TÍN DỤNG XANH: CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ, KẾT NỐI VỚI CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIẾN KINH TẾ - XÃ HỘI
Lê Phương Vân, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%... Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng xanh tăng trưởng khá qua các năm Theo Hiệp hội thị trường tín dụng (Loan market Association) và Hiệp hội thị trường Tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association), tín dụng xanh là những khoản tín dụng nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không/ít gây rủi ro tới môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung, là biểu hiện của nền tài chính hướng đến sự phát triển bền vững. Danh mục xanh bao gồm: Năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng hiệu quả; giao thông xanh; sản phẩm, các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và/hoặc thích nghi với nền kinh tế; quản lý nước bền vững và xử lý nước thải; tòa nhà xanh; nông lâm nghiệp bền vững; ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm. Tại Việt Nam, để hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh nói chung và mở rộng hoạt động tín dụng xanh nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản theo hướng không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý chung để bộ ngành, địa phương, ngành nghề triển khai nhằm tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định, tín dụng xanh được cấp cho các dự án đầu tư: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lí chất thải; xử lí ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nói chung, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Nếu năm 2018, quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế xanh chỉ chiếm 3,33% trong tổng tín dụng của nền kinh tế, đến năm 2022 tăng lên 4,2%. Thời điểm tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế. Đến nay, dư nợ tín dụng xanh khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%... Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2016-2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn năm 2019-2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Nhiều tổ chức tín dụng đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội; 80% đến 90% các ngân hàng thương mại đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ chỉ số đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hoạt động. Thực tiễn hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng đưa vào áp dụng, triển khai và đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, nhiều ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB đạt tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân lên tới 45%/năm. Hay như SeABank đã được nhiều tập đoàn/tổ chức tài chính quốc tế như IFC, DFC và nhiều quỹ đầu tư quốc tế tài trợ vốn lên tới gần 600 triệu USD để triển khai các chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhằm thúc đẩy tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đang gặp một số khó khăn. Theo ThS. Dương Văn Bôn, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Khung pháp lý về tín dụng xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động này trên thực tiễn. Nhiều văn bản pháp lý đang được ban hành về tín dụng xanh, ngân hàng xanh của Ngân hàng Nhà nước còn chung chung. Nội dung cụ thể về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện, mà chưa mang tính bắt buộc.
Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt là khách hàng trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, với dự án đi vào hoạt động trong thời gian chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng xanh do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập do cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại rất chậm. Về phía các doanh nghiệp, trong quá trình tiếp cận tài chính xanh, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản bảo đảm, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; các dự án quy mô nhỏ khó tiếp cận vốn vay nước ngoài… Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đối với tín dụng xanh, hiện Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống ngân hàng cần được hướng dẫn của các cơ quan, bộ ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để các tổ chức tín dụng có căn cứ khi cấp tín dụng. Bên cạnh đó, đầu tư vào những lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kì hạn dài. Đây chính là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn. Việt Nam là nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, tình hình bão lũ thiên tai vừa qua đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, bộ ngành phải tập trung rà soát những giải pháp để ứng phó hiệu quả. Ngành ngân hàng đã ban hành rất nhiều các văn bản hướng dẫn để đánh giá về rủi ro và môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, việc chưa có danh mục về phân loại xanh khiến Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện triển khai theo đúng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại xanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh và theo dõi thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh. Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2025 tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh đạt 25% so với hiện nay; đạt 30% đến 35%/năm cho giai đoạn năm 2025-2030. Tương ứng tỷ lệ trên là mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10% vào cuối 2025 và 20% vào cuối năm 2030. Đây là những thách thức rất lớn, mục tiêu khó khăn đối với ngành ngân hàng. Tại diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, Phó Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng BIDV Nguyễn Bá Sơn khuyến nghị, cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực về môi trường và xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật và khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành chứng khoán xanh. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển tín dụng xanh, trước tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các tiêu chí xác định dự án xanh. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh cho các dự án. Tiếp đó, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh bằng chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biển đổi khí hậu... Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỉ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm cho lộ trình chống chịu và đưa phát thải ròng về 0. |
|