Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn. Các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, triển khai các nhiệm vụ chi, đầu tư các dự án gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; tổ chức thực hiện quy chế phối hợp của các cơ quan chức năng để ứng phó khắc phục thiên tai. Từ đó, đặt ra vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương, nhằm đảm bảo nguồn vốn nhà nước được sử dụng đúng mục tiêu, kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, số lượng các cuộc kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long chưa được nhiều, chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, thông qua kiểm toán các công trình ứng phó biến đối khí hậu do địa phương làm chủ đầu tư. Do đó, việc phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long là rất thiết thực.
Từ khóa: Ứng phó biến đổi khí hậu, Kiểm toán nhà nước.
Responding to climate change in the Mekong delta and the role of the State Audit Office of Vietnam
Currently, climate change is becoming increasingly severe, significantly impacting the lives of people worldwide, including Vietnam. In the Mekong Delta river, the risks of drought, freshwater scarcity, saltwater intrusion, and riverbank erosion are occurring more frequently and with greater intensity. Local authorities in the Mekong Delta river have been implementing response measures, deploying tasks, and investing in projects linked to socioeconomic development goals; they have also established coordination mechanisms among relevant agencies to respond to and mitigate disasters. This raises the role of SAV in auditing the economy, efficiency, and effectiveness of climate change response activities at local levels, ensuring that state capital is used appropriately, promptly, and effectively. However, to date, the number of audits on climate change response in the Mekong Delta localities has been limited. These audits are primarily integrated into local budget audits, through auditing of climate change response projects invested in by local authorities. Therefore, analyzing the current situation and proposing appropriate solutions to enhance climate change response audits in the Mekong Delta river is highly practical.
Keywords: Climate change response, State Audit Office of Vietnam.
1. Thực trạng công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long là 193.967,151 tỷ đồng (chiếm 16,53% tổng vốn đầu tư cả nước), trong đó ngân sách trung ương là 79.905,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 114.061,251 tỷ đồng(1). Nguồn vốn đầu tư được phân loại như sau:
(1) Công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư 15 dự án, công trình với nguồn vốn đầu tư là 29.262,28 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 21.240 tỷ đồng (chiếm 72,58% tổng vốn đầu tư), vốn trái phiếu chính phủ 7.487,9 tỷ đồng (25,59% tổng vốn đầu tư), vốn ngân sách nhà nước 534,38 tỷ đồng (1,83% tổng vốn đầu tư)2.
Có thể thấy, nguồn vốn ODA là nguồn vốn chủ yếu trong vốn đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với 3 dự án lớn:
- 02 dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ:
+ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD- ICRSL) bao gồm 5 hợp phần với 16 tiểu dự án, trong đó có 6 tiểu dự án về nâng cao khả năng quan trắc, dự báo, phân tích cơ sở dữ liệu và 10 tiểu dự án tập trung cho việc đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế cho các vùng được lựa chọn;
+ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD. Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dự án gồm 4 hợp phần chính: Tăng cường thể chế để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững; Phát triển cà phê bền vững; Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
- 01 dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản: Dự án Quản lý nước Bến Tre (JiCa3): dự án bao gồm hai hợp phần, hợp phần 1: xây dựng 08 cống và 01 trạm bơm; hợp phần 2: hệ thống giám sát và quan trắc.
Như vậy có thể thấy, các dự án có nguồn vốn ODA chú trọng phát triển bền vững như: nâng cao khả khả năng quan trắc, phân tích dữ liệu và chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách nhà nước tập trung chủ yếu các dự án phát triển hạ tầng thủy lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long.
(2) Các công trình giao thông của Bộ Giao thông vận tải được đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư là 88.963 tỷ đồng. Trong tổng số 31 dự án, có 28 dự án (tương đương 93% nguồn vốn đầu tư) đã và đang được triển khai cho thấy về cơ bản, các dự án phát triển hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã được triển khai. Trong đó các dự án đã hoàn thành chiếm 47% đưa vào sử dụng3.
