LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI DO CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ

Nguyễn Giang Sơn

Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII



Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, Kiểm toán nhà nước đã và đang tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công, trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Từ thực tiễn các hoạt động kiểm toán của Ngành, các quy định của pháp luật, kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kiểm toán, bài viết nhằm đưa ra một số đánh giá công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, qua đó chỉ ra kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ.

 

Từ khóa: Đất đai, kiểm toán, Kiểm toán nhà nước.

 

Improving the quality of audits on the management and use of land held by state-owned enterprises

 

In recent years, with the goal of becoming an effective tool of the Party and the State, contributing to the transparency of national finance, the State Audit Office of Vietnam has been continuing to delve into auditing areas with high risks, which are of interest to public opinion and voters nationwide, aiming to contribute to perfecting the institution, detecting and preventing violations in the management of public finance and assets, in which auditing the management and use of land held by state-owned enterprises has always been identified as a key task. From the practical audit activities, legal regulations, international experience in audit activities, the article aims to provide some assessments of the audit work on the management and use of land held by state-owned enterprises, thereby pointing out the results achieved, the shortcomings, limitations and causes to propose solutions to improve the quality of audits on the management and use of land held by state-owned enterprises.

 

Keywords: Land, audit, State Audit Office of Vietnam.

 

1. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ

 

Quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự phát triển một cách bền vững của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội. Do lịch sử để lại và là lực lượng vật chất quan trọng, then chốt của kinh tế nhà nước, có vai trò là công cụ hỗ trợ Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các “khuyết tật” của cơ chế thị trường, thực hiện công bằng xã hội nên các doanh nghiệp nhà nước đã và đang được giao quản lý, sử dụng số lượng diện tích đất rất lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực đất đai trong thực hiện sứ mệnh được giao. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thời gian qua cho thấy: Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn thiếu ổn định, chưa đồng bộ và chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và có kẽ hở để các tổ chức và cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai; việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chậm được triển khai và có nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất cũng như quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp.

 

Việc quản lý, sử dụng đất đai của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, sai phạm và chia làm 04 nhóm sai phạm, cụ thể:

 

(1) Về thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai: Tình trạng đất hồ sơ pháp lý đất đai không đầy đủ, chưa có quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê kéo dài nhiều năm. Sau quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện kê khai, đăng ký cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký lại hợp đồng thuê đất phù hợp với tên pháp nhân hiện tại. Nhiều diện tích được Nhà nước giao đất trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành theo hình thức không thu tiền sử dụng đất hoặc được công nhận như đất giao không thu tiền hoặc đã hết thời hạn được giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng chưa làm thủ tục với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định mới. Tại nhiều doanh nghiệp, thông tin trên các tài liệu pháp lý về đất đai không thống nhất nhưng doanh nghiệp chưa rà soát và thực hiện các thủ tục xin gia hạn, điều chỉnh kịp thời theo quy định. Tại nhiều doanh nghiệp, diện tích đất thực tế có chênh lệch với hồ sơ pháp lý nhưng chưa được rà soát, kiểm kê, đo đạc, xác định nguyên nhân chênh lệch làm cơ sở kê khai, đăng ký biến động về đất đai, thực hiện các thủ tục điều chỉnh theo quy định. Nhiều trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa;

 

