KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
MAY RỦI VỚI VÀNG
Trong bối cảnh kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản sụt giảm, việc đầu tư vào vàng và lên sàn giao dịch vàng được xem như một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút khá đông NĐT tham gia. Tuy nhiên, không ít NĐT sau một thời gian hào hứng với vàng đã trở nên “vàng mắt” vì thua lỗ.
May rủi với vàng

Đặt cược vào vàng

Thời điểm những tháng đầu năm 2008, TTCK Việt Nam bước vào đợt giảm giá, thị trường địa ốc “đứng giá” trong khi đó, thị trường tiền tệ cũng có những xáo trộn nhất định. Nhiều NĐT đau đầu tìm “điểm đến” cho đồng vốn và họ đầu tư vào vàng là một giải pháp đang được nhiều người chọn lựa. Không ít NĐT cho biết lý do chọn đầu tư vào vàng vì mặt hàng này không cần nhiều vốn mà lời nhanh. Năm 2007, giá vàng tăng tới 37% và đã tăng thêm 30% nữa chỉ trong 4 tháng đầu năm nay. Rất nhiều  NĐT coi vàng là địa chỉ gửi vốn an toàn. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Thời điểm này, nỗi lo lắng về bất ổn kinh tế khi lạm phát leo thang càng kích thích tâm lý tích trữ vàng của đủ mọi đối tượng khiến giá vàng trong nước thời điểm tháng 7, tháng 8/2008 cao hơn thế giới cả triệu đồng mỗi cây cũng không làm người mua bận tâm. Cảnh mua bán vàng diễn ra sôi động, nhộn nhịp chưa từng có. Theo thống kê của các ngân hàng Việt Nam, vào những ngày giao dịch sôi động, giá trị mua bán vàng trên thị trường Việt Nam lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều quy mô của TTCK trong những phiên “bùng nổ”. Làn sóng mua vàng diễn ra nóng bỏng, quyết liệt với niềm tin giá vàng sẽ còn tiếp tục leo cao.

Nhưng hy vọng lắm thì thất vọng nhiều. Sau khi liên tục leo dốc đi lên, từ tháng 9/2008 giá vàng bắt đầu uể oải và dần tụt dốc. Cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà đất của Mỹ đã châm ngòi cho sự “bùng nổ” của khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới. Nỗi lo tiêu thụ suy giảm khiến các nhà đầu cơ vàng bán tháo thứ kim loại quý hiếm này trên thị trường thế giới. Đặc biệt mốc biến động chưa từng có trong lịch sử thị trường vàng thế giới đêm 16/9/2008 đã giáng một đòn chí mạng vào niềm tin của NĐT Việt Nam. Thời điểm giữa tháng 8/2008, giá vàng tụt dốc thảm hại khi có lúc chỉ sau một đêm, vàng giảm gần 1 triệu đồng mỗi lượng. Rất nhiều NĐT bàng hoàng tự hỏi tại sao giá vàng lại có bước nhảy quá nhanh như vậy? Đã có nhiều người mất cả sản nghiệp khi thị trường tụt dốc không phanh. Nhận định về sự mất mát quá lớn của các NĐT vàng ở Việt Nam, một số chuyên gia cho hay, trong thời điểm hệ thống sàn giao dịch của Việt Nam còn chưa liên thông được với sàn giao dịch thế giới, NĐT nội thường rơi vào thế bị động. Chưa kể những biến động về tình hình chính trị, tỷ giá ngoại tệ, giá dầu... trên thế giới, chỉ cần chênh lệch múi giờ giao dịch đêm – ngày giữa Việt Nam và thị trường Mỹ đã khiến NĐT vàng Việt Nam “lĩnh đủ” những rủi ro. Cũng theo các chuyên gia, khủng hoảng lan rộng và tác động tiêu cực đến tương lai kinh tế thế giới là điều không ai có thể lường trước. Cũng như chẳng ai có thể dự báo giá dầu vùn vụt tăng tới 147 USD/thùng, để rồi lại tụt không phanh xuống ngưỡng dưới 60 USD/thùng. Thời điểm này, khi “tiền mặt là vua”, giá vàng sẽ tiếp tục hạ do các quỹ đầu tư quốc tế phải bán các hợp đồng tương lai để bù đắp các khoản lỗ ngày càng lớn hơn khi đầu tư vào chứng khoán và bất động sản…

 

Để hạn chế rủi ro khi đầu tư vàng?

Đầu tư vàng thường theo hai trường phái: Trường phái thứ nhất dựa vào thông tin thị trường, đánh giá các chỉ số kinh tế để đầu tư dài hạn. Trường phái thứ thứ hai mang tính ngắn hạn, dùng phân tích kỹ thuật và dự đoán ngưỡng tâm lý của người chơi trên thị trường tại các thời điểm để quyết định bán lúc “gần đỉnh” và mua lúc “gần đáy”, giống như “lướt sóng” chứng khoán. Do yếu tố tâm lý của nhiều NĐT nhỏ Việt Nam “mọi người làm sao thì mình làm vậy”, dẫn đến tình trạng giá vàng xuống là mọi người đổ ra bán ào ào. Khi giá vàng ở mức thấp, theo qui luật cung cầu, sẽ có tình trạng mua vào và làm cho giá vàng lên cao trở lại. Vì vậy, phương thức thứ hai hấp dẫn hơn vì dễ thực hiện và có khả năng thu được lợi nhuận cao trong ngắn hạn nên được khá nhiều NĐT nhỏ lẻ áp dụng.

