Vì sao chậm?
Sau gần 20 năm thực hiện, tính đến cuối năm
2007 đã có 3.756 DNNN được CPH và chuyển đổi hình thức sở hữu. Trong đó giai
đoạn 1992-1999 có 376 DN; giai đoạn 2000-2004: 1.866 và giai đoạn 2005-2007:
1.514. Theo đánh giá của các chuyên gia tốc độ CPH DNNN những năm gần đây có xu
hướng chậm lại. Nếu như năm 2005 có 724 DN được CPH thì năm 2006 còn 640 và năm
2007 chỉ có 150 DN. Năm 2008 cả nước sắp xếp được 121 DN, trong đó CPH được 73
DN và bộ phận DN. So với kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trong năm 2008
mới chỉ đạt 28% (73/262). Số vốn nhà nước tại các DN CPH mới chỉ đạt khoảng 20%
tổng số vốn nhà nước tại các DN. Như vậy, đây là năm thứ hai chương trình này
bị chậm lại, sau khi cả nước chỉ CPH được 116 trong tổng số gần 600 DN phải CPH
trong năm 2007.
Tình trạng CPH tiến triển chậm có nhiều
nguyên nhân. Trong đó, một trong những một nguyên nhân cơ bản và trước hết là
do những tác động bất lợi từ sự suy thoái của nền kinh tế và TTCK Việt Nam
trong 2 năm gần đây. Thực tế cho thấy, mọi tính toán của các nhà thiết kế TTCK
Việt Nam đều bị đảo lộn. Trong năm 2005, khi vốn hoá trên TTCK chỉ tương đương
với 7,8% GDP, họ đã đặt ra mục tiêu tham vọng: tăng gấp 3 quy mô TTCK vào năm
sau, tức mức vốn hoá sẽ tương đương với 20% GDP. Tuy nhiên, những diễn biến
vượt bậc trên thực tế cho thấy mục tiêu này là quá khiêm tốn. Cho đến tháng 12
năm 2007, mức vốn hoá trên TTCK đã nở ra tương ứng với 48% GDP của Việt Nam,
đạt 470 nghìn tỉ đồng. Bước phát triển này làm các nhà hoạch định chính sách
đưa ra kế hoạch tham vọng hơn: đưa quy mô TTCK lên tương ứng 50% GDP năm 2008.
Nhưng kế hoạch này đã sụp đổ khi chỉ số VN-Index tuột dốc không phanh từ đỉnh
1179 điểm tháng 3 năm 2007 xuống ngưỡng 300 điểm gần đây. TTCK “teo” lại tương
ứng với 17% GDP (khoảng 13 tỷ đô-la Mỹ), tức là giảm tới 70%. Những diễn biến
không thể lường được này đã đặt dấu ấn đậm nét lên chương trình CPH. Nó đã “đạp
phanh” lên chương trình đã được bắt đầu từ những năm 1992 của thế kỷ trước. TS.
Lê Hải Mơ, Viện Khoa học tài chính (Bộ Tài chính) nhận định: “Sự tụt hậu trong
CPH là nguyên nhân chính trực tiếp giải thích tại sao TTCK vẫn nghèo nàn về
hàng hoá, và ngược lại, TTCK đánh mất đi sự hấp dẫn với các nhà đầu tư là các
tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên niêm yết”.
Ngoài yếu tố
khách quan trên đây, các yếu tố chủ quan, nội tại DN cũng có ảnh hưởng rất lớn
đến việc CPH DNNN. Theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt thì trong giai
đoạn 2007-2010 cần sắp xếp 1.553 DNNN, trong đó CPH 950 DN. Trong số các DN CPH
có 144 công ty TNHH 1 thành viên. Tuy nhiên các lần phát hành cổ phần lần đầu
(IPO) không thành công của một số DN lớn như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ hoặc không
bán hết cổ phần của một số DNVVN trong thời gian qua cũng có ảnh hưởng không
nhỏ đến quyết tâm chuyển đổi sở hữu của các nhà quản lý DN trong diện CPH. Bên
cạnh đó đối với các cơ quan chủ quản và các địa phương, tâm lý sợ mất các đặc
quyền đặc lợi cũng như các quyền lực đối với DNNN như đề bạt, bổ nhiệm nhân
sự... khi CPH cũng là một rào cản không nhỏ trong việc thực hiện CPH các DN.
Giải
pháp nào?
Nhiệm vụ CPH từ
nay đến năm 2010 rất nặng nề, bởi theo kế hoạch phải sắp xếp hơn 1000 DN và CPH
hơn 900 DN. Thế nhưng với tốc độ "rùa bò" như trong hai năm vừa qua,
liệu kết quả thu được sẽ ra sao?
Điều đáng quan tâm khác là mới đây theo một khảo sát của Quốc
hội với 1.000 công ty cổ phần, thì có tới 85% DN có lời và có cổ tức cao sau
khi thực hiện CPH. Những chỉ số khác cũng rất lạc quan: vốn điều lệ tăng trung
bình 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận tăng gần 49%, thu nhập của
người lao động tăng 12%, tỷ suất lợi nhuận tăng 10-20%. Câu hỏi đặt ra: Vì sao
CPH lại chậm lại trong bối cảnh các DN này đã trở nên hiệu quả và năng
động hơn sau khi chuyển đổi sở hữu?
Một số chuyên gia nhận xét, câu trả lời nằm ở phía Nhà
nước: “Chúng ta đang phân vân với các
mục tiêu CPH. CPH là nhằm huy động tiền nhàn rỗi của dân cho sản xuất, hay thu
tiền về cho Nhà nước? Điều này cần phải làm rõ”. Không ít ý kiến đồng tình với
nhận định này. Không phải vô cớ mà PGS.,TS Đặng Văn Thanh- nguyên Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi phát biểu trong một hội thảo khoa
học do Viện Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây khi nói về các
giải pháp để đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, ông đã nhấn mạnh đến yếu tố đầu
tiên là phải nâng
cao và thống nhất nhận thức về chủ trương, quan điểm; chỉ đạo kiên quyết; đề
cao trách nhiệm trong thực hiện tiến trình CPH DNNN. Theo ông: "Cần có
cách nhìn và quan niệm mới về kinh tế nhà nước, về CPH... Không quá lấn cấn về
CPH và tư nhân hoá. Tư nhân tham gia hoạt động kinh tế trong sự quản lý của nhà
nước và được điều chỉnh bằng luật pháp nhà nước. Tư nhân hoá như thế nào, trong
chừng mực bao nhiêu do chúng ta quyết định, lựa chọn và kiểm soát ".
Trong
khi đó, giới đầu tư đã bày tỏ sự sốt ruột khi chương trình CPH đang chậm lại.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam
(EuroCham) nói: “Tình hình TTCK hiện tại có thể làm chậm CPH, nhưng chúng tôi
khuyến nghị Chính phủ cố gắng không nên trì hoãn tiến trình này và hướng tới
tầm nhìn dài hạn”. Ông này cho biết, nhiều nhà đầu tư quốc tế hàng đầu vẫn đang
rất quan tâm đến các chương trình CPH các ngành viễn thông, ngân hàng ở Việt
Nam. “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên cố gắng đẩy nhanh tiến trình CPH và
công bố lộ trình và thời gian biểu rõ ràng cho các đối tác chiến lược tiềm
năng”, ông này nói.
Trong khi đó, các
tổng công ty nhà nước đang có xu hướng rầm rộ chuyển sang tập đoàn kinh tế, với
4 tổng công ty dự kiến sẽ thành tập đoàn trong năm tới, đưa con số tập đoàn lên
thành 12. Xu thế này đang gây quan ngại cho giới đầu tư tư nhân. Chủ tịch Hiệp
hội Nữ doanh nhân Hà Nội, đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Loan nói: “Nếu tiếp
tục phát triển các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước thì hiệu quả sử
dụng đồng vốn sẽ tiếp tục rất thấp, như vậy sẽ còn làm ảnh hưởng đến toàn bộ
nền kinh tế. Cần nhìn nhận rõ vấn đề này. Bà Loan nhận xét, Việt Nam đang đi
theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường nghĩa là
nhà nước cần đưa các hoạt động kinh tế theo quy luật thị trường, chứ không phải
điều hành kinh tế theo kiểu mệnh lệnh hành chính của thời bao cấp. Còn định
hướng xã hội chủ nghĩa, là vì lợi ích của nhân dân, và đặt lợi ích của nhân dân
lên trên hết.
Đinh Ngọc Lan