(2) Về sử dụng đất của doanh nghiệp: Nhiều diện tích đất của doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị thành viên không hoặc chậm đưa vào sử dụng, quá thời hạn đầu tư thực hiện dự án hoặc để hoang hóa, lãng phí. Nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng đất bị tranh chấp, lấn chiếm kéo dài nhiều năm, chưa giải quyết triệt để. Một số doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước giao, cho thuê.  Một số dự án chuyển đổi nhà xưởng, cơ sở sản xuất sang đất xây dựng nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại của doanh nghiệp nhà nước không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt hoặc phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa mà ngược lại, hợp thức hóa làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch và cập nhật vào quy hoạch. Một số doanh nghiệp sử dụng đất thuộc các kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác, liên doanh, liên kết nhưng chưa xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án khai thác tài sản theo quy định. Một số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp thực hiện giao khoán đất cho công nhân, hộ dân trên địa bàn còn tồn tại, hạn chế như: giao khoán không đúng đối tượng; không quy định cụ thể về quản lý sản phẩm giao khoán; hồ sơ giao nhận khoán không đầy đủ, hợp đồng giao khoán không chặt chẽ, không thực hiện đo đạc, cắm mốc giới cụ thể khi giao khoán… dẫn đến bị người dân tranh chấp, bị lấn chiếm, tự chuyển nhượng đất của doanh nghiệp;

 

(3) Về thực hiện các giao dịch kinh tế liên quan đến đất đai: Một số doanh nghiệp sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đất nông lâm nghiệp, đất làm muối của cá nhân khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều trường hợp góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác, liên doanh kinh doanh bằng quyền sử dụng đất nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Khi xác định giá trị quyền sử dụng đất để chuyển nhượng, góp vốn, cổ phần hóa còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường;

 

(4) Về thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước liên quan đến đất: Nhiều diện tích đất của doanh nghiệp nhà nước mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thu, ký hợp đồng thuê đất điều chỉnh đơn giá thuê đất. Có trường hợp xác định sai căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phương pháp xác định giá đất không phù hợp. Nhiều doanh nghiệp thực hiện kê khai tiền thuê đất, thuế sản xuất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất chưa đầy đủ như: áp dụng đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất không đúng, tính tiền sử dụng đất không phù hợp với diện tích, thời điểm được giao đất; sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất thuộc các kết cấu hạ tầng vào sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai, nộp tiền thuê đất; áp dụng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, khấu trừ tiền sử dụng đất không đúng đơn giá, diện tích; xác định thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ của hoạt động bất động sản không kịp thời, đầy đủ theo quy định. Có trường hợp được hưởng các ưu đãi đầu tư, trong đó có các ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất nhưng cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền thuê đất không mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng thuê đất.

 

2. Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ

 

2.1. Định hướng

 

Việc tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trong đó nguồn lực đất đai là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Kiểm toán nhà nước. Việc kiểm toán về quản lý, sử dụng đất đai do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

 

Một là, Kiểm toán nhà nước cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai. Trong giai đoạn từ năm 2017 trở lại đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối về quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có các nội dung về quản lý, sử dụng đất đai của doanh nghiệp nhà nước, điển hình là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 01/02/2021 của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

Hai là, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý, quản trị tốt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Trên cơ sở đó kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ và hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời,  nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai,  đáp ứng yêu cầu, cũng như việc thực thi nghiêm các chính sách, pháp luật đất đai, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai.

 

Ba là, thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản quốc gia nói chung và đất đai, tài nguyên nói riêng của cả nước cũng như trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức một cách hợp lý và lành mạnh. Thông qua hoạt động kiểm tra hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản công, Kiểm toán nhà nước cung cấp những thông tin, báo cáo hợp lý, đáng tin cậy cho đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước, công chúng nhằm đảm bảo tính minh bạch, sự toàn vẹn của hệ thống tài chính, tài sản công - trong đó có đất đai, từ đó nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan đến việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực, tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý đất đai, việc sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực đất đai quốc gia.

 

Bốn là, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, là nguyên nhân gây tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai. Qua đó kiến nghị kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, quản trị và sử dụng đất đai; kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhà nước góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ lợi dụng quyền lực, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên.

