Thăng trầm chứng khoán
Tháng 11 vừa qua
thực sự là những ngày đầy thử thách đối với TTCK và các NĐT. VN- Index liên tục tụt dốc và phá đáy. Ngày
26/11/2008, một kỷ lục buồn của chứng khoán Việt Nam đã được tạo lập khi
Vn-Index lập đáy mới ở 311,74 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2006. Tại
sàn Hà Nội, HaSTC-Index cũng chính thức xuyên thủng đáy khi mốc 100 điểm-mức
khởi điểm ban đầu tại sàn này.
Nhìn
lại TTCK Việt Nam trong thời gian
qua có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng mất điểm đã kéo dài hầu như liên tục.
TTCK rất nhiều phiên ngập trong sắc đỏ, giao dịch không có đột biến và thế áp
đảo hầu như nghiêng về bên bán. Trong khá nhiều phiên giao dịch, dư bán luôn
kín đặc trên bảng giao dịch, chứng tỏ tấm lý bất ổn cũng như sự lo lắng của NĐT
là rất lớn.
Cuộc khủng hoảng
tài chính – tín dụng Mỹ đang lan rộng và làm trầm trọng thêm bức tranh kinh tế
toàn cầu. Cuộc đại khủng hoảng thị trường tài chính của thế kỷ 21 đã làm cả thế
giới chao đảo. Chưa bao giờ các định chế tài chính hàng đầu thế giới lại sụp đổ
với một tần suất cao như vậy. Bóng ma khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thực sự
đe dọa đến tâm lý của cộng đồng nhà đầu tư (NĐT) tại Việt Nam. Sự tụt dốc không
phanh của TTCK trong nước không nằm ngoài dự báo của nhiều nhà phân tích. Nhiều
chuyên gia nhận định: Nguyên nhân của sự trồi, sụt trên TTCK Việt Nam chịu ảnh
hưởng khá nặng theo những biến động của TTCK thế giới, đặc biệt là Mỹ. Đây cũng
chính là xu thế chung trong vòng gần 2 tháng nay của TTCK Việt Nam. Đặc biệt
khi trong tháng 11 vừa qua đã chứng kiến hàng loạt biến cố và những chấn động
ghê gớm của thị trường tài chính toàn cầu. Ngày 19/11, TTCK Mỹ đã có cú suy
giảm lịch sử khi các chỉ số rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua: chỉ
số Dow Jones xuyên thủng mức đáy 8.000 điểm, chỉ số S&P 500 và Nasdaq rơi
xuống mức thấp nhất từ năm 2003 trở lại đây. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn
của Mỹ mất giá thê thảm: Citigroup giảm 23%, Bank of America giảm 14%, JPMorgan
giảm 12%. Dư chấn nhanh chóng lan khỏi nước Mỹ và làm cho chứng khoán châu Âu,
châu Á ngập chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 của châu Âu rơi xuống
mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản rơi xuống dưới mức
8.000 điểm lần đầu tiên trong 3 tuần qua. Thị trường tài chính – tiền tệ thế
giới lung lay, tình hình kinh tế thế giới cũng đầy u ám: Chỉ số sự tự tin
của người tiêu dùng Mỹ đang sụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử phản ánh tình
trạng kinh tế khó khăn cũng như sự thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, Cục
Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giảm dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế
trong năm 2009 xuống mức thấp và chuẩn bị cho khả năng tiếp tục cắt giảm lãi
suất; lượng xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 7 năm qua; 15 nền kinh
tế thuộc Liên minh châu Âu thông báo tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp, đánh
dấu sự suy thoái đầu tiên kể từ khi hình thành khu vực đồng tiền chung châu
Âu…Những diễn biến này cho thấy “bức tranh” chung của kinh tế thế giới năm 2009
sẽ đầy u ám và vì thế đã khiến cho TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, tác
động xấu đến tâm lý của NĐT trong nước và làm cho TTCK sẽ có những diễn
biến khó lường.
Chứng khoán: Lên hay xuống?
Nhiều chuyên gia
cho rằng, thời điểm này yếu tố ảnh hưởng chính đến sự suy giảm trên TTCK Việt
Nam vẫn là tâm lý. Nhận định về tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới
đang xuống dốc, nhưng điều đó không có nghĩa là kinh tế thế giới đang sụp đổ.
Các chính phủ trên thế giới đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ và chưa từng
trong có tiền lệ để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Đối với các thị trường
đang nổi, mặc dù cũng không thể thoát khỏi hệ quả suy thoái khi thị trường gặp
khó khăn nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia vẫn còn những điểm sáng để
NĐT tìm kiếm cơ hội, trong đó triển vọng của TTCK Việt Nam vẫn là tích cực.