Để có thể mua được lúc rẻ, bán được lúc cao, điều quan trọng nhất với mỗi NĐT vàng chính là nhận định thời cơ. Giá vàng quốc tế được quyết định bởi nhiều yếu tố: lạm phát trên thế giới, “sức khỏe” đồng USD, giá dầu mỏ, tình hình chính trị tại các khu vực nóng, quan hệ cung - cầu của giới đầu tư... Trong tình hình kinh tế trì trệ, giá vàng càng thêm bất ổn. Chỉ một yếu tố làm gián đoạn khả năng cung cấp ổn định dầu mỏ của OPEC cũng có thể làm giá vàng bùng lên. Hay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định không tăng lãi suất cơ bản đồng USD, làm cho giá trị đồng tiền này yếu đi, cũng tạo cơ sở cho giới đầu tư đẩy mạnh mua vào làm giá vàng tăng đột biến. Còn khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá mạnh thì giới đầu tư quay sang  “trú ẩn” vào vàng, càng làm cho nhu cầu mua vàng lên cao. Mối quan hệ giữa vàng – dầu, vàng – USD, vàng – lạm phát... là không tách rời. Nếu NĐT không dự đoán được các yếu tố trong mối quan hệ này trước khi quyết định mua – bán thì rủi ro rất lớn.

Theo các chuyên gia, để thành công trong mua bán vàng, NĐT phải có một số tiêu chí nhất định như: số vốn lớn vì giá mua, bán chênh lệch khá cao, am hiểu thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là phải có tính quyết đoán, sự thận trọng trước những thay đổi của thị trường. Theo ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, các NĐT vàng cần xác định cho mình một quan điểm kinh doanh: “rủi ro thấp - lợi nhuận thấp” hay “rủi ro cao - lợi nhuận cao”. Nếu lựa chọn “rủi ro cao - lợi nhuận cao” thì NĐT cần có một cái “đầu lạnh” và “máu lạnh”. NĐT cần xây dựng phương án kinh doanh, đầu tư và phương án tài chính cho mình. Ngoài ra, NĐT cần xây dựng riêng cho mình một “quy chế” kinh doanh, số tiền tối đa dùng vào đầu tư vàng, loại vàng và hình thức đầu tư, mức lỗ tối đa có thể chấp nhận, tận dụng tối đa các nguồn thông tin tư vấn có kinh nghiệm, có sự chọn lọc. Ông Châu cho biết thêm, trong những năm qua, đa số các NĐT cá nhân thực hiện theo hướng chọn rủi ro rất cao để lấy lợi nhuận cao. Khi thấy có lời một chút thì NĐT chốt ngay lợi nhuận, còn khi bị rủi ro thì thường để đó tới đâu thì tới. Và kết quả là mức lỗ nhiều khi nhiều hơn mức thu lời.

Trong đầu tư cơ hội thắng lớn thường đi liền với rủi ro lớn. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, khi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đánh vàng trên sàn, NĐT cần chia nhỏ vốn ra (bảo đảm tối thiểu theo quy định của sàn giao dịch) để đánh nhiều lần nhằm giảm xác suất rủi ro, tăng cơ hội thắng. Ông Anbert Cheng, Tổng giám đốc Hội đồng Vàng thế giới khu vực châu Á chia sẻ: Tôi cũng đầu tư vào vàng nhưng chỉ rót vào một phần vốn, còn lại phân bổ cho chứng khoán, tiền tệ, bất động sản hay các loại hình khác. Tôi khuyên NĐT không nên đổ hết tiền vào vàng mà nên đa dạng hóa danh mục. Nên mua vàng vào nhiều thời điểm với nhiều mức giá khác nhau phù hợp với tình hình chung. Hiện nhu cầu vàng để đầu tư, đầu cơ tăng rất cao cho nên giá có lúc không phản ánh đúng tình hình kinh tế, chính trị của thế giới nên NĐT cần cẩn trọng…”. Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Trung Khánh,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết thêm: Nếu đầu tư tôi chỉ dành  1/4 cho vàng vì dù tính an toàn, thanh khoản cao nhưng buôn bán vàng vẫn thua lỗ như các loại đầu tư khác. Khi chưa có kinh nghiệm, phân tích thông tin đầy đủ thì bạn không nên quá mạo hiểm vào vàng. Nên nhớ càng lợi nhuận cao càng rủi ro nhiều, nếu muốn bảo toàn vốn và hạn chế rủi ro nên chọn những sàn có biên độ thấp nơi thu lợi nhuận ít nhưng thua lỗ cũng sẽ không nhiều. Sắp tới có nhiều sàn giao dịch vàng, NĐT sẽ có nhiều lựa chọn hơn về mức phí, dịch vụ, công nghệ, sản phẩm… nhưng cũng sẽ đối mặt với cạnh tranh, rủi ro  nhiều hơn.

Đúng là yêu vàng…  cũng vàng mặt.

                                                                                             Ngọc Lan
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)