 

2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ

 

2.2.1. Các giải pháp đối với Kiểm toán nhà nước

 

(1) Hoàn thiện và áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai trong lĩnh vực doanh nghiệp

 

Cho đến nay, Kiểm toán nhà nước chưa có hướng dẫn chuyên môn về mục tiêu, nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai trong lĩnh vực doanh nghiệp. Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp hiện nay chưa đề cập đến nội dung kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai. Do đó, để nâng cao chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn chuyên môn về mục tiêu, nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai trong lĩnh vực doanh nghiệp. Bài viết đề xuất việc hướng dẫn nội dung kiểm toán chủ yếu đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ gồm các nội dung, cụ thể:

 

- Kiểm toán việc thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai với Nhà nước.

 

- Kiểm toán việc sử dụng đất của doanh nghiệp.

 

- Kiểm toán việc thực hiện các giao dịch kinh tế liên quan đến đất đai.

 

- Kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước liên quan đến đất đai.

 

(2) Hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện kiểm toán

 

- Đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán theo hướng tăng cường các cuộc kiểm toán chuyên đề trong kế hoạch kiểm toán trung hạn và hằng năm nhằm đi sâu đánh giá một số khía cạnh, vấn đề trọng yếu trong quản lý, sử dụng đất đai của doanh nghiệp nhà nước.

 

- Chi tiết hóa nội dung kiểm toán đất đai trong kế hoạch kiểm toán tổng quát của đoàn kiểm toán và kế hoạch kiểm toán chi tiết của các tổ kiểm toán để bảo đảm tính phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cuộc kiểm toán.

 

- Tăng cường đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong công tác lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán.

 

- Thực hiện đa dạng, nhiều phương pháp, thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán.

 

- Sử dụng cộng tác viên là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực địa chính, đất đai.

 

- Sử dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, sử dụng đất.

 

- Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong tất cả các khâu, bước của quy trình kiểm toán.

 

(3) Hoàn thiện công tác đào tạo, bố trí nhân sự đoàn kiểm toán

 

Các giải pháp đã nêu ở trên sẽ không thể được thực thi hiệu quả nếu thiếu đi yếu tố con người. Do đó, giải pháp mang tính chất “kỹ thuật” cần song hành với giải pháp về mặt “nhân lực”. Nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước vẫn luôn là nền tảng cho mọi giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán, nhất là với lĩnh vực kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai vốn rất đặc thù và có tính phức tạp cao. Một số giải pháp về mặt nhân lực cụ thể:

 

- Nghiên cứu, bổ sung và cập nhật nội dung kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán doanh nghiệp. Hiện nay, các tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán doanh nghiệp đang tập trung đào tạo các nội dung kiểm toán báo cáo tài chính. Nội dung kiểm toán đất đai trong các tài liệu đào tạo lĩnh vực khác lại chủ yếu tiếp cận từ giác độ kiểm toán tại các cơ quản lý nhà nước. Do đó, việc xây dựng tài liệu đào tạo cho Kiểm toán viên nhà nước về nội dung kiểm toán đất đai gắn liền với lĩnh vực doanh nghiệp là hết sức cần thiết và nên tập trung vào một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, Kiểm toán nhà nước nên cân nhắc, nghiên cứu việc phối hợp, hợp tác, thuê ngoài các chuyên gia, giảng viên có uy tín trong lĩnh vực đất đai đến từ các bộ ngành, cơ sở đào tạo trong nước để biên soạn tài liệu và tổ chức giảng dạy. Việc biên soạn tài liệu giảng dạy hiện nay của Kiểm toán nhà nước hầu như dựa trên kinh nghiệm, trí tuệ của đội ngũ công chức, người lao động của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước. Những tài liệu giảng dạy do Kiểm toán nhà nước biên soạn trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng kể, có mức độ bao phủ rộng về đề tài, đảm bảo phong phú về nội dung và có tính chuyên sâu trong kiến thức. Tuy nhiên, khi xét đến chủ đề quản lý, sử dụng đất đai trong doanh nghiệp nhà nước là một chủ đề có phạm vi rất rộng và phức tạp thì những tài liệu được xây dựng nội bộ sẽ không tránh khỏi những hạn chế mang tính cố hữu, chủ quan do xuất phát từ góc nhìn của đơn vị đi kiểm tra, kiểm toán và có thể chưa cập nhật kịp thời những vấn đề thời sự phát sinh trong thực tiễn quản lý, điều hành của doanh nghiệp.

