Thưa ông, chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2024, nhiều ý kiến nhận định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
Chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu này. Tôi cho rằng, hai tháng cuối năm 2024 chính là thời điểm nước rút mà nếu khai thác tốt, Việt Nam có thể tạo ra những kỳ tích mới chưa từng có trong lịch sử phát triển thời kỳ đổi mới. Nhìn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô và dự báo tăng trưởng từ nhiều tổ chức quốc tế, tôi thấy những nhận định này là có cơ sở.
Các tổ chức tài chính lớn đều tỏ ra lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6% lên 6,8%. Trong khi đó, HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7%, trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN. Đặc biệt, mặc dù tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại từ quý III, nhưng GDP vẫn duy trì ở mức ổn định, với mức dự báo cho quý IV là khoảng 6,9%.
Theo tôi, với các điều kiện thuận lợi hiện tại, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam có thể đạt mức từ 7,2% đến 7,3%.
Có vẻ như các yếu tố nội tại đang hỗ trợ rất tốt cho kinh tế Việt Nam, nhưng tác động của các yếu tố quốc tế, như quyết định hạ lãi suất của Fed, sẽ có ảnh hưởng thế nào đến chúng ta, thưa ông?
Đúng vậy. Việc Fed hạ lãi suất gần đây có ảnh hưởng rất tích cực đến kinh tế Việt Nam, dù có độ trễ nhất định. Ngày 19/9/2024, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Fed đã giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Sau đó không lâu, vào tháng 11, Fed tiếp tục giảm 25 điểm cơ bản nữa, đưa lãi suất xuống khoảng 4,5% đến 4,75%.
Động thái hạ lãi suất này mang đến hai tác động chính. Thứ nhất, nó giúp ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 98,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, với việc lãi suất giảm, đồng USD sẽ yếu hơn, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, như đã nói, tác động sẽ không đến ngay mà có độ trễ. Ngoài ra, tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu, các yếu tố như lạm phát, chính sách thương mại và sự ổn định nội tại. Dù vậy, tôi cho rằng năm 2024 vẫn sẽ là một năm tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Sang năm 2025, nếu Fed tiếp tục lộ trình nới lỏng tiền tệ, Việt Nam sẽ còn có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định hơn.
Ông đánh giá như thế nào về tác động từ việc ông Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam?
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể đem đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump từng có nhiều chính sách bảo hộ, và nếu ông tiếp tục xu hướng này, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm sáng là Việt Nam vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng ổn định. Với việc ông Trump cam kết đánh thuế 10% trên tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng từ Trung Quốc, Việt Nam có thể hưởng lợi từ vị thế cạnh tranh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế về giá rẻ như cá tra, cá basa sẽ đặc biệt cạnh tranh tại thị trường Mỹ khi giá thành thấp hơn cá Mỹ và Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại đây.
Dĩ nhiên, Việt Nam cũng cần cảnh giác với khả năng Mỹ áp thuế lên hàng hóa của chúng ta, nhất là khi thương mại Mỹ - Việt ngày càng phát triển. Nhưng tôi tin rằng khả năng đánh thuế nặng lên hàng hóa Việt Nam là khá thấp. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở chi phí nhân công mà còn ở hạ tầng cải thiện và sự linh hoạt, nhanh nhạy của các doanh nghiệp trong nước. Chính điều này giúp chúng ta duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp sự thay đổi từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Quốc hội vừa thông qua kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5% đến 7%, ông nghĩ sao về mục tiêu này?
Tôi cho rằng đây là một mục tiêu thận trọng, nhưng hoàn toàn có thể vượt qua được. Nếu không có yếu tố bất ngờ như thiên tai, chiến tranh, hay tình hình lãi suất thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng vượt mức mục tiêu.
Tôi dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, chúng ta sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8% đến 7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2% đến 3,5%. Còn trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt từ 7,3% đến 7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5% đến 3,8%. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, chúng ta cần tập trung vào việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cải thiện hạ tầng để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển.
Ông có nghĩ rằng cải cách hành chính sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?
Cải cách hành chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chính phủ cần tiếp tục tinh giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn vì thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí. Đơn giản hóa quy trình đăng ký, cấp phép và giảm bớt các thủ tục không cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, từ đó tạo động lực để mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công cũng cần được triển khai đúng tiến độ để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giúp kết nối và mở rộng giao thương. Việc đầu tư mạnh vào hạ tầng không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông có thể đưa ra một kết luận về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm tới không, thưa ông?
Việt Nam đang ở trong giai đoạn rất thuận lợi để phát triển. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, khả năng cạnh tranh và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế ASEAN.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cải thiện về khả năng cạnh tranh quốc tế, không chỉ nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ mà còn ở chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng nhanh chóng với yêu cầu thị trường. Điều này giúp Việt Nam tạo dựng uy tín và duy trì đà phát triển ổn định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng biến động, Việt Nam cần duy trì chính sách linh hoạt, cải cách hành chính, và nâng cao năng lực nội tại của các ngành sản xuất chủ lực để ứng phó với những thách thức trong tương lai. Vẫn còn nhiều điều kiện để Việt Nam vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và trên toàn cầu, nếu chúng ta duy trì chiến lược và sự đoàn kết hiện tại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Lý (thực hiện)