KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
THU - CHI NSNN NĂM 2008: VỀ ĐÍCH ẤN TƯỢNG
Năm 2008 sắp khép lại với muôn vàn thử thách đã được toàn Đảng, toàn dẫn ta nỗ lực vượt qua. Trong đó, nhiệm vụ NSNN đã được hoàn thành vượt mức và về đích ấn tượng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Thu - chi NSNN năm 2008: Về đích ấn tượng

Nhiệm vụ NSNN năm 2008 được triển khai thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế gặp phải những khó khăn và thách thức lớn: Khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu; giá dầu thô, giá nguyên liệu cơ bản, lương thực thực phẩm thiết yếu trên thị trường thế giới biến động phức tạp; sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn; TTCK, thị trường bất động sản hoạt động thiếu ổn định; lạm phát ở mức cao cộng với những tác động của thiên tai dịch bệnh đã làm đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn...Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi, cũng có những yếu tố tích cực, đó là tình hình chính trị trong nước tiếp tục ổn định, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hoàn thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao...Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, ngành Tài chính đã phối hợp với các ngành, các cấp và cộng đồng DN tập trung thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, từ đó tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2008.

 

Những thành công ân tượng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ NSNN năm 2008 đã được hoàn thành vượt mức góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nhiệm vụ NSNN 5 năm 2006 – 2010. Dự toán thu cân đối NSNN năm 2008 ước cả năm đạt 399.000 tỷ đồng, vượt 23,5%  so với dự toán, tăng 26,3% so thực hiện năm 2007. Trong đó: Thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) dự kiến cả năm đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 8,3% (15.700 tỷ đồng) so dự toán, tăng 17,6% so thực hiện năm 2007. Các lĩnh vực thu lớn đều đạt và vượt dự toán; các địa phương cơ bản thu đều đạt và vượt dự toán giao. Quy mô thu nội địa (không kể dầu thô) của 63 tỉnh, thành phố có nhiều tiến bộ, năm 2008 có 10 địa phương thu nội địa đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 1 địa phương (Khánh Hòa) so năm 2007; 24 địa phương thu đạt từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng, tăng 4 địa phương (Hưng Yên, Tây Ninh, Quảng Nam và Phú Thọ); chỉ còn 17 địa phương thu dưới 500 tỷ đồng, giảm 1 địa phương (Hà Nam) so năm 2007.

            Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu dự kiến đạt 91.000 tỷ đồng, vượt 41% (26.500 tỷ đồng) so với dự toán. Số thu vượt khá so dự toán chủ yếu trong năm Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chính sách thuế nhằm hạn chế nhập khẩu ở một số mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu (ô tô nguyên chiếc, thiết bị điện tử, vàng,...) và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô (dầu thô, than đá, quặng kim loại,...); đồng thời, do biến động tăng giá của một số mặt hàng chủ yếu (dầu thô, than đá, xăng dầu nhập khẩu, sắt thép, phân bón,...) làm cho số thu từ thuế tăng.

Nhờ có tăng thu nên nhiệm vụ chi NSNN đã hoàn thành dự toán giao, đồng thời có nguồn để bổ sung chi cho các chính sách về an sinh xã hội, tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển. Tổng chi NSNN cả năm ước đạt 474.280 tỷ đồng, vượt 18,9% so với dự toán, bằng 31,9% GDP, tăng 22,3% so với thực hiện năm 2007.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện điều hành chi NSNN theo đúng dự toán đã được Quốc hội quyết định, đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương thắt chặt chi tiêu, rà soát, sắp xếp giảm chi đầu tư các dự án chưa thực sự cấp bách, để tập trung vốn cho các dự án cấp thiết, cấp bách, các dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2008; thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; dự phòng ngân sách các cấp và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN được tập trung cho thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chi NSNN cả năm vượt so với dự toán, chủ yếu để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, như: hỗ trợ dầu hoả thắp sáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo chưa được sử dụng điện; hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân; thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; nâng mức bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú.... Tổng chi NSNN hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội năm 2008 khoảng 42.300 tỷ đồng, tăng khoảng 37.200 tỷ đồng so với thực hiện năm 2007. Ngoài ra, tính đến hết tháng 11/2008 đã cấp không thu tiền trên 40.000 tấn gạo để cứu đói cho đồng bào vùng bị thiên tai. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ thông qua miễn giảm thủy lợi phí và một số loại phí, lệ phí khác; bãi bỏ, giảm các khoản huy động từ nhân dân, góp phần giảm bớt khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

