Vượt qua năm 2008 đầy thách thức và biến động bởi những ảnh
hưởng to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công tác thu ngân sách
năm 2008 đã về đích thành công. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số thu nội
địa năm 2008 ước đạt 309.000 tỷ đồng, vượt 21,2% dự toán và tăng 23% so với số
thu năm 2007, nếu loại trừ số thu từ dầu thô, thu nội địa tăng 21,1% so với năm
2007. Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết: Nét nổi bật nhất trong công tác thu ngân
sách năm 2008 là mặc dù nền kinh tế phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách
thức và biến động khó lường, nhiều khoản thu giảm mạnh vào những tháng cuối
năm, nhưng tổng thu nội địa (trừ dầu) vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Quy mô thu nội địa (không kể
dầu thô) của 63 tỉnh, thành phố có nhiều tiến bộ, năm 2008 có 10 địa phương thu
nội địa đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 1 địa phương so với năm 2007. Đặc biệt, số thu từ khu vực DN đạt tốc độ tăng trưởng cao
nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, một điểm nhấn đáng mừng là khu vực DNNN đã
“bắt nhịp” được với sự phát triển, khi số nộp ngân sách đã đạt mức tăng trưởng
30,6%. Khu vực DN dân doanh ngày càng trở nên quan trọng của nền kinh tế, tiếp
tục duy trì tốc đột tăng trưởng, khi số thu ngân sách tăng trên 33%…
Bên cạnh niềm vui lớn, bước vào năm mới 2009 cũng đang
thường trực nỗi lo lớn đối với toàn ngành Tài chính về công tác thu ngân sách.
Các dự báo cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tiếp tục lan rộng trên
quy mô toàn cầu và chưa có khả năng kết thúc sớm. Mức độ trầm trọng của khủng
hoảng tài chính toàn cầu và chiều hướng suy thoái của kinh tế thế giới đang tác
động rõ hơn, nhiều hơn và trực tiếp hơn đến nền kinh tế nước ta trên tất cả các
lĩnh vực: sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, du lịch… Những tác động nêu trên sẽ ảnh
hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, việc làm và cán cân thanh toán tổng thể của nền
kinh tế, đặt ra những nhiệm vụ nặng nề trong việc ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh
xã hội, gây áp lực lớn đến khả năng thu và tạo áp lực tăng chi NSNN năm
2009.
Năm 2009, nhiệm vụ tài chính – NSNN được giao rất nặng nề.
Trong đó, dự toán
thu nội địa (không kể dầu thô) phải đạt mức 233.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với ước
thực hiện năm 2008; không kể thu tiền sử dụng đất (21.000 tỷ đồng theo đăng ký
của các địa phương) tăng 15,8% so ước thực hiện năm 2008. Dự toán thu cân đối
ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt
88.200 tỷ đồng, bằng 97% so ước thực hiện năm 2008... Tổng hợp chung, dự
toán thu cân đối NSNN năm 2009 phải đạt
mức xà 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% GDP.
Cơ cấu thu năm
2009 tiếp tục chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng
từ 51,3% năm 2008 lên 59,8% năm 2009; tỷ trọng thu dầu thô giảm từ 24,6% xuống còn
16,3% năm 2009... Trong điều
kiện tình hình kinh tế còn khó khăn, đồng thời việc thực hiện các Luật thuế
TNDN (sửa đổi), Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế thu nhập cá
nhân với nhiều ưu đãi hơn nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, trước
mắt sẽ làm giảm thu ngân sách, một số khoản thu tăng đột xuất trong năm 2008 sẽ
không phát sinh trong năm 2009, thì dự toán thu nêu trên là mức cao, còn nhiều
rủi ro, đòi hỏi sự phấn đấu rất quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương.
