Khả năng thu hút vốn
đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài gặp không ít khó khăn. Thị trường
trong nước dự báo sẽ phát triển chậm do sức mua của người tiêu dùng khó có thể
cải thiện so với năm 2008. Hàng loạt DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ phải đối mặt
với nhiều thách thức...Giữa bộn bề khó khăn và
thách thức đó, một điều đáng mừng được ghi nhận và cũng trở thành dấu ấn
rõ nhất ngay từ những tháng đầu của năm 2009 này là sự chủ động và sẵn sàng đối
phó với khó khăn, thách thức từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý, đến cộng
đồng DN và các NĐT.
Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc
đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ
và các bộ, ngành kịp thời ban hành cơ chế, chính sách trợ giúp về tài chính,
tiền tệ. Các quy định về giảm và giãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN đối với DN
nhỏ và vừa; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ;
giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng thu nhập (tiền
lương, tiền công, cá nhân kinh doanh, đầu tư, chuyển nhượng vốn, chứng
khoán...); giãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN đối với DN sản xuất, gia công,
chế biến nhóm hàng ưu tiên, khuyến khích... đã rõ và cụ thể. Các quy định này
đã tạo điều kiện cho DN có kế hoạch giảm giá sản phẩm để kích thích sức mua. Dự
báo việc giảm, hoãn thuế trong đợt này có thể giúp nhiều DN giảm giá sản phẩm
từ 2-5%, thậm chí có nhóm mặt hàng giảm đến 6%.
Bên cạnh đó, cộng đồng DN trong nước rất hào hứng
đón nhận phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tư 17.000 tỷ đồng trong năm 2009
một cách hiệu quả nhất đã được Thường trực Chính phủ thông qua. Hàng loạt ngân hàng thương mại đang nhanh chóng triển
khai việc bù lãi suất cho vay đến khách hàng; đồng thời nhiều ngân hàng cũng đã tiến hành giảm thêm
lãi suất vay vốn, đồng thời ra sức chào mời, rộng cửa khuyến khích người vay.
Các DN phấn chấn và hào hứng vì vay được đồng vốn rẻ, việc tiếp cận nguồn vốn
ngân hàng dễ dàng và thuận lợi hơn từ đó giảm được
giá thành, mở rộng hơn nữa đầu ra cho sản phẩm.
Với nhiều giải pháp chống giảm phát, kích cầu nền kinh tế - đây được coi là sự can thiệp mạnh mẽ nhất của Nhà
nước vào nền kinh tế trong chức năng điều hành vĩ mô của mình kể từ khi cuộc
khủng hoảng kinh tế Mỹ lan ra toàn cầu. Liên quan đến các giải
pháp kích cầu, vấn đề đang đặt ra hiện nay là để kích cầu nền kinh tế có hiệu
quả, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần thiết phải quan tâm đến hai vấn đề,
đó là cải cách và giám sát. Đối với yêu
cầu cải cách, theo các chuyên gia:
Mục tiêu cần phải đạt được không phải chỉ là kích cầu, mà còn phải
song song tiến hành cải cách, và phải làm quyết liệt hơn, rốt ráo hơn đối với
lĩnh vực này, đặc biệt trong các lĩnh vực như: công khai minh bạch thông tin
đầu tư, cải cách hành chính, mở rộng không gian hoạt động cho DN tư nhân...
hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo vị thế bình đẳng giữa các DN, làm
tiền đề cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Đi kèm với đó, là xây dựng cơ chế
kiểm soát minh bạch với khoản tiền hỗ trợ, đánh giá hiệu quả cụ thể của các DN
sau khi nhận các khoản hỗ trợ... Một số
chuyên gia khác nhận định: trong năm 2009, Việt Nam không nên quá chú trọng vào
tốc độ tăng trưởng cao mà nên coi đây là quãng thời gian chứa đựng cơ hội lớn
để đẩy mạnh cải cách, tạo lập các cơ sở thể chế bền vững cho quá trình tăng
trưởng lâu dài. Đó là tầm nhìn cho một cuộc chơi lớn.
