KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
DN NIÊM YẾT: NỖI LO CHẤT LƯỢNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH?
Diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ít NĐT cho rằng mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của các công ty niêm yết chính là mùa đại hội "đồng cam cộng khổ" giữa NĐT và DN, cùng thổi lửa niềm tin cho năm 2009 đầy cam go và thách thức. Kỳ vọng là thế nhưng khi mà mùa ĐHCĐ trôi qua thì cũng là lúc mà không ít NĐT tỏ ra thất vọng. Một trong những vấn đề được nhiều NĐT bức xúc nhất chính là chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết.
DN niêm yết: Nỗi lo chất lượng báo cáo tài chính?

Choáng váng...thông tin

Đến thời điểm này, các DN niêm yết đã lần lượt công bố báo cáo tài chính năm 2008. Điều rất đáng lưu ý là đa số các thành viên đều có kết quả kiểm toán khác biệt so với số công bố, thậm chí từ lãi thành lỗ. Thống kê do Stox.vn - trang web chuyên về  phân tích tài chính - chứng khoán thực hiện, cho thấy tình trạng báo động về chất lượng báo cáo tài chính chưa kiểm toán. Theo đó, tính đến ngày 20/4, trong số 357 DN niêm yết trên cả hai sàn, có ít nhất 194 công ty có sự chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, trong đó không ít DN có chênh lệch kết quả kinh doanh rất lớn (trên 10%). Ấn tượng nhất là chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán của 2 DN thuộc họ nhà Kinh Đô là KDC và NKD. Với chênh lệch 202,978 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán, từ lãi 142,376 tỷ đồng về lỗ 60,602 tỷ đồng, KDC đang là DN xếp số một về khoảng cách chênh lệch lợi nhuận. Một người anh em của KDC là NKD cũng có mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán hơn 38 tỷ đồng, từ mức lãi hơn 39 tỷ đồng còn chưa đầy 1 tỷ đồng. Trong các DN có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lớn, một số công ty không chỉ chênh lệch về số tuyệt đối lớn mà còn nắm giữ tỷ lệ chênh lệch ở mức choáng váng. Trường hợp của Công ty Nam Vang (NVC) có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán lên đến…8.500%, từ lãi 0,529 tỷ đồng về lỗ 44,423 tỷ đồng. Hay trường hợp của Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là 1.043,94%, từ lãi 4,036 tỷ đồng về lỗ 38,097 tỷ đồng.

Việc chênh lệch một vài trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng… giữa doanh thu, lợi nhuận trước và sau kiểm toán là bình thường, vì có thể có những sai sót nhỏ trong cách tính toán, phân loại một số khoản thu, chi của DN và công ty kiểm toán. Nhưng thật khó hiểu với những khoản chênh lệch rất lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn cán cân lỗ - lãi tại một số nơi. Thống kê của Stox.vn cho thấy, có tới 47 DN có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lên tới trên 50%. Nhiều công ty vốn đã lỗ, sau kiểm toán còn bị lỗ nặng hơn rất nhiều, như FPC từ lỗ 44,4 tỷ đồng về lỗ 83,2 tỷ đồng; TPC từ lỗ 51 tỷ đồng về lỗ 61,6 tỷ đồng. Còn theo thống kê trên báo chí, có gần 200 DN trên tổng số 357 DN niêm yết có kết quả kiểm toán khác biệt so với con số công bố, trong đó có nhiều DN có mức chênh trọng yếu lên tới hàng trăm tỷ đồng, biến lãi thành lỗ. Nhận định về vấn đề này, không ít chuyên gia cho rằng có thể coi đây là một hồi chuông cảnh báo lớn và hồi chuông này càng gióng lên sớm bao nhiêu thì càng có lợi cho thị trường nói chung và NĐT nói riêng bấy nhiêu.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung cũng như các DN nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức thì các áp lực báo cáo tài chính càng trở thành vấn đề lớn. Chính vì thế mà theo đánh giá của một số chuyên gia, năm 2008 là năm bộc lộ nhiều vấn đề về báo cáo tài chính nhất từ trước đến nay. Phía sau đó là yêu cầu tăng cường minh bạch hóa thông tin tài chính từ phía DN, yêu cầu bảo vệ lợi ích của thị trường và của NĐT.

 

Cần chế tài đủ mạnh?