Nhận định về những áp lực trong thu ngân sách năm
2009, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009, Bộ
trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn
Ninh cho biết: “Chưa tính đến việc giảm thu do tình hình sản xuất - kinh doanh
năm 2009 gặp nhiều khó khăn, giảm thu do thực hiện các chính sách thuế mới và
do giảm thuế TNDN cho các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn (khoảng 20.000 tỷ đồng),
riêng giảm thu do giá dầu giảm ít nhất ngân sách cũng giảm thu khoảng 40 -
50.000 tỷ đồng”. Theo Bộ trưởng
Vũ Văn Ninh, chưa bao giờ ngành Tài chính gặp khó khăn trong cân
đối thu - chi ngân sách như năm 2008, tuy nhiên theo ông việc cân đối năm 2009
còn khó khăn hơn rất nhiều, do tốc độ xuất khẩu giảm sẽ khiến nhiều DN thu hẹp
sản xuất - kinh doanh; trong 8 tháng đầu năm 2008 lãi suất liên tục bị đẩy lên
khiến DN khó tiếp cận vốn phải thu hẹp sản xuất, từ tháng 9 năm 2008 trở lại đây, lãi suất đã trở lại mức bình
quân của năm 2007, nhưng đầu ra gặp khó khăn nên việc mở rộng hoạt động, thậm
chí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của không ít DN vẫn tiếp tục gặp
khó khăn…
Năm 2009 cũng là năm nhiều áp lực
đối với ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong nhiều lĩnh vực
công tác quan trọng, đó là Tổ chức triển khai tốt Luật thuế Thu nhập cá nhân,
Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế TNDN (sửa đổi) ngay từ
01/01/2009 trong phạm vi toàn quốc; Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện
đại hoá toàn diện hệ thống thuế theo lộ trình đã được Thủ tướng chính phủ phê
duyệt và kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Tiếp tục đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính thuế nhằm phục vụ người nộp thuế tốt nhất; Thực hiện
tốt chương trình phòng và chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết
kiệm.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng "trong bóng
tối lại mới nhìn thấy sáng". Với bối cảnh nửa cuối năm 2008, Chính phủ và
ngành Tài chính đã có những biện pháp quyết liệt. Và đáng mừng là những chính
sách này đã bước đầu có những thành công với con số hàng chục ngàn tỉ tiết kiệm
từ chi tiêu, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; giảm nhập siêu và tăng cường xuất
khẩu... Vì thế, quyết tâm này cần phải tiếp tục duy trì trong năm 2009. Theo
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, trên cơ sở nhận
định, đánh giá bối cảnh năm 2009, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đặt ra
cho toàn ngành Tài chính năm 2009 là: Đảm bảo mức động viên NSNN tích cực; cơ
cấu lại chi NSNN, ưu tiên chi cho con người và an sinh xã hội, kiểm soát chặt
chẽ chi tiêu, giảm dần bội chi NSNN, góp phần tiếp tục kiềm chế và giảm dần lạm
phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng
trưởng kinh tế tăng hợp lý và bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao
chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc, tạo bước chuyển biến mới về chấp
hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức toàn ngành
tài chính.
Theo Bộ trưởng
Vũ Văn Ninh, để thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ NSNN năm 2009 và nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2006-2010, ngành
Tài chính sẽ tập trung tổ chức triển khai 30 giải pháp cụ thể thuộc 8 nhóm giải
pháp. Liên quan đến “mặt trận” thu ngân sách, để có thể hoàn thành thắng
lợi mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ đã giao cho, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh đến những
công tác quan trọng mà ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai ngay từ những
tháng đầu, quý đầu của năm 2009, trong đó: Nhiệm vụ quan trọng trước hết là
thực hiện chính sách tài chính linh hoạt nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô,
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất
khẩu, đảm bảo tăng trưởng hợp lý…Theo đó, Ngành Tài chính sẽ thực hiện điều
chỉnh chính sách thuế theo hướng tạo điều kiện DN phát triển sản xuất, kinh
doanh, đẩy mạnh xuất khẩu như giảm 30% số thuế TNDN phải nộp quý IV/2008 và số
thuế TNDN phải nộp của cả năm 2009 cho DN nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế
TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2009 (số thuế còn lại sau khi giảm); tạm
hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá xuất khẩu cho DN chưa chưa có chứng từ
thanh toán qua ngân hàng nhưng có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng; giãn thời
gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cần thiết phù hợp với
chu kỳ sản xuất, tiêu thụ; thực hiện miễn, giảm, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí
để tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của DN; điều chỉnh thuế xuất
khẩu, thuế tài nguyên nhằm giữ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước; điều
chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, kiềm
chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Một giải pháp quan trọng khác mà ngành
Tài chính tập trung là đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp DNNN; Tiếp tục hoàn
thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý tài chính DN theo hướng nâng cao
quyền chủ động của DN, đảm bảo sự quản lý, giám sát, đánh giá của Nhà nước, xã
hội đối với các hoạt động của DN; Tăng cường kiểm tra, giám sát, duy trì thực
hiện chế độ kiểm toán kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn
kinh tế, tổng công ty nhà nước, thực hiện chính sách công khai, minh bạch thông
tin về hoạt động của DN... Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng tăng cường đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế, hải quan, nâng cao hiệu
lực của bộ máy nhà nước; Cải cách thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập
khẩu, rút ngắn thời gian thông qua, đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế đối với
nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo đúng
quy định của pháp luật, công bố công khai kết quả xử lý. Phối kết hợp chặt chẽ
để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng như tránh bỏ sót
đối tượng cần kiểm tra…
Năm 2009- 2010 là 2 năm cuối triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 -
2010 đã được Quốc hội quyết định. Vì vậy, kết quả thực hiện năm 2009 có ý nghĩa
và tầm quan trọng đặc biệt, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ NSNN trong kế
hoạch 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 -
2010. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang có xu thế phát triển chậm lại do ảnh
hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính
là rất nặng nề. Tuy nhiên, hy vọng và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo
sâu sát của Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các Bộ,
cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố và cộng đồng DN, đặc biệt là sự phấn
đấu cao độ của cán bộ, công chức ngành Tài chính, công tác tài chính – ngân
sách nói chung và công tác thu ngân sách năm 2009 nói riêng sẽ vượt qua “giông
bão” và thách thức, mang tới những ấn
tượng mới - đẹp và mạnh mẽ hơn.
Hải Yến
Bộ Tài chính