 

Còn đó những khó khăn

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ thu – chi NSNN năm 2008 có thể nhận thấy nhiều điểm sáng ấn tượng. Trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn thì việc điều hành NSNN năm 2008 là tích cực, trong đó mức động viên thu NSNN đạt 26,8%, riêng thuế và phí là 24,9% GDP, thu nội địa chiếm 51,4% tổng thu NSNN (loại trừ yếu tố tăng giá dầu thô thì đạt 23,5% GDP, trong đó thu từ thuế và phí đạt 21,6%; thu nội địa chiếm 59,6% tổng thu NSNN); đảm bảo mục tiêu Quốc hội đã thông qua. Mức bội chi bằng 4,95% GDP khi xây dựng dự toán, giảm 700 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định; đến 31/12/2008, dư nợ Chính phủ (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) bằng 33,5%GDP, dư nợ ngoài nước của Quốc gia bằng 27,2%GDP, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Việc điều hành chi NSNN được thực hiện theo hướng thắt chặt, đồng thời giành nguồn lực để tập trung giải quyết các chính sách về an sinh xã hội, tiếp tục tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển, góp phần duy trì sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội.

Đánh giá chung cho thấy, việc điều hành thu, chi NSNN cũng gắn chặt với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Cụ thể là:

- Chính sách thuế, phí được điều chỉnh theo hướng khuyến khích xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu và khoáng sản thô; tăng cường kiểm soát nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, giảm nhập siêu trong khuôn khổ phù hợp với các cam kết WTO, đồng thời, tiếp tục rà soát, bãi bỏ một số loại phí, lệ phí và các khoản huy động khác để giảm gánh nặng đóng góp của người dân, nhất là nông dân. Đã thực hiện biện pháp kéo dài, giãn thời hạn nộp thuế đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh hoạt động chế biến xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Công tác quản lý, điều hành giá được tổ chức triển khai quyết liệt, đã góp phần tích cực thực hiện kiềm chế lạm phát. 6 tháng đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá các mặt hang xăng, dầu, điện, than, thép, xi măng, giấy, phân bón, thuốc chữa bệnh, nước sạch… Từ cuối tháng 7, căn cứ kết quả kiềm chế lạm phát và điều kiện thị trường, đã từng bước điều hành giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số hang hóa, dịch vụ quan trọng như xăng, dầu,… Việc điều chỉnh giá thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và DN, góp phần chống buôn lậu, khuyến khích sử dụng tiết kiệm; đồng thời, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng gặp khó khăn khi Nhà nước điều chỉnh giá.

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, công tác thu – chi NSNN năm 2008 cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại. Những hạn chế chủ yếu bao gồm: Thứ nhất, thu NSNN tăng nhưng chưa vững chắc, chủ yếu là do giá dầu thô và thuế xuất nhập khẩu. Thực hiện quy định Luật Quản lý thuế, công tác thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu thuế đã triển khai quyết liệt và bước đầu có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nợ thuế còn lớn, một mặt do công tác quản lý còn nhiều khó khăn, mặt khác do tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Chính phủ đã giãn thời gian nộp thuế cho DN trong 6 tháng; Thứ hai, thu NSNN những tháng cuối năm có chiều hướng giảm do sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, tính từ tháng 6 đến nay, tốc độ trung bình giảm xuống chỉ còn khoảng dưới 20%; Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương đã bám sát điều hành dự toán NSNN được giao, nhưng triển khai vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cả từ nguồn NSNN và nguồn trái phiếu Chính phủ, còn chậm; Thứ tư, quản lý chi tiêu ngân sách đã được tăng cường, nhưng vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả; một số nơi chưa thật sự quán triệt thực hiện triệt để tiết kiệm chi NSNN.

            Hy vọng và tin tưởng rằng, trong năm 2009 – một năm tiếp tục đòi hỏi nhiều nỗ lực và tinh thần quyết tâm cao hơn của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, nhiệm vụ tài chính – ngân sách sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới.

Phạm Bình Quang

                                                                                Bộ Tài chính

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)