Tăng cường giám
sát đối với hoạt động kinh tế - tài
chính cũng là một vấn đề quan trọng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Theo các
chuyên gia: Để giúp nền kinh tế trụ vững, năm 2009, cần phải tiếp tục thực hiện
giám sát chặt chẽ thị trường tài chính - tiền tệ và tăng sự linh hoạt trong
điều hành. Phải tận dụng thời cơ chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương
mại, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng…
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, trong bối cảnh năm 2009 dự báo có nhiều
khó khăn và thách thức gay gắt hơn năm 2008, nhưng nền kinh tế cũng như hoạt
động của các DN vẫn có cơ hội sớm phục hồi nếu biết chớp thời cơ, tận dụng tốt
cơ hội. Cơ hội đó là những giải pháp hỗ
trợ, chủ động tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp người làm ăn
giảm chi phí. Nhưng để tận dụng tốt cơ hội, để người làm ăn vững tin hơn, thì
cần có sự hợp sức đồng lòng để tạo ra những cơ hội mới, môi trường kinh doanh
tốt hơn cần được tiếp tục tạo ra. Để làm được điều này vừa cần phải đẩy mạnh cải cách, vừa cần
phải có biện pháp giám sát để mọi người làm ăn có được cơ hội ngang nhau trong
tiếp cận các biện pháp hỗ trợ. Cần có biện pháp mạnh tay để bảo vệ người tiêu dùng,
thị trường trong nước trước hàng dỏm, hàng kém chất lượng, hàng nhập
lậu... Đặc biệt là đã đến lúc cần thiết phải giám sát
chặt hoạt động của các DN nhà nước, nhất là việc sử dụng vốn ngân sách
của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cần nói thêm rằng đây cũng chính
là một chủ đề khá nóng tại phiên thảo luận hội trường về tình hình, mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 10 (tổ chức
tháng 10 năm 2008). Trong phần đánh giá những thiếu sót, khuyết điểm
trong điều hành kinh tế năm 2008, nhiều đại biểu đã đề nghị phân tích thêm hiệu
quả đầu tư của khối DNNN, nhất là khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói
rằng rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước, đồng thời cũng khó đánh giá về khả năng trả nợ và đang xem các vấn
đề này như một thách thức. Đã có đại biểu đề nghị Quốc hội chọn vấn đề cấp, sử
dụng vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung giám
sát của năm 2009, nếu được thì tổ chức giám sát vào kỳ họp lần thứ 5, giữa năm
2009.
Câu chuyện giám sát cũng rất thời sự và cấp
thiết đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đang liên tục ngấp nghé những đáy
mới trong những ngày đầu tháng 2/2009.
Có thể nói, sự sụt giảm của TTCK
trong năm 2008 đã cho thấy sự cần thiết tăng cường vai trò giám sát của cơ quan
quản lý TTCK nói riêng, công tác giám sát tài chính nói chung. Bài học về giám
sát thị trường của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2006, Muhamad Yunus
thích hợp trong trường hợp này. Trả lời phỏng vấn tờ Spiegel (CHLB Đức) về
khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, tác giả chương trình cho vay tín dụng
nhỏ ở Băng-la-đét nói: “Mỗi ngày chúng ta cần phải nhìn xem liệu có sự phát
triển nguy hại nào tồn tại ở đâu không. Nếu phát hiện thấy khiếm khuyết thì
phải hành động ngay tức thì. Nếu có gì phát triển nhanh bất thường thì phải
chặn lại”. Những động thái bất thường trên TTCK Việt Nam cũng đặt ra vấn đề về
vai trò quản lý và điều hành thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
(UBCKNN). Giới nghiên cứu đã có lý khi tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lý của việc
sáp nhập UBCKNN vào Bộ Tài chính. Bằng chứng là sự chậm trễ của cơ quan này
trong việc ban hành các giải pháp điều tiết thị trường trong những lúc “nước
sôi, lửa bỏng”. Tăng tính độc lập cho UBCKNN sẽ khiến cơ quan này chủ động và có trách nhiệm hơn trong quản
lý, điều tiết thị trường cũng như chỉ đạo hoạt động của các công ty chứng khoán
TS. Bùi Thanh
Huyền