Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
Nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến đồ uống, thuốc lá, giả da…đều sử dụng hóa chất độc hại, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường còn mang tính hình thức, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, gây ra rò rỉ các hóa chất độc hại, xâm nhập vào môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Kiểm toán nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường chuyên đề về hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm giúp Quốc hội và chính phủ kiểm tra và giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, KTNN mới xây dựng hướng dẫn/quy trình KTMT chung mà chưa có quy trình KTMT cho từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là quy trình KTMT đối với công tác quản lý và xử lý nước thải khu công nghiệp, vì vậy việc nghiên cứu đề tài: “Quy trình kiểm toán quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp” là hết sức cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu
- Khái quát hóa cơ sở lý luận, hệ thống cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, hàng lang pháp lý liên quan đến công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp Việt Nam
- Phân tích thực trạng và hoạt động kiểm toán công tác quản lý và xử lý nước thải của KTNN và bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới từ đó đưa ra cách xác định mục tiêu, nội dung và tiêu chí kiểm toán.
- Xây dựng quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp.
Nội dung nghiên cứu: Ngoài phần Mở đầu và kết luận, đề tài kết cấu thành 3 chương.
Chương 1. Cơ sở lý luận về nước thải công nghiệp và kiểm toán nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp.
Đề tài trình bày những vấn đề cơ bản về nước thải công nghiệp, khái niệm, phân loại và cơ sở nhận biết về nước thải công nghiệp, các tác động của nước thải công nghiệp đến môi trường, đời sống kinh tế xã hội và sức khỏe của con người; công tác quản lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, đề tài khái quát vai trò và vị thế của KTNN trong công tác bảo vệ môi trường; các khái niệm cơ bản về KTMT và kiểm toán nước thải công nghiệp; những chủ đề, khía cạnh cơ bản về KTMT và kiểm toán nước thải công nghiệp.
Chương 2. Thực trạng công tác kiểm toán nước thải công nghiệp tại Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Đề tài khái quát thực trạng kiểm toán liên quan đến hoạt động quản lý và xử lý nước thải ở Việt Nam, trong đó có thực trạng kiểm toán công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam.
Đề tài đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng một số cuộc kiểm toán liên quan đến công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp trên thế giới như cuộc kiểm toán nước thải KCN của Trung Quốc, kiểm toán nước thải công nghiệp của Canada, kiểm toán nước thải công nghiệp của GAO. Trên cơ sở đó, đề tài rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chương 3. Quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp.
Đề tài khái quát quy trình kiểm toán, phương pháp xây dựng quy trình kiểm toán, nguyên tắc xây dựng quy trình kiểm toán. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp (từ khâu chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán). Bên cạnh đó, đề tài còn đề xuất các giải pháp và điều kiện thực hiện./.