Học cách
thích nghi với điều kiện mới, xem khủng hoảng là cơ hội để kiện toàn lại bộ máy
là biện pháp mà không ít DN Việt Nam đang thực hiện để lèo lái con thuyền của
mình vượt qua khó khăn.
Dù đang đối mặt với những
khó khăn có thể xem là lớn nhất từ trước tới nay nhưng ngành dệt may cả nước
vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Trong ngành dệt may, Tổng công ty cổ phần May Việt
Tiến được xem là một trong số các DN thành công trong việc tạo dựng được chỗ
đứng trước thử thách của khủng hoảng kinh tế. Một trong những chính sách mang
lại thành công cho Việt Tiến là chiến lược giữ vững và phát triển thị
trường trong nước. Do vậy, dù là DN xuất khẩu hàng đầu, nhưng Việt Tiến cũng
là DN dệt may chiếm thị phần lớn và duy nhất có hệ thống tiêu thụ rộng khắp cả
nước. Ngoài Việt Tiến, số DN dệt may thành công trên thị trường nội địa còn có
thương hiệu Legafashion của Công ty Legamex, Sanding của May Sài Gòn 2, An
Phước của May Nhà Bè, Phước Thịnh, Thái Tuấn… Đối với ngành chế biến và xuất
khẩu thủy sản, ngoài khó khăn do khủng hoảng kinh tế, các DN còn gặp nhiều khó
khăn từ những vụ kiện chống bán phá giá, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước thực
tế này, nhiều DN đã chủ động bằng cách nghiên cứu, cho ra đời đa dạng sản phẩm
phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước. Điển hình là Công
ty Agifish (An Giang), nhờ chú trọng phát triển thị trường nội địa, đến nay,
Agifish có hơn 60 loại sản phẩm chế biến từ cá tra, basa. Thời gian qua Agifish
đẩy mạnh sản xuất, cung ứng trên thị trường với hơn 100 sản phẩm chế biến từ cá
basa qua hệ thống phân phối rộng khắp hơn 50 tỉnh thành trong cả nước …
Còn có thể kể ra không ít
các DN đã năng động đối phó, xoay xỏa trong khó khăn, thách thức để tìm ra cơ
hội phát triển. Hiện tại, Chính phủ đang triển khai các gói giải pháp kích cầu
đầu tư, với giá trị lên tới 17.000 tỷ đồng trong năm 2009. Hệ thống các ngân
hàng thương mại đang nhanh chóng triển khai việc bù lãi suất cho vay đến khách
hàng. Bên cạnh đó, từ 1/2/2009, hàng loạt ngành hàng với hàng nghìn loại sản
phẩm, dịch vụ đã được giảm và hoãn nộp thuế.
Tuy nhiên, song song với chính
sách của Chính phủ, bản thân DN cũng phải chủ động tìm kiếm cơ hội trong khủng
hoảng. Các DN không ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà
nước, mà sự chủ động từ phía DN chính là yếu tố quyết định trong giai đoạn hiện
nay.
Để học cách “sống chung với lũ”, các chuyên gia cho rằng, điều quan
trọng trước hết là các DN phải xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh bài
bản, phải nâng cao năng lực của mình về mọi phương diện. Thị trường trong thời
gian tới sẽ khó chấp nhận "sản phẩm cũ" và "lối đi cũ", vì
thế việc nâng cao năng lực quản trị, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đổi
mới công nghệ phải trở thành ưu tiên số một. Bên cạnh đó, sự liên kết tương hỗ
giữa các DN đang trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các DN phải
tăng cường liên kết với nhau trong hiệp hội ngành nghề, trong các cụm công
nghiệp, trong chuỗi cung ứng... Một
vấn đề quan trọng khác mà các chuyên gia nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện
nay thì yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Có
thể nói đến một số DN Việt Nam
đã thực hiện tái cấu trúc khá thành như: Tập đoàn Dệt may, Tổng
công ty Việt Tiến... Quá trình tái cấu trúc DN đã giúp các DN này tinh
giản bộ máy quản lý thật gọn nhẹ, tinh thông nghiệp vụ; chuyển giao công nghệ
và phát triển các nhà máy mới tại nhiều tỉnh, thành để thu hút nguồn nhân công
tại chỗ, giảm chi phí quản lý và nhiều chi phí khác; xây dựng thương hiệu phù
hợp với từng phân khúc thị trường và hệ thống phân phối. Thế nhưng, những DN
như vậy không nhiều... Thực tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy, khá nhiều DN sau cổ phần hóa hoạt động
không hiệu quả chính là do chỉ loay hoay tổ chức lại bộ máy quản lý, không thay
đổi sâu sắc và triệt để toàn bộ cơ chế quản lý và hoạt động, dẫn đến việc tái
cấu trúc và cổ phần hóa chỉ còn là hình thức. Có chuyên gia đã ví tái cấu trúc DN theo kiểu này
giống như người bệnh nặng dùng thuốc giảm đau. Cơn đau có thể hết trong một
thời gian, nhưng bệnh vẫn còn và bệnh nhân lại đau tiếp.
