Năm 2008 qua đi
và để lại nhiều dư vị khó quên đối với các nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán. Từ mức
927 điểm của VN - Index ngày 1/1/2008, TTCK Việt Nam đã “liên tục” lao dốc để
tụt xuống mốc 305 điểm ngày 31/12/2008, nằm ngoài tưởng tượng của hầu hết các
NĐT. Từ mức 30 tỷ USD vào đầu năm, đến
cuối năm giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn 13 tỷ USD, tương đương 17% GDP,
VN-Index mất gần 70% giá trị…TTCK suy giảm đã làm cho các NĐT
tham gia thị trường đều thất bại và thua lỗ. Tác động của suy thoái kinh tế
toàn cầu - hậu quả của khủng hoảng tài chính quốc tế cùng những yếu tố nội tại
khác đã đẩy TTCK liên tục rơi sâu. Để
TTCK Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển, đủ sức chống đỡ với tác động xấu
của bão khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, thì một yêu cầu quan trọng là
phải đảm bảo thông tin kịp thời, minh bạch trên TTCK – đây được coi là giải
pháp tạo niềm tin tốt nhất cho các NĐT và là động lực để TTCK phục hồi và phát
triển.
Khi lòng tin sứt mẻ
Thực tế hoạt động TTCK cho thấy, trong bối cảnh thị
trường suy giảm và tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn thì các công ty niêm yết
càng cần phải quan tâm đến công tác quan hệ cổ đông; chú trọng đến việc đảm bảo
cung cấp thông tin kịp thời và minh bạch. Đối với TTCK Việt Nam, đến thời điểm
này đã trải qua 8 năm hoạt động, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, thì
một thực tế cần phải thừa nhận đó là
việc minh bạch thông tin trên TTCK còn đang có không ít hạn chế.
Tính từ đầu năm
2008 lúc Vn-Index ở mức 921,07 điểm cho đến ngày ngày 31/12/2008, TTCK Việt Nam
đã “liên tục” lao dốc để tụt xuống mốc 305 điểm, chỉ số này đã mất đi khoảng
67%. Sự sụt giảm mạnh mẽ này đã khiến rất nhiều NĐT trở nên thua lỗ nặng, thậm
chí cả những người đã từng thành công trong năm 2007 cũng trở nên thua lỗ. Vậy
còn những DN niêm yết tham gia đầu tư tài chính thì sao? Câu trả lời là họ cũng
bị thua lỗ. Tuy nhiên cách hành xử của họ đối với khoản thua lỗ từ hoạt động
tài chính này lại rất khác nhau. Có một vài DN đã công khai các khoản thua lỗ
này để thể hiện sự minh bạch trong báo cáo tài chính của mình, điển hình là
CTCP Cơ điện lạnh (REE) và CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC)…Ngoài ra một số DN
như CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA),
CTCP Hòa Bình (HBC)…cũng có cuộc gặp gỡ với các NĐT nhằm giải đáp mọi thắc mắc,
cũng như làm rõ về tính chính xác của các thông tin được công bố và những dự
kiến về kết quả kinh doanh năm 2009 của Công ty.
Phải khẳng định
rằng tất cả những cuộc gặp gỡ này rất cần thiết cho NĐT và cho TTCK vào thời
điểm nhạy cảm như vừa qua, dù công ty niêm yết kinh doanh thuận lợi hay đang
khó khăn, thua lỗ. Tuy nhiên, nhìn nhận lại những trường hợp như vừa nêu trên
còn quá ít ỏi trên TTCK Việt Nam. Trước đây, nhiều công ty khi lên niêm yết,
phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược đã tổ chức các sự kiện lớn, mời
chuyên viên phân tích, quỹ đầu tư, đối tác đến dự, nhằm đánh bóng cho cổ phiếu,
cho DN mình, thu hút NĐT. Còn trong bối cảnh TTCK suy giảm và tình hình kinh tế
khó khăn thì rất ít công ty quan tâm đến công tác quan hệ cổ đông. Đây cũng là
một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty suy giảm quá
mức. Tồi tệ hơn khi thực trạng u ám về tài chính, tình hình
kinh doanh –đầu tư của các công ty niêm yết được phơi bày, lòng tin của các NĐT bị sứt mẻ nghiêm trọng, và từ đó làn sóng
tháo chạy khỏi những cổ phiếu này bắt đầu xuất hiện. Trường hợp “rơi tự
do” của cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) thời
gian qua là một dẫn chứng tiêu biểu. Với việc “ra đi không hẹn ngày trở lại” của các NĐT tổ chức, cổ
phiếu PPC đã rớt giá mạnh trong thời gian qua, vào ngày 25/11/2008 chỉ còn
19.000 đồng, mức thấp nhất kể từ khi chào sàn. Vì đâu PPC đến nông nỗi này? Ngày
25/11/2008, HoSE đã có công văn cảnh cáo PPC về việc công bố thông tin không
kịp thời gây hiểu lầm cho NĐT.
Cụ thể là tại thời điểm lập báo cáo tài chính quí 3
- 2008, Công ty đã không dự báo cho NĐT biết chi phí tài chính về việc xác
định lại tỷ giá là 584,2 tỉ đồng. Chi phí này phát sinh từ việc khoản nợ vay
của công ty đối với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để thực hiện dự
án nhiệt điện Phả Lại đã tăng lên bởi sự biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam và
đồng yên Nhật. Công ty đã không công bố thông tin khi báo cáo lợi
nhuận sau thuế đạt trên 793 tỉ đồng mà không có bất cứ thuyết minh nào, dẫn đến
việc gây hiểu lầm cho NĐT rằng đây là lợi nhuận thuần. Theo công văn
của HoSE thì điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của NĐT khi mua cổ
phiếu PPC. Hoặc như với trường hợp CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT), trong báo kiểm
toàn cũng như những báo cáo tài chính khác mà DN này công bố, đã có không ít
những khoản mục nhạy cảm được lờ đi, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận
công ty đó là khoản mục “các khoản phải thu khác”. Khi BBT bị phanh phui lợi
nhuận trong các năm 2006 và 2007 bổng chốc trở thành những khoản thua lỗ. Các
cổ đông của công ty không hề hay biết việc này, và nếu không may trong năm 2008
này công ty vẫn tiếp tục thua lỗ thì theo luật, HoSE sẽ phải hủy tư cách niêm
yết của công ty. Hậu quả vẫn chưa dừng lại ở đó, với sự thua lỗ triền miên như
vậy BBT hoàn toàn có thể bị tuyên bố phá sản, thật không may cho những ai giữ
cổ phiếu này.
Thực tế trên
TTCK Việt Nam cho thấy hiện có không ít công ty niêm yết vẫn bị chi phối bởi
thói quen “báo cáo thường niên nộp cho có lệ” và tư tưởng “đẹp bày ra, xấu xa
che lại” còn thống lĩnh đây đó. Hoặc nghĩ rằng không dễ gì trình bày hết mọi
“đường tơ kẽ tóc” trong báo cáo tài chính để cho các đối thủ cạnh tranh nắm rõ
điểm mạnh điểm yếu của mình. Theo đánh giá của HoSE, có đến 70% DN chưa chấp
hành nghiêm việc việc công bố thông tin cho NĐT; hiện còn 4/165 DN niêm yết
chưa có website công bố thông tin dù đây là yêu cầu bắt buộc; 70 DN niêm yết
không cập nhật đầy đủ thông tin đã công bố và 9 DN niêm yết có cập nhật thông
tin nhưng chưa có thông tin tài chính.... Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng
Quản lý và Thẩm định niêm yết (HoSE), thời gian qua, nhiều DN niêm yết đã hầu
như bỏ mặc quan hệ với NĐT. Bà Đào dẫn chứng: Báo cáo thường niên vẫn được các
DN niêm yết “làm cho có”, trong khi theo thông lệ của thế giới thì báo cáo
thường niên được đánh giá là rất quan trọng, thể hiện sự minh bạch đối với NĐT;
Một số DN chưa công bố thông tin lên HoSE đã cung cấp thông tin cho báo chí,
trong khi những thông tin bất thường về việc thu hẹp, tạm dừng kinh doanh, tạm
dừng sửa chữa... chưa được DN chủ động công bố; Việc DN thông báo mua cổ phiếu
quỹ, cổ đông chủ chốt mua - bán cổ phiếu và việc trả cổ tức cao bằng tiền mặt
không được thông tin kịp thời...