 

Thứ hai, tài liệu đào tạo cần hạn chế việc chỉ trích dẫn và liệt kê lại các quy định sẵn có trong các văn bản quy phạm pháp luật do các quy định này thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế; đồng thời tăng cường số lượng ví dụ minh họa trong hệ thống bài tập và câu hỏi ôn tập để Kiểm toán viên nhà nước có điều kiện thực hành, kiểm tra và vận dụng kiến thức của cá nhân. Thông qua các ví dụ cụ thể trong giáo trình và trong hệ thống câu hỏi ôn tập, Kiểm toán viên nhà nước có thể bước đầu vận dụng, áp dụng các quy định của hệ thống văn bản pháp luật vào trong những tình huống sát hơn với thực tế.

 

Thứ ba, nội dung bồi dưỡng đào tạo cần phù hợp với nền tảng chuyên môn của từng đối tượng học viên. Như đã đề cập, một tỷ lệ đáng kể các Kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm toán đối tượng doanh nghiệp có xuất phát điểm chuyên ngành đào tạo tại cấp bậc đại học và sau đại học chủ yếu về kinh tế và chưa được đào tạo cơ bản về công tác quản lý, sử dụng đất. Theo đó, chương trình đào tạo cần được bố trí thành nhiều cấp độ với nội dung nâng cao dần để Kiểm toán viên nhà nước có thể hiểu và từng bước có cách vận dụng, áp dụng thủ tục kiểm toán phù hợp.

 

- Tăng cường hoạt động tự đào tạo nội bộ, tọa đàm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài ngành về công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhằm bổ sung, hỗ trợ cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng mang tính chính tắc thì việc tổ chức các hoạt động tự đào tạo nội bộ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm là rất cần thiết và hữu ích. Các hoạt động này có thể được tổ chức dưới các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp tùy điều kiện về không gian, thời gian của các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước, chẳng hạn như: tự đào tạo nội bộ trong các đơn vị chủ trì kiểm toán; tọa đàm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài ngành.

 

- Bố trí hài hòa giữa Kiểm toán viên nhà nước có kinh nghiệm với Kiểm toán viên nhà nước chưa có kinh nghiệm kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai trong các cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước.

 

(4) Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kiểm toán

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán nói chung, kiểm toán quản lý, sử dụng đất do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nói riêng sẽ giúp Kiểm toán nhà nước thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần đưa Kiểm toán nhà nước tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán sẽ giúp Kiểm toán viên nhà nước, các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán thu thập đầy đủ hơn các bằng chứng kiểm toán thích hợp, đảm bảo tính khách quan, đúng đắn, trung thực của số liệu được kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm thiểu rủi ro phát sinh. Một số giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm toán quản lý, sử dụng đất do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ có thể triển khai là: (1) Xây dựng và tích hợp dữ liệu về đất đai của các doanh nghiệp nhà nước vào quá trình phát triển Hệ thống hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán nhà nước; (2) Liên thông, kết nối với các nguồn dữ liệu bên ngoài về quản lý, sử dụng đất; (3) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai.

 

(5) Các giải pháp khác

 

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của doanh nghiệp nhà nước thông qua việc:

 

+ Thiết lập kênh thông tin liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán, cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành, trong đó có nội dung theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán.

 

+ Thực hiện nghiêm quy trình theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; tổng hợp và tổ chức thảo luận, tọa đàm trao đổi định kỳ giữa các cơ quan đơn vị liên quan về vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình theo dõi thực hiện kiến nghị nhằm đề ra biện pháp kịp thời, giảm thiểu yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến hiệu quả công tác theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán.