Làm kinh
doanh, các DN đều hiểu rõ, môi trường tồi đi ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình
kinh doanh của DN. Song, các DN cũng hiểu một chân lý khác là: khó khăn lớn mở
ra cơ hội lớn. Trong khủng hoảng, chỉ
những DN có năng lực cạnh tranh thực sự mới có thể tồn tại, những DN lớn nhưng
làm ăn tồi vốn là lực cản cho sự thâm nhập thị trường của các DN mới sẽ tự biến
mất. Mặt khác, khi nhiều DN buộc phải đóng cửa, máy móc thiết bị và nhân công
lành nghề của họ trở thành những đầu vào vô cùng thuận lợi đối với những DN
chớp được cơ hội kinh doanh - điều mà không có khủng hoảng thì DN nhỏ và DN mới
sẽ gặp nhiều khó khăn để có được. Khủng hoảng cũng là giai đoạn mọi DN phải rà
soát lại tất cả các bộ phận tổ chức và công đoạn kinh doanh của mình. Bất cứ bộ
phận nào, công đoạn nào gây ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh chung, DN
đều phải dũng cảm đổi mới hoặc cắt bỏ.
Thực tế cho thấy, khi kinh tế khó khăn, giới đầu tư quốc tế có xu thế quan tâm tới các thị
trường mới nổi với hy vọng sức bật của nền kinh tế trẻ sẽ nhanh nhạy hơn. Bên
cạnh đó, nhiều nhận định cho rằng riêng đối với Việt Nam, hết năm 2008 cũng là
khi giai đoạn tồi tệ nhất đã kết thúc. Các DN trong nước và nước ngoài đều nhận
định rằng những lý do khiến DN mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong vài năm tới
là triển vọng kinh tế thuận lợi, mở cửa thị trường, cải cách sâu rộng phù hợp
với WTO và kết quả tăng trưởng của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, sự ổn
định chính trị và kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là nhân tố rất quan
trọng cho môi trường kinh doanh lành mạnh. Cụ thể, FDI năm 2008 đã tăng rất
mạnh. Ngay cả khi khủng hoảng tài chính xảy ra ở các nước lớn, FDI của Việt Nam
vẫn không trở thành vấn đề đáng lo ngại. Nhiều dự đoán cho rằng trong năm 2009
không quá lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thậm chí suy thoái
của thế giới có thể là cơ hội cho hàng hoá Việt nếu biết tận dụng khai thác,
định hướng hàng nhập khẩu cũng ngày càng tích cực khi hướng dần vào phục vụ sản
xuất thay vì nhập hàng tiêu dùng. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa ra dự báo
khá lạc quan là kinh tế Việt Nam năm 2009 có thể tăng trưởng 6%, lạm phát dưới
10%.
Nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng chúng ta có
thể tin tưởng rằng với việc định hướng
đúng đắn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các biện
pháp kích thích kinh tế trong giai đoạn hiện nay, các DN Việt Nam sẽ tìm được
đường đi của mình, họ sẽ vượt lên khó khăn để trụ vững, chuẩn bị nội lực sẵn
sàng đón nhận cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững
Đức Minh