Thực tế tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã minh chứng cho nhận định này,
đó là GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao dựa trên nhu cầu tiêu dùng và
đầu tư nội địa. So sánh với hệ thống tài chính bên ngoài, trong khi hàng loạt
các ngân hàng nước ngoài phá sản, đứng bên bờ vực phá sản hoặc phải kêu gọi cứu
trợ thì hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang ổn định… Đáng chú ý là trong thời
gian qua, nhiều chính sách vĩ mô tiếp tục được đưa ra nhằm ổn định nền kinh tế.
Đầu tiên phải kể đến là việc tín dụng cho bất động sản sẽ được nới lỏng hơn.
Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để bảo đảm tính thanh khoản và
tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng xem xét cho
vay trở lại đối với những dự án bất động sản khả thi, có hiệu quả và khả năng
trả nợ đúng hẹn. Đặc biệt từ ngày 21/11/2008 lãi suất cơ bản tiếp tục được hạ
nhiệt. Đây là lần thứ ba trong vòng 2 tháng qua, lãi suất cơ bản và nhiều mức
lãi suất VND khác được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm trong một nhóm các
giải pháp tiền tệ nhằm hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng và thúc đẩy sản xuất.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn tỷ đồng
cung cấp cho hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo tính thanh khoản và có nguồn vốn
hỗ trợ các DN trong nước.
Diễn biến TTCK thời gian qua cho thấy, dường như đã có sự
lo lắng thái quá của NĐT trong nước khi chứng kiến cuộc khủng hoảng từ thị
trường tài chính Mỹ. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, những khó khăn của
nền kinh tế Việt Nam chưa phải là đã hết, và phía trước TTCK Việt Nam vẫn đang
còn không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhận định chung đều cho rằng,
yếu tố quyết định sự ổn định cũng như tăng trưởng của TTCK một phần quan trọng
thuộc về yếu tố nội. Sự biến động của TTCK Việt Nam chủ yếu do những vấn đề nội
tại của nền kinh tế và tâm lý của NĐT hơn là các tác động trực tiếp từ bên
ngoài. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định TTCK Việt
Nam đủ sức chống đỡ trước cơn “bão” ngoại. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà
nước cũng đã trình Chính phủ đề án chống khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh
trong các tình huống.
Từ nay đến cuối
năm nhìn chung TTCK sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do những vấn đề của
kinh tế vĩ mô. Theo nhận định của một số chuyên gia, những khó khăn hiện tại
của nền kinh tế Việt Nam mà đặc biệt là những “căn bệnh” thuộc về cơ cấu của
nền kinh tế vẫn còn đó và sẽ kéo dài ít nhất 12 tháng tới. Như vậy, TTCK chưa
thể có sự đột phá trong ngắn hạn, còn nếu có điều chỉnh thì cũng sẽ không mạnh,
sâu như trước. Các chuyên gia cũng cho rằng TTCK luôn rất nhạy cảm trước những
chỉ số của nền kinh tế và nó sẽ có những điều chỉnh khả quan trong nửa cuối năm
tới, trước khi nền kinh tế phục hồi và vì vậy, đầu tư lâu dài vào thời điểm này
vẫn là hợp lý nhất.
Câu
hỏi được nhiều NĐT quan tâm hiện nay là: VN-Index sẽ giảm đến mức nào? Đây thực
sự là một câu hỏi rất khó, vì các TTCK thế giới đang diễn biến khó lường, nên
sẽ rất khó xác định diễn biến tới đây của TTCK Việt Nam. Chính sự khó phán đoán
của thị trường trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều
NĐT dừng mua bán. Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, hiện tượng lệnh mua
chặn ở mức giá sàn được đưa ra khá nhiều. Điều này cho thấy, vẫn có đối tượng
gom hàng, nhưng chỉ chấp nhận mua với giá rẻ. Do đó, khi thị trường tiếp tục
xuống thấp, sẽ vẫn có người mua và đây chính là sức cản để thị trường không thể
xuống quá sâu…Theo một số chuyên gia thì việc đưa ra dự đoán vào lúc này là
không dễ khi sự đi xuống của tình hình chứng khoán thế giới đang tác động đến tâm
lý của NĐT trong nước và tạo ra tâm lý rút lui vẫn bao trùm toàn thị
trường. Trên biểu đồ VN- Index, có thể
nhận thấy xu hướng chủ đạo của thị trường là đi ngang, nó cho thấy tâm
lý e dè cũng như sự ngập ngừng, lo ngại của NĐT về một đợt tăng giá mới chưa
bền vững và khó ổn định. Thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng nào trong thời
gian tới tùy thuộc vào những thông tin vĩ mô sắp tới, cả từ trong nước lẫn thế
giới, đặc biệt là sự ổn định tâm lý của NĐT.