Năm 2008 là một năm
đầy biến động của thế giới và của Việt Nam. Thế giới chìm trong cơn "sóng
thần" tài chính. Với những gì đã
diễn ra trong năm 2008, cả thế giới và Việt Nam đều có những trải nghiệm
"không tiền khoáng hậu" trong việc chèo lái nền kinh tế - tài chính…
Những cú sốc mà đất nước ta phải hứng chịu trong năm 2008 cũng
rất ghê gớm vì nền kinh tế của ta còn non yếu, kinh nghiệm bươn trải trong kinh
tế thị trường, hội nhập quốc tế còn ít ỏi... Nhưng giữa muôn trùng sóng to, gió cả, “lửa
thử vàng gian nan thử sức”, lại thêm một lần nữa bản lĩnh Việt Nam ngời sáng. Với các biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ
động, linh hoạt cùng các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Chính
phủ đã chèo lái đưa "con thuyền" kinh tế đất nước từng bước vượt qua
những thời khắc cam go nhất... Những trải nghiệm và bài học rút
ra trong điều hành kinh tế năm 2008 cho chúng ta nhiều bài học xương máu trong
việc đối phó với lạm phát, với suy giảm kinh tế...
Năm 2009 sẽ
là một năm với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn trong tiến trình phát triển
của nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng
không nằm ngoài quỹ đạo đó. Các nhà
bình luận cho rằng năm 2009, kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn do ảnh hưởng
khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn đang lan rộng. Độ thấm
sâu của nó ít nhất cũng đến hết quý I/2009. Nhiều khó khăn vẫn ở phía trước.
Những vấn đề của năm 2008 như mất cân đối cán cân thanh toán, lạm phát, thất
nghiệp, bế tắc đầu ra sản phẩm... vẫn có thể xảy ra. Mục tiêu của năm 2009 vẫn
là kích thích kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu sẽ chậm lại, du lịch gặp khó,
thu hút đầu tư nước ngoài sẽ không dễ dàng. Cơ hội kiếm bạc tỉ từ thị trường
bất động sản, chứng khoán không thể lặp lại... Nhưng nền kinh tế vẫn còn cơ
hội, thậm chí có thể phục hồi sớm, khi các gói kích cầu của Chính phủ đến đúng
địa chỉ. Với DN, đó là cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Với người lao động, là
chính sách bảo hiểm thất nghiệp, là sự tiếp sức cho DN để duy trì sản xuất,
giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. Với xã hội, là sự đầu tư kết cấu hạ
tầng đón đầu sự phát triển mới. Với nông dân, là sự cam kết thu mua hết lúa
gạo, bảo đảm nông dân có lãi 30%. Tuy nhiên, để các giải pháp này phát
huy hiệu quả, bên cạnh sự điều hành nhạy bén, còn rất cần sự đồng thuận, sự
đoàn kết hợp lực của toàn xã hội. Năm 2009 còn nhiều ẩn số. Nhưng chúng
ta vẫn có quyền hy vọng, nhất là nội lực của chúng ta còn nhiều với thị trường
tiêu thụ hơn 80 triệu dân, một nền chính trị ổn định. Đó là “điều vô giá”, theo
nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Sự vô giá này càng được nhân
lên gấp bội khi chúng ta phát huy được sức mạnh tổng hợp cùng truyền thống đoàn
kết bấy lâu. Cần làm gì để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực
hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009? Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán lược ghi ý kiến của các nhà
lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế liên
quan đến chủ đề này.
Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh: Dù gói kích cầu của
chính phủ đã dành một khoản không nhỏ bù lãi suất ngân hàng cho DN vay vốn;
miễn, giảm thuế cho DN gặp khó khăn; nhưng vẫn cần nhiều chính sách khoan sức
dân hơn nữa. Người dân, DN đã quá mệt mỏi trong cơn bão tài chính, lạm phát,
giảm phát. vì vậy, biện pháp kích cầu hiệu quả nhất là giảm bớt gánh nặng thuế,
đặc biệt đối với khu vực nông thôn. DN cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn với
cộng đồng, bằng cách giảm chi phí, giảm lợi nhuận để hạ giá thành. Đó cũng là
cách tự cứu mình, thay vì lợi dụng tình hình khó khăn để nâng giá bắt chẹt
người tiêu dùng. TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Cùng với việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, giai
đoạn kinh tế khó khăn này là cơ hội rất tốt để Việt Nam quyết liệt cải cách
hành chính và hệ thống pháp lý để tạo đà phát triển cho giai đoạn hậu suy
thoái. Việc cải cách hiện nay nên tập trung những mảng nào? Trước hết, đó
là hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính và bộ máy hành chính. Các luật của ta
hiện nay chưa đồng bộ và tương thích với nhau. Chúng ta hiện còn 6.553 thủ tục
hành chính (theo thống kê chưa đầy đủ). Ngoài ra, trước đây có 402 giấy phép,
qua quá trình cải cách, chúng ta đã xóa 186 giấy phép, còn 216 giấy phép nhưng
nay đã tăng lên lại, tới hơn 330 giấy phép. Đây là dịp để chúng ta rà soát lại,
xóa bỏ những giấy phép bất hợp lý và không cần thiết... Thứ hai, về đầu tư
công, giai đoạn khó khăn này đòi hỏi Nhà nước và mỗi công dân phải thực sự tiết
kiệm, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”. Đây cũng là cơ hội rất tốt để xem xét lại
tính hiệu quả của các công trình đầu tư, cải cách lại các DN Nhà nước, các tập
đoàn Nhà nước, công khai minh bạch các dự án và đặc biệt là người đứng đầu phải
chịu trách nhiệm cá nhân về sự thành - bại của dự án đầu tư công. Phải mạnh dạn
thay đổi, đình hoãn các dự án không có khả năng hoạt động, không sinh lời. Thứ ba, về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư:
Có thế nói chưa bao giờ là thời điểm cấp bách và khẩn thiết hơn lúc này để
chúng ta cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền
kinh tế quốc dân, của DN, của từng sản phẩm và dịch vụ trong nước. Năm 2008,
vốn FDI Việt Nam thu hút được khoảng 65 tỉ USD. Đó là điểm sáng nhưng phải thừa
nhận rằng trong số đó có rất nhiều DN vào VN nhằm khai thác tài nguyên của nước
ta, tận dụng nhân công giá rẻ, lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống pháp lý,
những chuẩn mực về bảo vệ môi trường còn thấp ở nước ta để làm ăn, gây ô nhiễm,
tàn phá môi trường VN. Trước thực tế đó, vì lợi ích lâu dài của dân tộc và đất
nước, chúng ta phải sàng lọc chặt chẽ hơn các dự án FDI trước khi quyết định
cho phép triển khai dự án...
Theo TS.Võ Trí
Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên
cứu quản lý kinh tế Trung ương): Từ đầu năm 2008, bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm
phát cao, Chính phủ đã xử lý được tương đối tốt về lạm phát. Tuy nhiên, chúng
ta vẫn chưa ra khỏi hẳn những vấn đề rủi ro như: rủi ro với hệ thống tài chính,
cán cân thanh toán quốc tế. Trong năm 2009, trong chừng mực nào đó, rủi ro ấy
vẫn hiện hữu. Năm 2009, theo rất nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng khó có thể
đạt được như năm 2008, nhiều khả năng còn thấp hơn. Xuất nhập khẩu có thể tăng
trưởng âm và sẽ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh... Những vấn đề trên cho
thấy, việc lựa chọn chính sách kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm và hoàn toàn không
dễ dàng. Do đó, cần phải khôn ngoan trong lựa chọn chính sách. Cái khôn ngoan
đầu tiên là mục tiêu. Đối với năm 2009, mục tiêu không phải là cố gắng tăng
trưởng. Vấn đề có thể là thấp hơn, chấp nhận suy giảm, nhưng phải có tăng
trưởng trong tạo việc làm, tạo thu nhập. Mục tiêu thứ hai là lựa chọn khôn
ngoan về chính sách, tức quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng, nhưng phải quan
tâm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội. Như vậy, nếu nói về chính sách thì
việc Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp, nhưng sự nới lỏng ấy
phải thận trọng. Thận trọng ở chỗ có thể chấp nhận suy thoái nhưng phải tạo
được việc làm. Cái nữa là thận trọng xử lý những vấn đề chính sách tiền tệ
trong mối quan hệ với tăng trưởng nhưng vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô... Từ
những mục tiêu trên, phải theo dõi sát tình hình thế giới để có chính sách phù
hợp. Hơn nữa, vấn đề là sự giám sát và giao diện thường xuyên giữa Quốc hội và
Chính phủ...
“Trong họa có phúc” - bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, dù tồi tệ
đến đâu cũng sẽ đem lại thời cơ, tất nhiên là không đồng đều với tất cả mọi
người, mọi tổ chức và mọi quốc gia. Đó là nhận định của Giám đốc nghiên cứu
chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam - tiến sĩ Vũ Thành Tự
Anh. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đối với nền kinh tế Việt Nam, những
bất ổn vĩ mô có tính nội tại cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới
đã tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế đồng thời đem lại hai cơ hội
lớn. Thứ nhất là cơ hội nhận diện một cách hết sức rõ ràng những yếu kém nội
tại có tính cơ cấu của nền kinh tế được bộc lộ qua khó khăn và khủng hoảng. Thứ
hai là có thể thực hiện được những cải cách khó khăn mà trong điều kiện bình
thường khó được chấp nhận. Tuy nhiên, để biến những khó khăn thành cơ hội và để
biến cơ hội thành hiện thực cần đến sự sáng suốt và quyết tâm rất cao.
Hồng Quang