Sự cần thiết nghiên cứu đề tài:
Với địa vị pháp lý được khẳng định trong Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng, hiệu quả và tác động của hoạt động KTNN đối với nền tài chính quốc gia, từng bước xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân. KTNN hoạt động trên tôn chỉ: “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, để đạt được điều đó, nguồn nhân lực KTNN nói chung, đội ngũ KTVNN nói riêng phải không ngừng nâng cao cả chất và lượng. “Nguồn nhân lực” là 1 trong 3 trụ cột phát triển quan trọng xác định trong Chiến lược phát triển KTNN đến 2030. Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu đề tài là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Mục tiêu nghiên cứu:
- Làm rõ cơ sở lý luận về chất lượng nguồn nhân lực KTNN nói chung và chất lượng KTVNN nói riêng;
- Đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực KTNN nói chung và chất lượng KTVNN nói riêng; nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới;
- Đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN đáp ứng xu thế phát triển giai đoạn 2020-2030.
Nội dung nghiên cứu: Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 3 chương.
Chương 1: Khái quát về chất lượng nguồn nhân lực của KTNN
Tại Chương 1, Đề tài khái quát những vấn đề chung về nguồn nhân lực KTNN và chất lượng nguồn nhân lực KTNN thông qua các khái niệm nguồn nhân lực và nguồn nhân lực KTNN, đặc điểm, vai trò nguồn nhân lực KTNN. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực KTNN thể hiện qua khái niệm, tiêu chí đánh giá chất lượng cùng các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực KTNN. Nhóm tác giả cũng trình bày kinh nghiệm quốc tế về chất lượng nguồn nhân lực KTNN, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chương 2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam
Chương 2 đề cập nội dung thực trạng nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực KTNN: công tác tuyển dụng nhân lực KTNN (đầu vào, tuyển dụng, thi tuyển, xét tuyển), Công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực KTNN, Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KTNN, Công tác đánh giá nguồn nhân lực, Chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực KTNN và Công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức. Tiếp theo, Chương 2 đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực KTNN, trong đó nêu ra kết quả đạt được, tồn tại hạn chế về số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, về công tác đào tạo, bồi dưỡng và nguyên nhân của tồn tại hạn chế.
Chương 3. Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN giai đoạn 2020-2030
Xuất phát từ sự cần thiết và định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN giai đoạn 2020-2030, ban đề tài đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN, trong đó bao gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN, Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nhân lực, Bố trí, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, đảm bảo phát huy năng lực, sở trường; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn kiểm toán đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập; Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của công chức, viên chức, Kiểm toán viên nhà nước; Đổi mới công tác đánh giá nguồn nhân lực; Hoàn thiện chế độ chính sách đối với nguồn nhân lực KTNN; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động của KTNN nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Kiểm toán nhà nước; Tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức. Cuối cùng, Chương 3 đưa ra các kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đối với Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng KTNN, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Trung tâm tin học, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành và Khu vực./.