(3) Nguồn vốn của các địa phương quản lý
Nhìn chung, đối với các công trình ứng phó biến đổi khí hậu do các địa phương làm chủ đầu tư có nguồn vốn tài trợ đa dạng, gồm: nguồn vốn ODA, nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, các công trình 100% vốn từ ngân sách địa phương trong giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành 100% kế hoạch; riêng một số dự án nguồn vốn ODA chậm tiến độ thi công vì người dân tại địa phương cản trở do lo lắng ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở tại địa phương4.
Do đó có thể thấy, việc huy động, giải ngân, quản lý và sử dụng nguồn vốn đối với các công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương là rất quan trọng; tuy nhiên, trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn đến chất lượng công trình và khả năng ảnh hưởng của các công trình đến môi trường tự nhiên và dân sinh trong khu vực, để đảm bảo các công trình có thể triển khai kịp thời và thật sự hiệu quả.
2. Thực trạng công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
2.1. Một số kết quả đạt được
Trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều chương trình hành động ứng phó cụ thể. Đây cũng chính là nội dung kiểm toán mà các Kiểm toán nhà nước khu vực đã thực hiện thời gian qua. Trong đó, Kiểm toán nhà nước khu vực chủ yếu thực hiện kiểm toán các công trình như hệ thống cống, đê, hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, giao thông ứng phó biến đổi khí hậu (lồng ghép trong nội dung kiểm toán ngân sách địa phương các tỉnh trong năm 2019, 2020 đối với một số công trình do địa phương làm chủ đầu tư).
Điển hình, tại Kiểm toán nhà nước khu vực V, qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 (tại tỉnh Sóc Trăng, Thành phố Cần Thơ), năm 2020 (tại tỉnh Kiên Giang) và cuộc kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau đã có kiến nghị xử lý tài chính liên quan đến các công trình ứng phó biến đổi khí hậu hơn 104.187 triệu đồng. Bên cạnh các kiến nghị xử lý tài chính, còn một số phát hiện kiểm toán như:
+ Việc phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án chưa phù hợp với giai đoạn thực hiện trong quy hoạch ngành và quy hoạch của địa phương; Trung ương phân bổ không đủ vốn thực hiện dự án theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt5;
+ Dự án nằm trong quy hoạch nhưng do công trình cấp bách và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ còn hạn hẹp nên công trình chưa được thiết kế đồng bộ với các công trình trước đó6;
+ Chi phí giải phóng mặt bằng có phát sinh tăng so với quyết định phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến nguồn kinh phí được cấp không đủ để thực hiện hết 100% khối lượng kịp thời theo tiến độ7;
+ Địa phương chưa bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án theo kế hoạch nguồn vốn8;
+ Xác định chi phí dự phòng không đúng nguồn vốn ODA 26.110 trđ9;
+ Công trình chậm tiến độ so với hợp đồng ban đầu10.
2.2. Các tồn tại, hạn chế
Nhìn chung, qua kết quả kiểm toán có thể thấy còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý tài chính và quản lý dự án. Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu các công trình được kiểm toán qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Do đó, các kiến nghị mang tính riêng lẻ đối với từng địa phương, chưa có sự tổng quát, và đánh giá chung về công tác quản lý đối với toàn bộ dự án tại khu vực.
Trong khi đó, các công trình như cống ngăn mặn, đê phòng chống xói lở… là các dự án có ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Vì vậy, để đánh giá được sự đồng bộ, hiệu quả tổng thể mà các dự án mang lại cho khu vực, cũng như xác định được các tồn tại hạn chế, cần có cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện, nhằm đề xuất những kiến nghị tổng quát cho khu vực. Từ đó, góp phần nâng cáo hiệu quả công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, do đây là công tác cần sự phối hợp chặt chẽ, lâu dài của các địa phương để giúp khu vực phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu trong tương lai.
(1) Các nội dung kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa đánh giá toàn diện được các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu theo Kịch bản biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016), do đó khu vực đã được triển khai nhiều công trình, dự án thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn ODA với các chương trình chủ yếu là phát triển nông nghiệp, quản lý nước và tăng cường khả năng quan trắc.