 

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm làm cơ sở định hướng hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, trong đó tập trung vào những vấn đề mới phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí và các kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tham gia sâu hơn vào việc xây dựng chính sách, pháp luật cũng như kiến nghị giải pháp hoàn thiện bất cập của chế độ chính sách về đất đai. Tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm vào thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán về đất đai.

 

2.2.2. Các giải pháp bên ngoài ngành

 

(1) Công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai

 

Kiểm toán nhà nước cần tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan quản lý nhà nước khác thông qua các hoạt động: kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, quy hoạch, việc thực hiện các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước; hỗ trợ, tham vấn chuyên môn trong quá trình kiểm toán; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; tổ chức theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai… để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Việc tăng cường phối hợp công tác không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích cho riêng Kiểm toán nhà nước mà còn góp phần đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.

 

(2) Công tác phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra

 

Kiểm toán nhà nước đã xây dựng quy chế phối hợp công tác và tổ chức làm việc với Thanh tra Chính phủ, các địa phương khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm nhưng do phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán rộng, trong đó nhiều nội dung, đối tượng chưa thể xác định cụ thể khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm nên thời gian qua, việc xử lý trùng lắp, chồng chéo cũng còn những hạn chế nhất định. Do đó, giải pháp tiềm năng đem lại lợi ích cho các bên có thể được cân nhắc, xem xét là xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng đất đai. Cơ sở dữ liệu có thể bao gồm các (nhóm) thông tin cơ bản như: Tên đối tượng thanh kiểm tra, niên độ được kiểm tra, các tồn tại chính phát hiện qua thanh tra, kiểm tra. Ở cấp độ cao hơn, cơ sở dữ liệu dùng chung có thể lưu giữ kết quả thanh kiểm tra với những đối tượng chi tiết như từng đơn vị thành viên, từng vị trí đất qua từng thời kỳ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung góp phần mang lại các lợi ích:

 

- Giảm thiểu chồng chéo trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán giữa các đơn vị, đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

 

- Các cơ quan có thể được sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan khác như một nguồn thông tin hữu ích để tham khảo, bổ trợ cho việc thu thập bằng chứng cũng như có góc nhìn đánh giá mang tính khách quan khi đưa ra đánh giá, kết luận về cùng một vấn đề.

 

(3) Công tác phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ đất đai

 

Với sự định hướng của Chính phủ, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết doanh nghiệp nhà nước, điển hình như tại VIETTEL, EVN, PVN, VNPT... Công nghệ số đã và đang trở thành cơ hội, công cụ để các doanh nghiệp thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, hầu hết công việc quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh đều đã được thực hiện trong môi trường số và sự kết nối, liên thông với hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức bên ngoài như thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng… Các thông tin tài chính, tài sản, giao dịch, sản xuất kinh doanh... của doanh nghiệp đang từng bước được tạo lập, lưu trữ bằng dữ liệu điện tử, thay cho dữ liệu giấy tờ, tài liệu. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Kiểm toán nhà nước phải thay đổi và thích ứng để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối, liên thông dữ liệu với các doanh nghiệp nhà nước để chia sẻ, kết nối các thông tin về tài chính, đất đai của doanh nghiệp, cũng như các dữ liệu về kết quả kiểm toán, tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

 

2. Các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa;

 

3. Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

 

4. Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 ngày 24/6/2015;

 

5. Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ;

 

6. Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013; số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024;

 

7. Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ báo cáo kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV;

 

8. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

 

9. Đề cương kiểm toán quản lý đất đai trong, sau cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017 tại Quyết số 2051/QĐ-KTNN ngày 18/10/2018;

 

10. Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 244/QĐ-KTNN ngày 08/3/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước;

 

11. Hướng dẫn và thực hiện kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại một số địa phương” và “Việc quản lý, sử dụng đất đai trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017”;

 

12. Một số báo cáo kiểm toán liên quan;

 

13. Quản lý đất đai ở Việt Nam 1980-2020, Nguyễn Đình Bồng (2012), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội.



TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)