KINH TẾ TÀI CHÍNH
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG: MỤC TIÊU VÀ THÁCH THỨC

ThS. LÊ PHƯƠNG VÂN

Kiểm toán nhà nước

ThS. NGUYỄN THỊ HẢI YẾN

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Dù đã đạt bước tiến 9% trong 9 tháng đầu năm song tăng trưởng tín dụng vẫn còn cách xa mục tiêu định hướng 15% của cả năm nay. Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm là thách thức không nhỏ với ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng cao. Ngành ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng lớn về khả năng tăng tốc giải ngân vốn tín dụng từ nay đến cuối năm từ sự khởi sắc của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn.

 

Cầu tín dụng cải thiện đáng kể

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh tín dụng, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% hoàn toàn khả thi bởi tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

 

Mức tăng tín dụng này cho thấy sự cải thiện đáng kể của cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, bởi trước đó, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%.

 

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gói hỗ trợ về thuỷ sản và chế biến gỗ đã nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất. Hiện nay, có 30/45 các tổ chức tín dụng đăng ký, tổng giá trị các gói là 405.000 tỷ đồng, lãi suất sẽ giảm từ 0,5% đến 2%/năm.

 

Về đà tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua đến từ: nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu theo đà phục hồi của nền kinh tế; tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên được đẩy mạnh; nhu cầu hấp thụ vốn khá tốt của nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng.

 

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tín dụng hồi phục mạnh trong những tháng gần đây nhờ sự khởi sắc của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Theo ông Lực, tín dụng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới do tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,4% trong quý III/2024, dự kiến sẽ đạt khoảng 6,7% trong cả năm 2024 và thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực thúc đẩy cầu tín dụng về đầu tư - kinh doanh bất động sản và mua nhà ở, nhà ở xã hội…

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, điểm tích cực là tăng trưởng tín dụng đang cùng nhịp với đà tăng của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng vượt trội như tín dụng lĩnh vực công nghiệp đạt mức tăng 9,8% và tín dụng công nghệ cao tăng 18,15% tính đến hết quý II năm nay. “Từ nay đến cuối năm, giải ngân vốn tín dụng sẽ có bước đột phá nhờ một số yếu tố: Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm và việc đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed đã làm vơi áp lực lên tỷ giá hối đoái, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng trong nước cũng như đầu tư nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; yếu tố mùa vụ hấp thụ tín dụng cuối năm và việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng của ngành ngân hàng”, ông Huân nhấn mạnh.

 

Lo lực cản từ nợ xấu

 

Ở góc độ khác, kết quả của cuộc điều tra của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm 2024 cho biết, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV/2024 và 13,2% trong năm 2024. Các tổ chức tín dụng đánh giá “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng cho cả năm 2024. Dù vậy, các tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro sẽ tăng nhẹ trong cả năm 2024 so với năm 2023 và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống có xu hướng “tăng nhẹ” trong quý III/2024 song có thể giảm trong quý IV/2024

 

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu là yếu tố tác động đáng chú ý đối với xu hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay. “Nợ xấu nội bảng đã ở mức 4,75% vào cuối tháng 7/2024 và còn có thể tiếp tục gia tăng khi quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 165 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,12% tổng dư nợ của nền kinh tế, chưa kể lượng nợ cơ cấu lại đang là trên 2% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng bị hạn chế nhiều so với Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn, nếu không được tháo gỡ. Do đó, việc tăng khả năng tiếp cận tín dụng cần gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu, đặc biệt quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống từ sự liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán và bất động sản”, ông Lực lưu ý.

 

Cùng quan điểm, ông Huân cho rằng, nợ xấu cao sẽ là trở ngại đáng kể đối với việc thúc đẩy giải ngân tín dụng trong thời gian tới. “Nửa đầu năm nay, nợ xấu gộp đã ở mức gần 7% cũng có nghĩa là một khối tài sản lớn bị đóng băng, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm cục bộ khiến nhiều tài sản đảm bảo được định giá ở mức rất thấp. Đây là những yếu tố làm giảm khả năng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp và người dân. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ có thể giúp ngành ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay song vẫn cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, tránh đẩy nợ xấu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới”, ông Huân nhấn mạnh.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN