NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Tài chính, ngân sách là một trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước, của địa phương mà Quốc hội, Hội đồng nhân dân có quyền và nghĩa vụ xem xét, quyết định và thực hiện quyền giám sát tối cao.

Những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) đã ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định và giám sát tình hình thực hiện các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề tài chính, ngân sách. Những vấn đề kinh tế - tài chính được HĐND quyết định và thực hiện giám sát đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng kinh tế, tăng tiềm lực tài chính, cải thiện và nâng cao chất lượng nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan HĐND với các cơ quan của Uỷ ban nhân dân (UBND) nhất là trong việc thảo luận, tìm giải pháp phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn  tài chính, ngân sách  vẫn còn nhiều khó khăn. HĐND đã thực hiện tốt hơn, nhưng chưa thật đầy đủ quyền quyết định, giám sát tối cao các vấn đề mang tính chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các vấn đề tài chính, đặc biệt là quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), quyết định phân bổ ngân sách, giám sát tình hình chấp hành ngân sách và phê chuẩn quyết toán Ngân sách Địa phương (NSĐP). Chất lượng quyết định các vấn đề tài chính,  dự toán ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và giám sát tình hình chấp hành ngân sách chưa cao, chưa hoàn toàn thoả mãn và chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân, của cử tri. Cần có sự đổi mới cả về nhận thức, nội dung, cả về phương pháp và đảm bảo đầy đủ các điều kiện để hoạt động thẩm tra, quyết định và giám sát của HĐND về  tài chính, ngân sách và chính sách tài khoá thực chất hơn, thực quyền và đúng mức, có tác dụng thực sự.

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Luật Ngân sách nhà nước đã quy định, HĐND có nhiệm vụ quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, quyết định NSĐP; đồng thời thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương, giám sát việc tuân thủ nghị quyết của HĐND, giám sát việc tuân thủ luật pháp nhà nước, trong đó có vấn đề tài chính và NSĐP.

Để HĐND đảm bảo được thực quyền và nâng cao chất lượng trong các quyết định và các họat động giám sát liên quan đến tài chính, ngân sách, cần phải có nhiều điều kiện, nhưng ít nhất cũng phải có 3 điều kiện rất cơ bản:

     (1)- Công tác chuẩn bị các báo cáo, chuẩn bị hoạt động giám sát về tài chính, ngân sách của UBND các cấp, của HĐND phải đúng quy định của luật pháp, phải nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện. Thông tin và những nhận định, đánh giá phải khách quan, chính xác và có độ tin cậy.

     (2)- Công tác xem xét, thẩm tra của các Ban của HĐND, mà trước hết là của Ban Kinh tế và Ngân sách, họat động giám sát theo các phương thức của HĐND, của Thường trực HĐND, của các Ban và của Đại biểu HĐND phải đúng quy trình, công khai, chu đáo, tỷ mỉ, thận trọng và thực sự khách quan. Ý kiến thẩm tra, đánh giá, ý kiến kết luận và đề xuất của từng cuộc giám sát phải toàn diện, vừa mang tính bao quát, vừa sâu sắc; thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm tra, của đoàn giám sát với những nhận định, phân tích và lý giải có căn cứ, có tính thuyết phục; vừa giúp cho đại biểu HĐND có định hướng trong thảo luận, có cơ sở hình thành các ý kiến độc lập và bày tỏ thái độ, vừa cung cấp các thông tin đa chiều, các nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía, trong quá trình thảo luận và đưa ra các quyết định.

     3- Các đại biểu HĐND thảo luận và tham gia họat động giám sát  với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ, cởi mở và thẳng thắn. Xem xét và đưa ra các quyết định, đưa ra ý kiến với quan điểm toàn cục, nhưng rất sâu và cụ thể, có tính tới thực tế và tính khả thi của các giải pháp, các quyết định.

