Ths. Nguyễn Diệu Thương
Trường quốc tế, đại học quốc gia hà nội
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được nhận định là đã qua giai đoạn khó khăn nhất song những điểm bất cập của thị trường vẫn chưa được giải quyết căn bản. Để thị trường phát triển sâu rễ bền gốc, cần bắt đầu bằng việc cải thiện niềm tin của nhà đầu tư từ sự minh bạch trong hoạt động và công bố thông tin của doanh nghiệp, cơ chế giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng với khuôn khổ pháp lý hoàn thiện theo hướng “nuôi dưỡng” cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Theo số liệu từ FiinGroup, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 240 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày 13/8/2024, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023. Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024. Số dư nợ trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334 nghìn tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản, số dư nợ đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60 nghìn tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135 nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường là giai đoạn tháng 6/2023 đến tháng 8/2023. Sau đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực (đặc biệt trong đó có quy định cho phép đàm phán để giãn thời hạn trả nợ) giúp cho thị trường bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Thực hiện quy định này, có khoảng 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
Ở chiều ngược lại, vấn đề bất cập đầu tiên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được TS. Cấn Văn Lực nhắc đến là niềm tin thị trường. Dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua nhưng cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao, với ước tính khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới, trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, vẫn còn một số điểm đáng lo ngại với triển vọng phát triển thị trường trong thời gian tới. Trước hết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển chủ yếu dựa vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%, và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn. Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Ngân hàng thương mại hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán... còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời.
Từ góc độ nhà quản lý, đại diện Bộ Tài chính, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Trong đó, điểm đáng chú ý là hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 19/7/2023, giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và hoạt động ổn định. Sau 1 năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Dù vậy, theo ông Tô Trần Hòa, thị trường vẫn còn một số điểm hạn chế, đáng ngại là tình hình tài chính không ổn định của một số tổ chức phát hành, thiếu minh bạch về thông tin tài chính dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn. Chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa cao như: có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt...
Mấu chốt là tính minh bạch
Về các giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới, ông Tô Trần Hòa cho rằng, việc cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành là những giải pháp cần thiết để khắc phục các bất cập nêu trên. Theo đó, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.