DIỄN ĐÀN ĐỐI THOẠI
QUYẾT LIỆT THỰC THI CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ GIỮ VỮNG ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

(khoahockiemtoan.vn) - TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng bất chấp kinh tế thế giới còn phục hồi chậm và không đồng đều. Dù vậy, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, cần các giải pháp điều hành quyết liệt và hiệu quả để giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới. Dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3% đến 6,8% và cả năm có thể đạt 6,3% đến 6,5%.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế và hoạt động của các động lực tăng trưởng chủ đạo trong nửa đầu năm nay?

 

Kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm. Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam.

 

Tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh (8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019). Đà phục hồi tích cực của bán lẻ cùng với tiêu dùng của khu vực nhà nước góp phần đưa tiêu dùng cuối cùng đóng góp cao nhất (64,26%) vào tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm.

 

Giải ngân đầu tư công đạt kết quả khả quan dù không đồng đều và còn chậm, đầu tư tư nhân phục hồi. Tổng số vốn giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 244,41 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Dù đã đạt kết quả như vậy song diễn biến kinh tế thế giới vẫn chưa thuận lợi, theo ông, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có phải đối mặt với những rủi ro, thách thức nào, thưa ông?

 

Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro, thách thức chính. Các rủi ro thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: khủng hoảng địa chính trị dai dẳng, khó đoán định đặc biệt xung đột tại Ukraina, Biển Đỏ, Trung Đông...; cạnh tranh chiến lược về thương mại và công nghệ giữa các nước lớn còn phức tạp, làm tăng phân mảnh và bảo hộ thương mại; lạm phát và lãi suất dù giảm song còn cao; rủi ro tài khóa và nợ ở mức cao, khiến kinh tế thế giới phục hồi còn chậm và thiếu bền vững; rủi ro an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực...

 

Bên cạnh đó, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 (8,6%); lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh (58,4%) nhưng doanh thu lưu trú - ăn uống và du lịch lữ hành trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 14,8%, thấp hơn mức trước dịch, cho thấy xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của du khách. Tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, cao hơn cùng kỳ các năm 2020-2023 song vẫn thấp hơn mức trước dịch (6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,05%). Đầu tư tư nhân tăng 6,7%, cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 và thấp hơn khu vực FDI (10,3%).

 

Mặt khác, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc: trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (110 nghìn doanh nghiệp) là tín hiệu tích cực, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời (đặc biệt là thị trường đất đai, bất động sản); áp lực tài chính (áp lực đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu doanh nghiệp) và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics tăng, giá năng lượng tăng...).

 

Từ diễn biến như vậy, ông dự báo như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm nay?

 

Trong bối cảnh quốc tế như nêu trên cùng với kết quả tăng trưởng khả quan của 6 tháng đầu năm, môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố; tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3% đến 6,8% và cả năm có thể đạt 6,3% đến 6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5% đến 6,7% (kịch bản tích cực). Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3 điểm % đến 0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,2 điểm % đến 0,3 điểm % trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026.

 

Về lạm phát, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo. Về chi phí đẩy, giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics còn ở mức cao; việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng theo lộ trình từ ngày 01/7/2024… Về cầu kéo, cung tiền dự báo tăng cao hơn cùng với đà phục hồi kinh tế.

 

Để đạt kết quả tăng trưởng cao nhất, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 như nêu trên, cần chú trọng một số giải pháp.

 

Trước hết, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào: quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy...); triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024... chính thức có hiệu lực từ 01/8/2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi; sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua – bán điện trực tiếp (DDPA)...

 

Đồng thời, phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống về xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng; khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...; đẩy nhanh triển khai Quy hoạch điện VIII, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp FDI khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, góp phần thu hút, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn cả nước và tăng tính lan tỏa với các vùng và cả nước; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, sớm có phương án điều chuyển các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp và bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực mới, quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội.

Khải Anh


TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)