KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
BÍ ẨN VỚI VÀNG?
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, giá vàng tăng lên vùn vụt. Trên thị trường thế giới, cơn bão đang diễn ra trên thị trường tài chính khiến các nhà đầu tư đổ xô đi tìm “chỗ trú ẩn” trong vàng. Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng tạo ra cơn địa chấn khi có những thời điểm bão vàng khiến cho hàng đoàn người phải chen chúc xếp hàng mua bán vàng như thời bao cấp. Có điều gì bí ẩn với giá vàng những tháng đầu năm 2009?
Bí ẩn với vàng?

Vàng - nơi trú ẩn an toàn của nỗi bất an

Trong mấy tháng đầu năm 2009, có thể nói dường như chưa lúc nào thị trường vàng lại biến động bất ngờ như vậy. Giá vàng giao dịch trên thị trường New York phiên ngày 20-2 (tức ngày 21-2 giờ Việt Nam), đã đạt mốc 1.000 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3-2008, khi các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường vàng để bảo toàn tài sản. Còn giá vàng trong nước đỉnh điểm cũng chạm mức 19,4 nghìn đồng/lượng vàng. Giao dịch mua bán vàng trong nước diễn ra rất sôi động và điều này phần nào được phản ánh qua số tài khoản giao dịch tăng và giá trị giao dịch lớn tại các sàn vàng được mở ra thời gian qua. Ước tính, trong các ngày cao điểm, các cửa hàng vàng phải mua vào vài chục nghìn lượng vàng/ngày với mức giá từ 19,4 đến 19,75 triệu đồng/lượng.

Vì sao giá vàng liên tục leo dốc?  Theo nhận định của các chuyên gia, cơn bão đang diễn ra trên thị trường tài chính khiến các nhà đầu tư đổ xô đi tìm “chỗ trú ẩn” trong vàng.  Nhà đầu tư, nhất là những người tiết kiệm nhỏ, không còn muốn tiền của mình sinh lời “trên giấy” hay trong “thế giới ảo” nữa. Họ muốn đổi chúng ra vàng để có thể gửi vào ngân hàng hay cất giữ trong nhà. Bằng cách mua vàng, nhà đầu tư không mong kiếm lợi nhiều nhất mà quan trọng hơn là tìm giải pháp bảo vệ an toàn tài sản của mình.  Kinh tế suy yếu và các chính sách giải cứu kém hiệu quả dẫn đến “cơn sốt” vàng. Chúng ta đang chứng kiến cơn sốt trên các thị trường vàng thỏi. Thống kê cho thấy,  tính từ đầu năm 2008 tới cuối tháng 3/2009, giá của thị trường chứng khoán thế giới đã giảm khoảng 54%. Cùng với đó, việc đồng USD tăng mạnh, đồng EUR bị giảm giá do các thông tin kinh tế ảm đạm của châu Âu... càng làm cho vàng tăng sức hấp dẫn để cất giữ tài sản.  Các chính phủ giảm lãi suất và bơm hàng ngàn tỷ USD vào các nền kinh tế để chống suy thoái đang khiến các nhà đầu tư đồng loạt đổ tiền vào vàng để chống lạm phát. Các quỹ đầu tư vàng thì gia tăng đầu tư cả kim loại vàng lẫn kim loại bạc lên mức kỷ lục. Quỹ SPDR không ngừng mua thêm vàng và trong ngày 20-2, họ đã đạt kỷ lục lượng nắm giữ của quỹ này lên đến 1.028,98 tấn vàng. Quỹ iShare Trust cũng mua thêm 18,4 tấn bạc để đạt kỷ lục nắm giữ là 7.892 tấn.  Bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu xám xịt, cùng với luồng tiền đầu tư vàng của các quỹ đầu tư lớn đang là nhân tố chính ảnh hưởng đến giá vàng. Theo các nhà phân tích, nếu các thị trường tài chính cứ tiếp tục “trượt dốc”, bất động sản vẫn chết chìm thì ngày càng có nhiều người hơn lao vào loại đầu tư chắc chắn, đáng tin cậy và giá trị lại không lệ thuộc vào các chính phủ, đó là vàng. Trong khi đó các cổ phiếu mà phần lớn những người Mỹ có thu nhập trung bình thường mua trong kế hoạch tiết kiệm cho lúc về hưu lại dễ bị mất giá trị theo thời gian.

Các dự báo hiện cũng chưa thống nhất về xu hướng giá vàng thế giới trong năm nay. Một số chuyên gia cho rằng có thể giá vàng tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm, sau đó sẽ có dấu hiệu chững lại trong quý III, và giảm dần trong quý IV khi nền kinh tế Mỹ được dự đoán là bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay. Một số người cho rằng, giá có thể xuống 720 USD, thậm chí chạm ngưỡng 650 USD/oz và ổn định dần về cuối năm. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng mốc 1.000 USD/oz là có thể với tới nếu đến quý III, gói kích cầu kinh tế của các nước, đặc biệt là Mỹ không hiệu quả. Dự báo 2009 là một năm có nhiều cơ hội lớn cho các NĐT vàng.