Có thể thấy, các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu có nguồn vốn ODA chủ yếu nhằm tăng cường khả năng thích ứng của địa phương. Trong khi đó, đa số các chương trình 100% vốn nhà nước tập trung giải quyết về kết cấu hạ tầng để khắc phục ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó, Kiểm toán nhà nước hiện nay chủ yếu kiểm toán đối với các công trình xây dựng tại các địa phương.
Trong khi đó, các chương trình tăng cường khả năng thích ứng của địa phương như: chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, chuyển đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu sử dụng vật liệu mới trong xây dựng… chưa được kiểm toán và đánh giá tổng quát hiệu quả triển khai của các chương trình. Từ đó, công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực hiện nay chủ yếu vẫn còn tập trung đối với các công trình xây dựng, chưa đánh giá được đối với các chương trình nâng cao năng lực ứng phó của địa phương.
Do đó, trong thời gian tới, việc xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện kiểm toán từng gói chương trình trong mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu cần được triển khai, để có thể đánh giá khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của khu vực một cách toàn diện hơn.
(2) Các công trình với nguồn vốn và chủ đầu tư khác nhau được kiểm toán bởi các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực và Kiểm toán nhà nước chuyên ngành khác nhau nên chưa đánh giá được tác động, hiệu quả của các công trình đối với khu vực một cách toàn diện.
Các nguồn vốn ngân sách nhà nước có quy mô lớn chủ yếu là các công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Nguồn vốn ngân sách địa phương chủ yếu đầu tư cho các các công trình nâng cấp bờ kè, cải tạo kênh mương tại địa phương. Tuy nhiên, công tác ứng phó biến đổi khí hậu là một chuỗi gồm nhiều nội dung cần thực hiện đồng bộ, nhưng do các nguồn vốn đầu tư khác nhau nên các đơn vị chủ trì các cuộc kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu cũng khác nhau. Điển hình, đối với các dự án do các bộ, ngành làm chủ đầu tư (do Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm toán), các công trình do địa phương làm chủ đầu tư (do các Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện kiểm toán). Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình ứng phó biến đổi khí hậu thực hiện tại các địa phương khác nhau, thì được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước khu vực V và Kiểm toán nhà nước khu vực IX. Trong khi đó, công tác ứng phó biến đổi khí hậu là nội dung liên quan và ảnh hưởng toàn vùng, như: việc quản lý nguồn nước, điều hành các cống ngăn mặn, hồ trữ nước có ảnh hưởng đến các tỉnh khác cùng dòng chảy; việc nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hay xả thải của mỗi tỉnh cũng ảnh hưởng chung của cả khu vực. Do đó, việc kiểm toán riêng lẻ sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của Kiểm toán nhà nước các khu vực và chuyên ngành và khả năng đánh giá hiệu quả tổng quát của các công trình ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó, cần sự hợp tác giữa các chuyên ngành và khu vực để thực hiện kiểm toán được toàn diện các chương trình, cho kết quả kiểm toán đầy đủ hơn.
(3) Nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước chưa đánh giá được toàn diện tính hiệu quả, hiệu lực của các công trình được kiểm toán
Ngoài ra, trong thời gian qua, các cuộc kiểm toán chuyên đề về môi trường, và ứng phó biến đổi khí hậu chưa được thực hiện nhiều tại Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu thông qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương để thực hiện kiểm toán đối với một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó, các phát hiện kiểm toán chủ yếu thông qua phương thức kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, chưa thực hiện kiểm toán hoạt động đối với các công trình ứng phó biến đổi khí hậu; do đó còn hạn chế trong các kiến nghị về tính hiệu quả trong công tác kiểm toán ứng phó biến đối khí hậu tại địa phương.
Do đó, việc kết hợp các loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động là rất cần thiết, nhằm đánh giá toàn diện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của các chương trình. Ngoài ra, để công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu được hiệu quả, cần xây dựng các chủ đề kiểm toán cho giai đoạn trung và dài hạn; từ đó xây dựng các chủ đề kiểm toán với các loại hình kiểm toán kết hợp, phù hợp cho từng mục tiêu nhằm phát huy hiệu quả khi đánh giá tổng thể đối với các chương trình.
