Về thị trường, sức mua trong nước chậm phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng (nếu loại trừ yếu tố giá) tăng 4,6% so với cùng kỳ, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Mức tăng này cũng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.
Mặt khác, những bất ổn từ biến động địa chính trị thế giới đang tạo rủi ro đáng chú ý với đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau. Đó là, tình trạng xung đột quân sự tiếp tục leo thang giữa Israel - Iran, các yếu tố bất ổn mới xuất hiện tại bán đảo Triều Tiên và một số quốc gia, khu vực. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều và thiếu vững chắc; kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong Quý III, trong khi Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tăng trưởng thấp, tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng
Về triển vọng và giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay và năm sau, TS. Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là quyết liệt đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư - kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai các luật đã có hiệu lực, nhất là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao dịch điện tử...
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa, chính sách giá cả nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản.
Đáng chú ý, cần phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống từ xuất khẩu, đầu tư tư nhân và tiêu dùng, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, một động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới là cầu đầu tư, trong đó đầu tư nhà nước là một phần và đầu tư tư nhân có thể tăng lên cùng với sự phục hồi và kỳ vọng vào đà tăng trưởng của nền kinh tế. “Tôi hy vọng, một trong những đột phá trong năm 2025 là sẽ có những quyết sách mới với đầu tư công để đẩy tiền ra nhanh hơn”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng các động lực tăng trưởng ở phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ và xuất nhập khẩu. Theo đó, năm 2024, xuất nhập khẩu tăng mạnh dù có phần nhờ tăng trưởng trên nền thấp của năm trước. Năm 2025, thị trường thế giới hạ nhiệt, triển vọng xuất khẩu năm 2025 sẽ không duy trì được như năm nay. Do đó, năm 2025, cần thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, chi tiêu của Chính phủ. “Động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên", ông Bá Hùng đánh giá.
BOX: Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là những dự án có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; tập trung nguồn lực cho các dự án liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, quốc tế.
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.
Tăng cường hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các bộ, cơ quan, địa phương có mức phân bổ vốn lớn nhưng tốc độ giải ngân chậm. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình theo ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công; chủ động rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.
(Trích Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 /2024)