Điểm tựa cho chứng khoán phục hồi
Trong bối cảnh TTCK
Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại thì thông tin, báo cáo thường niên
càng phải minh bạch và đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp thị
trường chứng khoán phát triển. DN niêm yết phải có trách nhiệm công bố thông
tin một cách rõ ràng minh bạch theo đúng pháp luật để cho các nhà đầu tư có
những quyết định đúng đắn. Với DN nội địa, sự minh bạch còn phải vượt qua yếu
tố tâm lý để trở nên phổ biến.
Nhiều
chuyên gia cũng như một số hiệp hội về tài chính, chứng khoán nhấn mạnh: Thời
gian vừa qua do việc thực thi chính sách tiền tệ để chống lạm phát hơi sốc, làm
ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của TTCK và có tác động nhất định đến hoạt động
của các DN về chính sách lãi xuất, giá cả chi phí..., nhân cơ hội này, một số
kẻ đầu cơ giá xuống tung tin thất thiệt về tình hình hoạt động sản xuất kinh
doanh của các DN, như các DN đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh
tế hay những kẻ đầu cơ giá xuống thổi phồng tác động tiêu cực của “lạm phát” sẽ
gây nên khủng hoảng kinh tế..., ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các NĐT cá
nhân. Trước những diễn biến này, hiện các NĐT đều muốn sớm biết “sức khoẻ” của
các DN niêm yết ra sao.
Thực tế cho
thấy, sự sụt giảm liên tục trên TTCK trong năm 2008 cùng các quyết định giao
dịch chịu nhiều tác động tâm lý của NĐT trước bạt ngàn thông tin trái chiều
được phát đi từ các “kênh” chính thống và không chính thống đang thực sự trở
thành áp lực khách quan buộc công ty công ty niêm yết phải quan tâm nhiều hơn
tới nghĩa vụ cung cấp “đầu vào” cho quá trình ra quyết định của cổ đông và thị
trường. Thị trường khó phát triển chuyên nghiệp nếu DN không ý thức được tầm
quan trong của việc công bố thông tin chính thống và minh bạch cho NĐT.
Nhưng liệu việc
công bố nhanh kết quả kinh doanh thì số liệu có chính xác? Các chuyên gia cho
rằng để tránh có những sai sót do từ số liệu thống kê về doanh thu, lợi nhuận,
các DN có lựa chọn con số báo cáo an toàn, tức là có thể đưa ra con số bằng hay
thấp hơn con số thực tế. Cùng với đó, các DN niêm yết nên có thuyết minh đánh
giá tác động về lạm phát có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của
mình. Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại thì thông
tin, báo cáo thường niên càng phải minh bạch, phải nhìn thẳng vào sự thật.
Chính sự minh bạch tác động đến lòng tin và sự “chung thủy” của NĐT với cổ
phiếu”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.
Về phía cơ quan
quản lý nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nên mạnh tay với các
công ty sai phạm trọng việc công bố thông tin thiếu minh bạch. Các cơ quan chức
năng cần có cơ chế giám sát, xử phạt nghiêm khắc hơn đối với đơn vị vi phạm để
tạo niềm tin cho nhà NĐT, đồng Ủy ban Chứng khoán Nhà
nước cần cải thiện hệ thống thông tin hiện tại, và minh bạch hóa hoạt động của
các công ty đang niêm yết. Về lâu dài, đây là những nhân tố
then chốt để TTCK Việt Nam thành công.
Th.S Lê Ngọc Minh
(Bộ Tài chính)