3. Các giải pháp nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán môi trường do Kiểm toán nhà nước thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động. Do trong những năm qua, Kiểm toán nhà nước mới chủ yếu tập trung vào các cuộc kiểm toán phục vụ những nhu cầu trước mắt của Quốc hội, của công chúng, đội ngũ Kiểm toán nhà nước chưa có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán môi trường, chưa đủ kiến thức chuyên môn về mồi trường. Để nâng cao hiệu quả kiểm toán trong lĩnh vực này, Kiểm toán nhà nước cần chú trọng thêm các giải pháp sau:
(1) Kết hợp các loại hình kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán
Công tác ứng phó biến đổi khí hậu được thực hiện tại các địa phương với các hình thức đa dạng, gồm các giải pháp công trình (hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông...) và phi công trình (phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực quan trắc...). Do đó, việc kết hợp các loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động là rất cần thiết, nhằm đánh giá toàn diện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của các chương trình.
(2) Nâng cao năng lực Kiểm toán viên nhà nước đối với kiểm toán công tác ứng phó biến đổi khí hậu
Nhìn chung, các dự án, chương trình ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng đa dạng, và hướng đến các giải pháp phát triển bền vững như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, sử dụng năng lượng tái tạo… Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên môn, do đó các kiểm toán viên tham gia kiểm toán ngoài năng lực chuyên môn còn đòi hỏi tư duy đổi mới, linh hoạt và thích ứng nhanh các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán mới. Vì vậy việc tăng cường năng lực cho kiểm toán viên thông qua: hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo về kiểm toán môi trường; khuyến khích kiểm toán viên tham gia nghiên cứu khoa học về kiểm toán môi trường để có cơ sở lý luận tốt khi áp dụng vào thực tiễn là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước trong công tác kiểm toán môi trường hiện nay.
(3) Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, kết hợp giữa các các đơn vị trong ngành triển khai kiểm toán công tác ứng phó biến đổi khí hậu
Việc hợp tác kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao với các hình thức kiểm toán song phương, đa phương giúp nâng cao năng lực của các kiểm toán viên, giúp Kiểm toán nhà nước Việt Nam xây dựng các chương trình kiểm toán, hướng dẫn kiểm toán hoạt động và kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp.
Bên cạnh đó, kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu là một lĩnh vực có nội dung và quy mô kiểm toán lớn, nên cần sự hợp tác giữa các chuyên ngành và khu vực để thực hiện kiểm toán được toàn diện các lĩnh vực, cho kết quả kiểm toán đầy đủ hơn.
(4) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán công tác ứng phó biến đổi khí hậu
Hiện nay, các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam được thực hiện đa dạng với các nguồn vốn tài trợ khác nhau, do đó, chưa có đơn vị tập hợp được toàn bộ các chương trình đang triển khai để có cơ sở để so sánh, đánh giá hiệu quả các chương trình trong các giai đoạn khác nhau tại địa phương. Vì vậy, để triển khai công tác kiển toán ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả cần kế hoạch lâu dài và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật liên tục, hoàn chỉnh, làm cơ sở thực hiện các kế hoạch kiểm toán toàn diện, cũng như xây dựng được phương pháp đánh giá hiệu quả của chương trình tốt hơn. Từ đó, có thể đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán trên cơ sở sử dụng dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu chính xác hơn, nâng cao hiệu quả lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán.
Bên cạnh đó, để kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả toàn diện, cần sự phối hợp và cung cấp, trao đổi thông tin của toàn ngành. Thông qua việc xây dựng hệ thống dữ liệu hoàn thiện, để các Kiểm toán nhà nước khu vực dễ dàng tiếp cận, có thể kết hợp kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ với kiểm toán hoạt động; từ đó, nâng cao chất lượng các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu.
