DIỄN ĐÀN ĐỐI THOẠI
TẠO NỀN TẢNG CHO KINH TẾ TĂNG TỐC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

(khoahockiemtoan.vn) - Trong những tháng còn lại của năm 2024, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến động địa chính trị trên thị trường thế giới. Vì thế, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trên những nền tảng đã có, nếu tận dụng tốt cơ hội và duy trì đà tăng trưởng thì Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Những tháng đầu năm đã qua, bà đánh giá như thế nào về thực trạng kinh tế Việt Nam?

 

Kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế với những biến động khó lường, phức tạp từ xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn kéo dài tại một số quốc gia, khu vực. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam vẫn đạt những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

 

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong các quý II của giai đoạn 2020-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.

 

Qua 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát khi bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Đáng lưu ý, việc điều chỉnh lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 01/7/2024 chưa gây áp lực đáng kể đối với diễn biến giá cả trong tháng 7.

 

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn) đã giúp thúc đẩy các ngành kinh tế tăng trưởng. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 tiếp tục duy trì ở mức 54,7, bằng với tháng trước đó. Du lịch cũng có sự phục hồi tích cực khi khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, còn số khách du lịch trong nước cũng đạt 79,5 triệu lượt.

 

Hoạt động kinh tế đối ngoại diễn ra sôi động. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài duy trì niềm tin và sự lạc quan với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2% trong 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,53 tỷ USD. Hơn nữa, khu vực kinh tế trong nước đã đạt tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài, cho thấy năng lực thích ứng và tận dụng cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

 

Cùng những kết quả đạt được, xin bà cho biết cụ thể hơn về những khó khăn và thách thức từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế?

 

Triển vọng kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất định. Một số nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao nhằm kiềm chế lạm phát. Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu tiềm ẩn rủi ro tác động đến nguồn cung và giá cả lương thực, hàng hóa thế giới…

 

Nhiều thị trường quốc tế đã gia tăng quy định nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, phát triển các chuỗi giá trị giảm phát thải các-bon. Không ít thị trường gia tăng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, khả năng thâm nhập của hàng Việt Nam xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.

 

Việt Nam cũng cần lưu tâm hơn ở một số lĩnh vực, quy định trong nước. Chẳng hạn, cải cách môi trường kinh doanh chưa tương xứng với những kỳ vọng đặt ra, giải ngân tín dụng tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng tạo áp lực lên lạm phát. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không theo dõi, đánh giá sát và có giải pháp kịp thời, đồng bộ.

 

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhanh hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng. Khả năng kết nối giữa khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn tương đối hạn chế.

 

Đâu sẽ là nền tảng để nền kinh tế Việt Nam chống chịu với những khó khăn nêu trên, thưa bà?

 

Những kết quả khả quan về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm là cơ sở để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp gia tăng nỗ lực hơn trong các tháng cuối năm. Cần tiếp tục duy trì khung chính sách bài bản về nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách thể chế kinh tế để mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện năng suất lao động, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Cần lưu ý, Việt Nam cũng đã có những nền tảng quan trọng từ “đổi mới tư duy”. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết tương hỗ với nhau và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương.

 

Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách. Xin thông tin thêm, với vai trò đại diện của Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Ủy ban Kinh tế APEC, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các đối tác xây dựng chương trình cải cách cơ cấu mới cho APEC giai đoạn 2026-2030.

 

Trên nền tảng ấy, nếu tận dụng tốt cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới và theo dõi, xử lý hiệu quả các khó khăn, bất định từ bên ngoài, Việt Nam có thể hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

 

Bà khuyến nghị như thế nào để nền kinh tế nước ta tiếp tục có những bước phát triển hiệu quả trong thời gian tới?

 

Việt Nam cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế kinh tế, qua đó giúp phát huy hiệu quả tối đa nội lực của nền kinh tế, để nền kinh tế vươn mình tận dụng những thời cơ phát triển mới. Cần nhấn mạnh, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi và tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Chẳng hạn như đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính; hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng đổi mới, cùng liên kết, cùng hợp tác, cùng thắng, cùng phát triển”. Song song với đó là rà soát, hoàn thiện khung chính sách để mở rộng không gian phát triển cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo…

 

Cùng với đó cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách, kể cả thông qua nền tảng số hóa và thử nghiệm phát triển khu thương mại tự do.

 

Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước với các kịch bản đủ chi tiết, tính đến những rủi ro chiến tranh thương mại, gia tăng phòng vệ ở các thị trường xuất khẩu, xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài... để kiến nghị phương án, giải pháp phù hợp, qua đó củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tạo nền tảng quan trọng cho cải cách, hội nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hương Dịu (thực hiện)

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)