KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM: VƯỢT QUA SÓNG GIÓ
Năm 2008 khép lại với biết bao sự kiện, diễn biến phức tạp và khó lường của nền kinh tế thế giới, cũng là năm hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong hơn hai mươi năm đổi mới....
Hoạt động ngân hàng Việt Nam: Vượt qua sóng gió

Đối mặt với thách thức

Áp lực và thách thức lớn nhất trong hoạt động ngân hàng  năm 2008 chính là việc điều hành chính sách lãi suất. Chưa có năm nào lãi suất lại có những diễn biến bất ngờ như năm 2008. Sau những điều chỉnh của lãi suất cơ bản (LSCB), lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt thay đổi theo tạo nên rất nhiều kịch tính trên thị trường tiền tệ. Để chống lạm phát, từ ngày 1/2 đến ngày 11/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần tăng LSCB từ 8,25% lên tới 14%. Quyết định này khiến thị trường tiền tệ bước vào "cơn sóng" lớn, các NHTM bước vào cuộc đua lãi suất vô cùng quyết liệt. Hậu quả là nhiều ngân hàng cổ phần đứng trước nỗi lo mất thanh khoản. Các DN gặp rất nhiều khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay. Sau hơn bốn tháng, chính sách tiền tệ thắt chặt đã chuyển sang nới lỏng với việc LSCB liên tục được cắt giảm. Từ ngày 21/10 đến cuối năm, chỉ trong vòng 2 tháng, NHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm LSCB đưa từ 14% về 8,5%/năm. Ngay sau quyết định này, cuộc đua hạ lãi suất của các NHTM chính thức bắt đầu với làn sóng hạ lãi suất lan rộng, đưa biểu lãi suất cho vay VND trên thị trường về mức trước thời điểm xảy ra lạm phát. Thực tế, sau những động thái chính sách của NHNN, các NHTM đã hạ thấp lãi suất cho vay. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn nền kinh tế của các NHTM trong tháng 12/2008 phổ biến ở mức 12-13%/năm. Đối với một số dự án, lĩnh vực sản xuất ưu tiên như đối tượng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, một số NHTM chỉ cho vay ở mức 10-11%/năm.  Đây là tín hiệu đáng mừng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, song theo nhiều đánh giá, việc hạ lãi suất quá nhanh cũng gây nên sức ép lớn cho các ngân hàng nhỏ. 

            Bên cạnh sự đảo chiều đầy biến động của lãi suất, năm 2008 cũng cần phải nói đến một thách thức to lớn khác- đó chính là sự bất ổn của tỷ giá. Năm qua thị trường tỷ giá biến động rất phức tạp. Đầu năm 2008, tỷ giá còn dao động quanh mức 16.000 – 16.200 VND/USD, đến giữa tháng 3/2008, tỷ giá “sụt hố” xuống còn 15.400 VND/USD. Đột ngột, trung tuần tháng 6/2008, tỷ giá USD/VND đột ngột đảo chiều và tăng với tốc độ chóng mặt, có thời điểm giá thị trường tự do lên tới 19.000-19.800 VND/USD, tạo nên cơn sốt USD trên cả thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường tự do. Những nguyên chính dẫn tới việc tỷ giá tăng cao bao gồm: Dòng tiền ngoại hối vào và ra không khớp nhau khi khối nhà đầu tư nước ngoài dồn vốn để đầu tư vào đầu năm và rút vốn ồ ạt tại thời điểm tháng 5, tháng 6 và quý IV/2008; Yếu tố tâm lý bất ổn dẫn tới việc găm giữ ngoại tệ trên cả thị trường từ DN, nhà đầu tư và các đối tượng dân cư, thể hiện rõ nhất trong giai đoạn giữa tháng 6/2008.