      Ban Kinh tế và Ngân sách với tư cách là cơ quan chủ trì và chủ động phối hợp với các Ban của HĐND có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp và tham mưu cho Thường trực HĐND và HĐND xem xét, quyết định và tổ chức các hoạt động giám sát các vấn đề tài chính, ngân sách. Cần phải có nhận thức đầy đủ và đúng mức về tài chính. Tài chính, ngân sách là sức mạnh của một quốc gia, của một địa phương và là công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Trong cơ chế quản lý kinh tế của mỗi quốc gia, tài chính luôn luôn là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế, là tổng thể các nội dung và giải pháp tài chính - tiền tệ. Tài chính không chỉ có nhiệm vụ nuôi dưỡng, phát triển, khai thác các nguồn lực, thúc đẩy, duy trì và tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập, mà còn phải quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của đất nước. Với chức năng tập trung, phân phối, giám đốc bằng đồng tiền và tổ chức luân chuyển vốn, nguồn vốn, tài chính là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế gắn với phân phối tổng sản phẩm quốc dân và các nguồn tiền tệ trong quá trình hình thành sử dụng các quỹ tiền tệ để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã hoạch định.

Trong nền kinh tế thị trường, chức năng phân phối thu nhập của Tài chính ngày càng được coi trọng. Phân phối nguồn lực và thu nhập tài chính có chủ định, có căn cứ, phù hợp mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sẽ là yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế bền vững. Cần và có thể phải sử dụng chính sách tài chính, chính sách ngân sách, chính sách tài khóa để điều tiết kinh tế vĩ mô; phát huy chức năng ổn định kinh tế của Tài chính.

Quyết định về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế hàng năm và 5 năm, 10 năm của địa phương; khả năng huy động nguồn lực tài chính, dự toán ngân sách, về từng loại thu, từng lĩnh vực chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, mức kết dư ngân sách... là nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND. Hơn thế nữa, HĐND phải thảo luận và quyết định về phương án phân bổ ngân sách cho các cấp ngân sách, mức bổ sung cho từng quận, huyện, thị xã; quyết định danh mục các chương trình dự án, các công trình xây dựng cơ bản quan trọng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Đó là nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp của HĐND; một nhiệm vụ vừa mang tính cụ thể, vừa thể hiện vai trò điều tiết kinh tế. Thực hiện tốt, có chất lượng nhiệm vụ này sẽ khẳng định vị thế và nâng cao trách nhiệm của HĐND trước nhân dân, củng cố lòng tin đối với dân về thực quyền của HĐND và góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế, tài chính .

 Hơn thế nữa, HĐND với vị thế là cơ quan quyền lực của Nhà nước địa phương, người đại diện của dân, phải thực hiện quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của các cấp chính quyền nhà nước ở địa phương; trong đó có hoạt động kinh tế, tài chính và việc chấp hành ngân sách. Thông qua hoạt động giám sát kinh tế, tài chính-ngân sách để xem xét, đánh giá việc tuân thủ luật pháp kinh tế, tài chính, tính hiệu quả, tính thực tiễn của các chủ trương, giải pháp, các chính sách kinh tế, tài chính - tiền tệ trong đời sống kinh tế, xã hội; tình hình chấp hành nghị quyết của HĐND, tình hình chấp hành ngân sách, chấp hành kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách vì một nền kinh tế, nền Tài chính lành mạnh. Chỉ có trên cơ sở giám sát thường xuyên, liên tục, toàn diện thì HĐND mới có đủ căn cứ tin cậy để xem xét và phê chuẩn quyết toán ngân sách đia phương. Đây là việc khó, phức tạp, nhưng rất trọng đại của HĐND những người thay mặt cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri trực tiếp xem xét, đánh giá và phê chuẩn những đồng tiền đã thu của dân, đã chi dùng cho dân không chỉ vì hôm nay, mà còn vì tương lai, vì sự phát triển lâu dài, bền vững, trường tồn của đất nước, của dân tộc. Đó cũng là sự tín nhiệm, tin cậy và uỷ thác của dân, của cử tri cho những đại biểu của họ ở cơ quan quyền lực ở địa phương. HĐND đã và phải thực sự tập trung công sức, trí tuệ thực hiện tốt quyền lực này vì trật tự, kỷ cương, vì sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì dân giàu, nước mạnh.

            Trên thực tế có thể thấy, Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân về tình hình tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND về nhiệm vụ tài chính ngân sách, về chấp hành ngân sách còn  hạn chế, hiệu quả chưa cao, hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát còn thấp.