"Lướt sóng" với vàng

Giá vàng liên tục leo thang đã đem lại khá nhiều cơ hội cho NĐT vàng. Đầu tư vàng sẽ mang lại lợi nhuận lớn nếu biết phân tích, cập nhật thông tin "chính xác, đúng thời điểm", có phương án quản lý rủi ro và tuân thủ nguyên tắc giao dịch của mình. Tuy nhiên dù giá vàng đã tạo ra nhiều cơ hội kiếm lợi, nhưng biên độ giá quá lớn cũng đang gây áp lực mạnh đến quyết định bán - mua của NĐT, khiến một quyết định sai lầm có thể ‘cuốn bay” vốn và lợi nhuận tích cóp từ trước đó. Khác với đầu tư chứng khoán, NĐT chỉ có mua mới được bán, còn đầu tư vàng, nếu dự đoán giá vàng xuống, những người "lướt sóng" có thể vay vàng của sàn bán trước rồi mua trả sau. Hơn nữa, do không có biên độ giá cộng với việc được vay gấp 14 lần số vốn tự có để đầu tư nên nếu "quá say", NĐT có thể sẽ trở nên khánh kiệt và bị biến thành con nợ trong chốc lát.

Gần đây, các NĐT "lướt sóng" chạy theo phương pháp dự đoán về "đỉnh" và "đáy" của thị trường. Các chuyên gia cảnh báo: "Đừng bao giờ đoán đâu là đỉnh, đâu là đáy". NĐT phải quyết đoán, phản ứng nhanh và luôn đặt lệnh dừng lỗ tối đa để bảo vệ tài khoản của mình, đề phòng những biến động bất lợi ngoài ý muốn, chẳng hạn như rủi ro từ tỷ giá. Thông thường, USD được coi là khắc tinh của vàng, bất cứ khi nào đồng USD mạnh cũng sẽ đẩy giá vàng xuống. Tuy nhiên, trên thực tế mới đây NHNN Việt Nam điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá USD/VND từ 3% lên 5%, khiến giá USD trên thị trường chính thức tăng từ 16.984 lên 17.450 đồng, giá vàng không hề giảm, mà còn tăng lên gần 500.000 đồng/lượng. Rủi ro này khiến ngay cả nhiều hộ kinh doanh vàng lớn, NĐT chuyên nghiệp cũng bị "dính chưởng".

Vấn đề quan trọng là NĐT xác định và đánh giá những thông tin cơ bản nào có giá trị nhất đang chi phối thị trường, xây dựng hệ thống phân tích kỹ thuật phù hợp nhất cho quá trình ra quyết định mua bán với mục tiêu an toàn vốn, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất và đạt lợi nhuận "kiểm soát" được. Ngoài ra, các NĐT cần xây dựng cho mình những nguyên tắc và tính kỷ luật trong giao dịch, đồng thời phải có kế hoạch tài chính giải cứu các trạng thái lỗ có thể xảy ra và thoát ra khỏi chúng trước khi bắt đầu đặt lệnh. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy nhiều NĐT đã mất rất nhiều cơ hội vì dồn hết tiền vào chỉ để duy trì hợp đồng mà không chịu chấp nhận lỗ một ít trước đó.

Để mong kiếm được lợi nhuận, nhiều NĐT vàng ở Việt Nam không mua nhanh, bán nhanh mà chờ đợi vàng đứng giá trong nhiều ngày thì tranh thủ mua vào và tiếp tục giữ vàng sau nhiều cơn sốt mới bán ra nhằm ăn chênh lệch. Thực tế thời gian qua giá vàng trên thị trường thế giới biến động rất khó lường. Nhiều NĐT nóng lòng mua vàng đúng vào lúc thị trường đang sốt và rơi vào chu kỳ giá vàng giảm kéo dài; Sau đó, do thiếu vốn để trả lãi vay và thiếu kiên trì do không phân tích được thông tin dài hạn nên đã sốt ruột bán ra và chịu thua lỗ lớn. Bên cạnh đó, khi giá vàng diễn biến bất lợi, một số NĐT vàng quyết định chuyển từ đầu tư ngắn hạn sang dài hạn; không cắt lỗ với kỳ vọng giá vàng sẽ lên. Điều này hết sức nguy hiểm, vì nếu thua lỗ ngoài dự định NĐT sẽ không đủ tiền ký quỹ tối thiểu để duy trì lệnh hoạt động. Ngay như tại một số phiên trung tuần tháng 3, kỳ vọng vào khả năng tăng giá liên tiếp, NĐT trên các sàn vàng trong nước chọn mua vào để qua đêm chứ không đẩy ngay, bất chấp lãi suất ngân hàng và rủi ro khi giá thế giới biến động mạnh. Không ít khách hàng đã kiên quyết theo đuổi xu hướng mua chờ giá và hiện nay còn tiếp tục duy trì dù đã chịu khoản lỗ rất lớn.

Không ít NĐT vàng ở Việt Nam đã kiếm được lợi nhuận to lớn trừ kinh doanh vàng, nhưng cũng có không ít người  “tay trắng” với vàng. Rất khó để khuyên người ta dừng khi họ đang thua hay thắng khi mà lòng tham và nỗi sợ hãi đang chế ngự NĐT. Chỉ mong bài học chứng khoán chưa đến nỗi đã nhạt phai và trở thành lời cảnh báo khẩn thiết đối với nhiều người.

 

Nguyễn Đức
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)