). The origins of modern public sector accounting standards: Influences on the audit commission’s stance. Management Accounting Research, 1(2), 165-177;

 

 5. Lapsley, I., & Pong, C. K. M. (2000). Modernization versus problematization: Value-for-money audit in public services. European Accounting Review, 9(4), 541-567;

 

 6. Pollitt, C., Girre, X., Lonsdale, J., Mul, R., Summa, H., & Waerness, M. (1999). Performance or compliance? Performance audit and public management in five countries. Oxford University Press;

 

7. Steuart, J. D. (1767). Inquiry into the Principles of Political Economy;

 

8. United Nations. (2015). Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững;

9. Wilkin, T., & Lonsdale, J. (2007). Public sector auditing: Is it value for money? International Journal of Public Sector Management, 20(5), 421-435.


TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)