 Nguyên nhân của tình hình trên có rất nhiều, nhưng một nguyên nhân khá quan trọng là HĐND, các cơ quan của HĐND thiếu những thông tin toàn diện, cần thiết và tin cậy mang tính chuyên môn sâu làm căn cứ xem xét và đánh giá và quyết định. HĐND giám sát, thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, về tài chính và NSNN, một  mặt trên cơ sở báo cáo của UBND và các cơ quan của UBND, trên cơ sở thông tin thu thập được qua hoạt động giám sát, qua tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước; mặt khác, rất cần những thông tin và ý kiến đánh giá, xác nhận độ tin cậy thông tin từ những cơ quan chuyên môn, trong đó có ý kiến của cơ quan kiểm toán trên cơ sở kết quả các cuộc kiểm toán.

Quan điểm sử dụng báo cáo kiểm toán trong thẩm tra, đánh giá, quyết định và giám sát các vấn đề tài chính, ngân sách

- Kiểm toán là hoạt động kiểm tra, đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của các thông tin kinh tế và tài chính. Kết quả kiểm toán về chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế - tài chính như là sự phản biện khách quan, có bằng chứng pháp lý, là chỗ dựa và mang tính gợi mở để HĐND hình thành ý kiến. Quyết định các vấn đề kinh tế, tài chính và giám sát tình hình thực hiện, chấp hành ngân sách địa phương là quyền và nhiệm vụ của HĐND.  

- Kiểm toán nhà nước (KTNN) là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính của nhà nước pháp quyền. Hoạt động KTNN phải thật sự độc lập. Những đánh giá và xác nhận về thông tin kinh tế tài chính, ngân sách của KTNN phải thật sự khách quan. Cần sử dụng kết luận của kiểm toán sao cho có hiệu quả và thiết lập một quy trình thu nhận, cung cấp thông tin, đánh giá thông tin, tạo dựng quan hệ phối hợp công tác thật hiệu lực, hiệu quả.

- Cần thống nhất về nhận thức, trong kinh tế thị trường, trong cơ chế quản lý kinh tế mới, Nhà nước lãnh đạo và quản lý nền kinh tế không phải bằng biện pháp hành chính, mà bằng luật pháp, bằng biện pháp kinh tế, bằng đòn bảy và công cụ kinh tế, đòi hỏi các hoạt động kinh tế phải bình đẳng, minh bạch, công khai. Thông tin kinh tế - tài chính do kế toán, thống kê tạo lập và cung cấp phải đầy đủ, trung thực, tin cậy. Việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế - tài chính phải dựa trên các qui định của luật pháp, trước hết là luật pháp về kế toán, thống kê; phải dựa vào năng lực và sự tuân thủ luật pháp của các nhà tài chính - kế toán. Nhà nước rất cần những thông tin có độ tin cậy cao để sử dụng trong việc xem xét, quyết định những vấn đề liên quan kinh tế, tài chính - ngân sách. HĐND rất cần những thông tin không chỉ đầy đủ, toàn diện, mà còn phải trung thực, khách quan, có độ tin cậy cao và chỉ có thể yên lòng, mạnh dạn quyết định các vấn đề kinh tế-tài chính, đưa ra ý kiến sau họat động giám sát khi các thông tin kinh tế - tài chính được đánh giá và xác nhận một cách khách quan, độc lập bởi một tổ chức hoặc các chuyên gia độc lập. Kiểm toán Nhà nước, với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, độ tin cậy của các thông tin, số liệu về NSNN, về hoạt động tài chính nhà nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin tài chính-kế toán. Kiểm toán nhà nước giúp nhà nước, các đơn vị quản lý và sử dụng ngân quỹ nhà nước hiểu rõ hơn thực trạng công tác quản lý tài chính, tuân thủ và chấp hành luật pháp, kỷ luật tài chính, sử dụng và bảo vệ nguồn vốn của nhà nước tại từng đơn vị và trong toàn bộ nền kinh tế. Thông tin và kết luận của kiểm toán nhà nước là căn cứ cho việc xem xét và đề ra các quyết định ở tầm vĩ mô, thực hiện việc giám sát các hoạt động tài chính, phân bổ và sử dụng NSNN

- Hiểu đúng và thống nhất về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và sự phân công về nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp trong hoạt động kinh tế - tài chính là nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm trước các quyết định kinh tế, tài chính. Cần có sự hợp tác thực sự, cởi mở giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan của HĐND. Đồng thời, phải đảm bảo tính độc lập, tính khách quan của từng cơ quan trong quá trình, thảo luận, xem xét, thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - tài chính của đất nước. Tính độc lập, khách quan của kiểm toán nhà nước phải được đề cao và tôn trọng tuyệt đối.