(5) Tăng cường công tác truyền thông về công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu, ngoài việc nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán, hiệu quả của công tác truyền thông cũng rất lớn. Việc công bố các kết quả kiểm toán môi trường giúp minh bạch công tác quản lý tài chính và quản lý nhà nước đối với các dự án; giúp nâng cao vị thế của Kiểm toán nhà nước, giúp các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Công tác truyền thông còn giúp công tác triển khai các cuộc kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu của Kiểm toán nhà nước thực hiện thuận tiện hơn, do người dân được tuyên truyền đầy đủ, hiểu rõ chức năng, vai trò của Kiểm toán nhà nước, mục đích thực hiện các cuộc kiểm toán. Từ đó, góp phần hỗ trợ các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán như khảo sát, điều tra ý kiến của người dân hiệu quả hơn. Vì vậy, công tác truyền thông là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu của Kiểm toán nhà nước.
(6) Áp dụng các kỹ thuật, công nghệ, kiến thức chuyên biệt trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu
Các công tác thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu rất đa dạng với sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức liên quan. Song song đó, với sự phát triển của công nghệ, công nghiệp sinh hóa học, các loại chất thải của các tổ chức sản xuất phát thải ra môi trường càng nhiều và đa dạng. Do đó, để kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu, Kiểm toán nhà nước cần cập nhật liên tục các kỹ thuật, công nghệ và kiến thức trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới để tiếp cận phương pháp kiểm toán mới, việc sử dụng chuyên gia tư vấn, kiểm toán hiện trường, áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS cũng là các giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán.
(7) Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, rút kinh nghiệm đối với kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu
Hiện nay, kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu vẫn là một lĩnh vực tương đối mới với nhiều kiểm toán viên; do đó, các cuộc kiểm toán biến đổi khí hậu cần được chú trọng công tác kiểm soát chất lượng hơn, với đội ngũ tham gia tổ kiểm soát có kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác rút kinh nghiệm sau các cuộc kiểm toán cần tổ chức kịp thời để các Kiểm toán viên nhà nước có thể cập nhật kiến thức nhanh chóng sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, phục vụ cho công tác lập kế hoạch đối với các cuộc kiểm toán tiếp theo được kịp thời, hiệu quả.
(8) Tăng cường công tác giám sát, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu
Do tính chất nghiêng về kiểm toán hoạt động, nên các kiến nghị của kiểm toán ứng phó biến đối khí hậu sẽ rất đa dạng, nên việc kiểm tra thực hiện kiến nghị cần được quan tâm sát sao. Bên cạnh đó, một số kiến nghị về các chỉ số về môi trường, về công tác chuyển đổi, phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu sẽ khó đánh giá theo báo cáo thực hiện kiến nghị của các đơn vị. Vì vậy, phương thức tổ chức kiểm tra thực hiện kiến nghị của các cuộc kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu cần được đầu tư tổ chức chặt chẽ hơn, có thể như một cuộc kiểm toán nhỏ để kiểm tra lại các chỉ số (nếu cần thiết). Từ đó, góp phần đảm bảo các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được thực hiện hiệu quả và kịp thời.
4. Kết luận
Theo mục tiêu về tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động tại Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu cần được chú trọng hơn, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một lĩnh vực tương đối mới, với các nội dung kiểm toán đa dạng, phạm vi kiểm toán lớn. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán ứng phó biến khí hậu, cần có chiến lược trung và dài hạn, với sự tham gia kiểm toán của các chuyên ngành, các khu vực để đảm bảo kết quả kiểm toán được toàn diện, đạt được các mục tiêu đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;
2. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016);
3. 2 công trình ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phong Nguyễn, Báo lao động, 2020. (https://laodong.vn/moi-truong/dua-5-du-an-cong-trinh-phong-chong-han-man-cho-dbscl-785807.ldo);
4. Tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giao thông vận tải, 2021;
5. Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2020. (http://cpo.vn/icrsl/tong-quan/gioi-thieu-du-an-chong-chiu-khi-hau-tong-hop-va-sinh-ke-ben-vung-dong-bang-song-cuu-long-md-icrsl-404);
6. Ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước, 2020;
7. Kiểm toán môi trường và những định hướng kiểm toán tại Kiểm toán nhà nước Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, 2020;
8. Báo cáo kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Kiểm toán nhà nước, 2021.