Trong thời điểm biến động đó, NHNN đã thể hiện được vai trò điều hành thị trường khi đã thực hiện những biện pháp can thiệp quyết liệt, đúng lúc và đồng bộ góp phần bình ổn tâm lý, tăng nguồn cung cho thị trường. Để tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, NHNN Việt Nam đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND 3 lần trong năm - một mật độ chưa từng có trong lịch sử (10/3: ±1%; 27/6: ±2%; 6/11: ±3%). Trước đó, trong vòng 6 năm (2002 – 2007) biên độ tỷ giá cũng chỉ được điều chỉnh có 3 lần (01/7/2002: ± 0,25%; 31/12/2006: ± 0,5%; 24/12/2007: ±0,75%). Năm 2008 cũng ghi nhận sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN đã công khai dự trữ ngoại hối quốc gia 20,7 tỷ USD khi có các thông tin trên thị trường cho rằng USD trên thị trường Việt Nam đang trở nên khan hiếm. Việc công khai các thông tin về dự trữ ngoại hối quốc gia là một bước đi trong quá trình hội nhập, tiến tới minh bạch hoá và công khai hoá các số liệu tài chính

            Một thách thức nữa trong bức tranh về hoạt động ngân hàng năm 2008  đó là áp lực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những tác động không thuận đến hoạt động ngân hàng Việt Nam. Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà tại Mỹ lan rộng thành khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến hồi kết thúc và đang tiếp tục đẩy tình trạng nợ xấu, vỡ nợ leo thang khiến số lượng ngân hàng ở Mỹ và ở nhiều nền kinh tế khác bị đóng cửa ngày càng tăng. Những thách thức mà các nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2008 diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Theo đánh giá của Chính phủ và NHNN, hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa có mối liên hệ trực tiếp với thị trường tài chính thế giới nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Phản ứng đầu tiên của các ngân hàng trong nước là rút bớt tiền gửi ở nước ngoài về, đóng bớt tài khoản thanh toán quốc tế. Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam khẳng định tiếp tục duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn. Một ảnh hưởng cụ thể từ cuộc khủng hoảng này được xét đến ở những biến động trên thị trường ngoại tệ và xu hướng tăng lên của tỷ giá USD/VND… Tuy nhiên, ở những ảnh hưởng gián tiếp, cuộc khủng hoảng tài chính, và nối tiếp là suy thoái kinh tế toàn cầu, đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước vào khó khăn, dẫn đến quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại bị ảnh hưởng nhất định. Nửa đầu năm gồng mình với khó khăn thanh khoản, lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là năm đầu tiên trong khoảng 5 năm trở lại đây nhiều thành viên buộc phải điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận đặt ra từ đầu năm; chiến lược tăng tốc nhanh được chuyển sang thận trọng, ổn định và yếu tố an toàn, tăng cường quản trị được đặt lên hàng đầu. Với lãi suất huy động cao trong phần lớn thời gian của năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, tín dụng bất động sản và tiêu dùng thu hẹp, đầu tư tài chính khó khăn…, dự kiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại năm 2008 sẽ không đạt mục tiêu đề ra, kể cả mục tiêu đã được điều chỉnh.

 

2009 – Nỗ lực vượt qua sóng cả

Do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới  trong năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008; các nước phát triển có khả năng suy thoái, các nước mới nổi và đang phát triển suy giảm hoặc tăng trưởng ở mức thấp. Tiết kiệm, đầu tư và khối lượng vốn luân chuyển ở các nền kinh tế suy giảm hoặc tăng trưởng với mức độ thấp so với các năm trước. Tình hình này tác động bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế của nước ta, vì vậy hoạt động ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn trong năm 2009. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng phải xác định trọng tâm để hành động, tập trung sức mạnh tổng hợp duy trì tốc độ tăng trưởng bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững.

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt, NHNN xác định mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ hoạt động ngành Ngân hàng trong năm 2009. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2009 tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp lớn sau:

Nhiệm vụ quan trọng trước hết là toàn ngành Ngân hàng tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về ngân hàng phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, cụ thể là tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện các qui định về ngoại hối,về đảm bảo an toàn, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng…..

Chính  sách  tiền  tệ bám sát mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, ổn định thị trường  tiền  tệ và bảo đảm an toàn  hệ  thống  ngân hàng trước  những  biến  động  của  tình  hình  tài  chính  quốc  tế. Để  đạt  được  mục tiêu đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, kết hợp hài hoà, linh hoạt giữa điều hành tỷ giá và lãi suất; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo nhất quán giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả công tác thống kê, dự báo,  phản ứng kịp thời trước những diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế; đảm bảo tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Phát triển vững chắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội và phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn đó cho đầu tư phát triển sản suất. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước.

 Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thanh tra, giám sát ngân hàng và các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đi đôi với việc củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra ngân hàng…

Nhìn lại những thành quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng năm 2008, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, bước sang năm 2009, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2009.

 

                                                                                Trần Minh Quang
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)