- Kiểm toán không chỉ đánh giá độ tin cậy của thông tin kinh tế - tài chính mà còn chỉ ra cái được, cái chưa được trong quản lý tài chính. Với những bằng chứng pháp lý, bằng nghiệp vụ chuyên môn, Kiểm toán xác nhận số đúng, số tin cậy của thu chi ngân quỹ nhà nước. Quyết định của HĐND được xem xét dựa trên nhiều căn cứ, không chỉ kinh tế mà còn cả các căn cứ chính trị, xã hội. Những căn cứ mang tính chuyên môn của kiểm toán rất quan trọng. HĐND chỉ có thể thực hiện tốt chức năng, đảm bảo thực quyền trong các quyết định dự toán, phân bổ Ngân sách, phê chuẩn quyết toán và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND về tài chính, ngân sách khi và chỉ khi HĐND được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra, đánh giấ kết quả các thông tin tài chính-kinh tế

- Kiểm toán Nhà nước là hoạt động chuyên môn, độc lập, theo nguyên tắc trung thực, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật. Cần khẳng định KTNN là công cụ quan trọng thực hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm kê và kiểm soát trong xây dựng và quản lý đất nước. Ý kiến xác nhận của KTNN là sự đảm bảo độ tin cậy của các thông tin tài chính, thông tin kế toán. Chức năng và nhiệm vụ của các Ban của HĐND, đặc biệt là Uỷ ban, Ban Kinh tế và Ngân sách là đánh giá kết quả KTNN và sử dụng kết quả kiểm toán vào việc thẩm tra các báo cáo kinh tế, tài chính, ngân sách

Phương thức sử dụng kết quả kiểm toán trong họat động giám sát của HĐND về  các vấn đề tài chính - ngân sách

             - Thông tin về kinh tế tài chính rất nhiều, rất phong phú và đa dạng. Trong mỗi kỳ họp, cần phân tích và chọn lựa những vấn đề, những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề kinh tế - tài chính mà HĐND và cử tri quan tâm. Ngoài những nội dung mang tính ổn định, mỗi kỳ họp cần tập trung xem xét, đánh giá và cho ý kiến về một hoặc một số vấn đề. Ví dụ như vấn đề thu ngân sách, vấn đề bội chi, nguồn bù đáp bội chi, vấn đề vay nợ, trả nợ, vấn đề chi cho đầu tư phát triển, chi cho giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ, chi cho các chương trình mục tiêu... HĐND cần giành thời gian và trí tuệ cho việc thảo luận, lựa chọn và quyết định các vấn đề mang tính chiến lược về kinh tế- tài chính, kế hoạch đầu tư dài hạn, ngân sách dài hạn, trung hạn (ngân sách đa niên độ), các cân đối sản xuất - tiêu dùng, tích luỹ - tiêu dùng. Thông tin do kiểm toán nhà nước cung cấp phải hướng vào những yêu cầu của HĐND theo những chủ đề cần tâp trung thảo luận và quyết định trong từng kỳ họp. Hoạt động của kiểm toán không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, mà phải tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, cung cấp những đánh giá về chính sách, về tính hiệu quả của hoạt động kinh tế, hoạt động đầu tư và thu chi ngân sách. Các chuyên đề giám sát được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, mang tính điển hình và gắn với những nội dung Nghị quyết của HĐND. Kiểm toán cần cung cấp thông tin và giúp HĐND chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt cho công tác giám sát, cho sự hình thành các ý kiến sau giám sát. 

- Tính độc lập là vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán, được hiểu theo cả hai khía cạnh: kiểm toán phải hoàn toàn độc lập, khách quan, vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ và phải được đảm bảo sự độc lập bằng các quy định, các chế tài để tránh mọi sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi tiến hành hoạt động nghiệp vụ, kiểm toán có thể tiếp cận đầy đủ các bằng chứng và nguồn gốc thông tin; khách quan trong thu thập, xem xét, đánh giá các thông tin, từ đó có những kết luận, xác nhận tin cậy về thực trạng hoạt động kinh tế- tài chính, đó là những kết luận có bằng chứng đã được đánh giá. Ban Kinh tế & Ngân Sách, các Ban của HĐND có đủ căn cứ pháp lý để thảo luận, đưa ra nghị quyết về những vấn đề kinh tế - tài chính.

- Tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin phục vụ HĐND. Đảm bảo mọi thông tin trình ra HĐND có độ tin cậy cao, được đánh giá bởi cơ quan chuyên môn độc lập.

Thông tin cung cấp cho HĐND phải minh bạch và có độ tin cậy cao. Trước hết là các thông tin về chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tài chính, ngân sách, những đánh giá về ngân sách trung hạn, nguồn thu và nhiệm vụ chi. Tăng cường tính minh bạch của các quỹ tài chính, của ngân sách trong giai đoạn lập dự toán, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu và tiêu chí dùng cho viêc dự tính các nguồn thu và nhiệm vụ chi. Số liệu cung cấp cho HĐND phải có xác nhận và đánh giá của cơ quan kiểm toán nhà nước, phải đạt độ tin cậy cao nhất có thể.

- Báo cáo kiểm toán sẽ đưa ra đánh giá về tính hợp pháp, hợp lệ, độ tin cậy và tính hiệu quả của các khoản thu, từng khoản chi ngân quỹ nhà nước, thu chi ngân sách nhà nước và quỹ ngân sách nhà nước. Ý kiến của KTNN phải là căn cứ tin cậy để Quốc Hội, HĐND thảo luận, xem xét và quyết định các vấn đề tài chính, ngân quỹ và ngân sách nhà nước. Để đạt được điều đó kiểm toán nhà nước phải tiến hành xem xét, đánh giá thông tin một cách khách quan, chỉ tôn trọng luật pháp và phản ảnh đúng sự thật. Cần kiểm soát và nâng cao phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, đảm bảo cho họ có tiếng nói độc lập, khách quan. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước rất đa dạng, phong phú, liên quan nhiều nội dung, nhiều đối tượng được kiểm toán, vì vậy, Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND có nhiệm vụ xem xét đánh giá những ý kiến của kiểm toán, tiến hành chọn lựa những nội dung cần thiết, có chủ định, tiến hành tổng hợp và trình thường trực HĐND về những nội dung, mức độ của các ý kiến để cung cấp cho đại biểu HĐND trước và trong các kỳ họp. 

- Kiểm toán trưởng khu vực - người được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền, được mời và có quyền tham dự các kỳ họp của Ban Kinh tế - Tài chính của HĐND, thường trực HĐND các cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các phiên họp toàn thể Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND để thẩm tra báo cáo tình hình thực hiên nghị quyết của HĐND về kinh tế - xã hội, về Ngân sách nhà nước, Kiểm toán trưởng khu vực được và phải trình bày ý kiến của cơ quan kiểm toán trên cơ sở kết quả kiểm toán. Trường hợp cần thiết, Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND sẽ trình bày ý kiến đánh giá về kết quả kiểm toán, yêu cầu bổ sung bằng chứng và đưa ra ý kiến hoặc kiến nghị cần thiết. Kiểm toán trưởng khu vực cần và có trách nhiệm trình bày trong kỳ họp HĐND báo cáo tổng hợp về kết quả kiểm toán trong năm trước khi Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định, ra nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phê chuẩn dự toán và quyết toán NSNN, trước khi HĐND tiến hành các hoạt động giám sát. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kết luận và thông tin liên quan tới kết luận củaKkiểm toán Nhà nước cho Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND.

 Để kết luận, xin được khẳng định, Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm tra tài chính của nhà nước để thực hiện quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng kiểm kê, kiểm soát. Ý kiến và xác nhận của Kiểm toán Nhà nước là bảo đảm sự tin cậy của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách trình lên HĐND và công khai hoá. Cần xác lập quy trình và trách nhiệm cung cấp, sử dụng thông tin và đánh giá thông tin do kiểm toán cung cấp một cách có hiệu quả. Thảo luận và quyết định các vấn đề tài chính, ngân sách, giám sát tình hình lập và chấp hành NSĐP là thẩm quyền của HĐND, cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương. Đây là công việc lớn, phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, ngân sách, tạo dựng và củng cố lòng tin của dân vào Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần phải quan tâm chỉ đạo và sử dụng triệt để, đúng mức để kiểm toán nhà nước phục vụ có hiệu quả việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo thực quyền của Hội đồng nhân dân trong các quyết định kinh tế, tài chính. HĐND có thực quyền trong các quyết định về kinh tế, tài chính sẽ xứng đáng và làm trọn chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diên cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

                                                                 PGS.TS. Đặng Văn Thanh

                    Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)