Thực tế trong thời gian qua cho thấy lòng tin của các NĐT đối với các DN niêm yết đã bị thử thách quá nhiều và đã có nhiều lúc lòng tin này bị tổn thất nặng nề. Tính trung thực và trách nhiệm của DN trong các báo cáo tài chính vốn đã được mổ xẻ trong nhiều năm qua nhưng đáng lo ngại là hầu như chưa được cải thiện là mấy. Trong đó, nổi cộm nhất là tình trạng DN vừa công bố lãi nhưng ngay sau đó biến thành... lỗ. Những DN đã công bố ít nhiều cũng gây thất vọng cho NĐT không chỉ ở việc bất ngờ lỗ nặng mà còn cả ở sự sơ sài trong báo cáo tài chính như thiếu trích lập dự phòng tài chính trong các báo cáo trước đó, thiếu báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cân đối thu chi không rõ ràng...; Báo cáo tài chính (quý, bán niên, năm) thiếu kiểm soát của kiểm toán; DN bỏ quên việc công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn sau phát hành; nội dung công bố thông tin trên website của DN sơ sài, không cập nhật... Bên cạnh đó là không ít sự vi phạm của các của những thành viên hội đồng quản trị khi bán một lượng lớn chứng khoán để thu về lợi nhuận tiền mặt mà không cần thông báo trước như luật định…

Hiện thời, thông tin về đối tượng mà NĐT gửi gắm tiền bạc và “tương lai” của mình đến từ ba nguồn: Bản cáo bạch (do tự công ty soạn ra); các báo cáo tài chính (cũng do tự công ty đưa ra); và các tin đồn đại. Cả ba nguồn thông tin này, nói chung, không có gì đảm bảo chắc chắn. Có một tâm lý rất đỗi bình thường là không ai dại gì tự khai báo về “những cái dở” của mình. Cho nên, chỉ đến khi nội bộ Công ty Bông Bạch Tuyết xung đột thì người ta mới biết Công ty này báo lãi, nhưng thực ra đang lỗ nặng. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất để bảo vệ các NĐT là quy định kiểm toán độc lập đối với tất cả các công ty tham gia và chuẩn bị tham gia TTCK. Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh, luật pháp của Việt Nam mới chỉ buộc kiểm toán độc lập đối với DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức tín dụng. Còn hàng chục vạn DN, trong đó có hàng vạn công ty cổ phần không phải chịu quy định này. Sự cần thiết của kiểm toán nhiều người đã biết và tán đồng, nhưng hiện thời việc kiểm toán các công ty cổ phần mới chỉ bắt buộc thực hiện khi công ty định chào bán ra công chúng.

Theo quy định hiện nay, thời hạn để một DN niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV là 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý và thời hạn để DN niêm yết công bố báo cáo tài chính năm đã kiểm toán là 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, trong khoảng thời gian 75 ngày giữa 2 kỳ báo cáo, không hiểu bao nhiêu NĐT ra quyết định sai lầm theo những thông tin mà DN công bố? Và liệu những hiện tượng này có làm ảnh hưởng đến thói quen của NĐT, tạo tâm lý nghi ngờ và thận trọng với chính những con số mà DN công bố trong mỗi kỳ báo cáo? Hiện nay, bên cạnh những DN có giải trình về chênh lệch tài chính trước và sau kiểm toán thì vẫn còn nhiều DN chưa có động tĩnh gì. Nhiều NĐT đã thắc mắc, có hay không sự cố tình hạch toán thiếu chính xác tại những DN có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán quá lớn? Đã đến lúc cơ quan quản lý cần vào cuộc để xem xét và tìm ra nguyên nhân dẫn đến khoản chênh lệch tài chính khổng lồ tại nhiều DN. Nếu lỗ hổng nằm ở phía DN thực thi thì cần phải có chế tài mạnh hơn để buộc DN nghiêm túc trong việc lập và công bố báo cáo tài chính. Theo quy định hiện hành, các DN có chênh lệch số liệu tài chính trước và sau kiểm toán từ 5% trở lên chỉ phải giải trình, nhưng giải trình thôi là chưa đủ trong việc thể hiện trách nhiệm của DN đối với cổ đông, với thị trường.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố những biện pháp nhằm bình ổn TTCK trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp mạnh tay như tăng cường chế tài xử phạt, lập lại trật tự về công bố thông tin và đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định những sai phạm về công bố thông tin, đặc biệt là nạn biến lỗ thành lãi của các công ty niêm yết sẽ bị xử phạt nghiêm theo chế tài hiện hành. Hy vọng rằng, với những sửa đổi từ cơ chế, chính sách, những lỗ hổng thiếu minh bạch về thông tin  trên TTCK sẽ được lấp đầy. Tuy nhiên, đi cùng với nó, nhiều ý kiến cho rằng: đã đến lúc các cơ quan chức năng phải mạnh tay đối với những sai phạm trên TTCK, có những chế tài trừng phạt thực sự nghiêm khắc. Đây là việc cần làm ngay bởi đây chính là một trong những nhân tố quan trọng để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho thị trường ổn định và phát triển.

Bùi Dung

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)