Động lực vượt khó
Nhằm ngăn chặn
suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, trong
thời gian qua Chính phủ đã tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách, trong đó quan trọng nhất là những cơ chế,
chính sách tài chính - tiền tệ... Gói kích cầu
của Chính phủ được xem như “cú hích” quan trọng
tiếp sức cho DN, đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ nỗ lực vượt qua khủng
hoảng. Trong lĩnh vực tiền tệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều
kiện cho DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, với lãi suất thấp, đặc biệt vốn vay
ưu đãi hỗ trợ 4%... Chỉ sau gần 2 tháng triển khai chương trình cho vay có hỗ
trợ lãi suất, khối DNNN đã vay được 65.686 tỷ đồng, chiếm 36%; DN ngoài nhà
nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, DN tư nhân, DN có vốn đầu
tư nước ngoài …) vay được 107.172 tỷ đồng, chiếm 60%; hợp tác xã 651 tỷ đồng;
hộ gia đình, cá nhân 4.968 tỷ đồng; tổ chức khác 245 tỷ đồng. Theo báo cáo
nhanh của một số tổ chức tín dụng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đang
tăng nhanh. Hầu hết các địa phương đều thực hiện giải ngân tăng 20%-25% so với
cùng kỳ năm trước. Hiệu quả của việc giải ngân tốt sẽ thể hiện rõ trong những
tháng tới, giúp “đẩy” thêm tốc độ tăng trưởng GDP và tạo thêm những cú huých
cho sự hồi phục và tăng trưởng của DN.
Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã triển khai hàng loạt cơ chế và
chính sách, trong đó đáng chú ý nhất là giãn, miễn, giảm thuế nhằm khoan
sức DN, sức dân, tháo gỡ khó khăn về tài chính. Cụ thể, ngoài việc giảm 30% thuế thu nhập doanh
nghiệp DN quý IV/2008 và cả năm 2009 cho DN khó khăn, thời gian chậm nộp thuế
cũng được kéo dài thêm 3 tháng - thành 9 tháng. Đặc biệt, chính sách thuế này
được tập trung cho các đối tượng là DN vừa và nhỏ, DN sản xuất và chế biến
nông-thuỷ-hải sản...Cũng trong năm 2009, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện gia
hạn nộp thuế đối với DN sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu; miễn thuế nhập
khẩu các loại hàng hoá phục vụ gia công hàng xuất khẩu... Đây được xem là đợt giảm và miễn thuế trên diện rộng,
lớn nhất từ trước đến nay. Việc giãn, giảm thuế đã ảnh hưởng khá
lớn đến nguồn thu NSNN, theo tính toán riêng các giải pháp giảm, giãn thu thuế
cho DN đã làm hụt thu ngân sách năm 2009 khoảng 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên tác
động lớn nhất của chính sách này là góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho
DN, giúp DN duy trì và ổn định sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ để tăng
sức cạnh tranh. Từ đó DN mới tạo ra thu nhập, người lao động có lương và bảo
đảm được an sinh xã hội. Đối với cá nhân thì rõ ràng là có thêm thu nhập sẽ
thêm tích luỹ và tiêu dùng, qua đó kích cầu đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.
Hiện tại Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội, DN
tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt
đối với những
nhóm, mặt hàng thông dụng có diện tiêu dùng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của nhiều
tầng lớp dân cư mà DN đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở
tổng hợp tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã có báo cáo trình Chính phủ để mở
rộng thêm diện giảm, giãn thuế trong thời gian tới.
Những tín
hiệu khả
quan từ tình hình kinh tế quý 1/2009 cũng như những chuyển biến đáng
mừng trong kết quả sản xuất - kinh doanh của nhiều DN đã cho thấy các cơ chế,
chính sách hỗ trợ ngành nghề, DN nhằm chống suy giảm kinh tế đang phát huy hiệu
quả. Nổi bật nhất
là nền kinh tế nước ta đạt được tăng trưởng dương, trong điều kiện hầu hết các
nền kinh tế trên thế giới bị suy giảm mạnh. Tăng trưởng dương đạt được ở cả ba
nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có giá trị sản
xuất tăng 0,9%, giá trị tăng thêm tăng 0,4%, tạo nên sự ổn định cơ bản của nền
kinh tế. Nhóm ngành dịch vụ thông thường bị tác động lớn nhất của khủng hoảng
nhưng vẫn tăng trưởng khá (5,4%), thể hiện sự chuyển biến đáng mừng của các
ngành trong nhóm ngành này.
Một tín hiệu tốt
khác đáng ghi nhận, theo đánh giá của Bộ Công Thương đó là sự “mạnh lên” của
khối DN xuất khẩu “nội”. Không kể mặt hàng dầu thô, tỷ trọng xuất khẩu của khối
DN trong nước tăng mạnh so với khối DN có vốn FDI. Tính chung quý 1, kim ngạch
xuất khẩu đạt gần 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó khối
DN FDI chỉ đạt gần 4,5 tỷ USD, giảm 13%. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển,
với tốc độ tăng trưởng thương mại duy trì khá, đặc biệt là tại Hà Nội và TP
HCM.
DN năng động tìm lối
Khủng hoảng kinh
tế, xuất khẩu phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn nhưng các DN Việt Nam đã năng
động tìm tòi nhiều cách làm mới và tư duy mới. Nhờ tận dụng tốt các cơ chế,
chính sách từ gói kích cầu của Chính phủ, đồng thời tìm được cách dung hòa giữa
giá và chất lượng, biết chọn lựa những quyết sách đầu tư cho công nghệ một cách
hợp lý, năng động tìm kiếm thị trường, nhiều DN Việt Nam vẫn có thể xúc tiến
xuất khẩu, thậm chí còn mở trở lại những thị trường vốn rất khó tính.
Các DN chế biến xuất khẩu
gạo và thủy sản ĐBSCL đang phấn chấn đón nhận những tín hiệu tích cực từ gói
kích cầu của Chính phủ. Nhiều người tin rằng, DN và nông dân sẽ vượt qua đà suy
giảm kinh tế. “Con cá, con tôm, hạt lúa” Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ
tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thương trường. Gói kích
cầu của Chính phủ được triển khai đúng vào cao điểm thu hoạch và tiêu thụ lúa
đông-xuân ở ĐBSCL. Hiện nay hầu hết các DN thu mua lúa gạo ở ĐBSCL không còn
cảnh “khát vốn” khi nông dân vào cao điểm thu hoạch lúa đông-xuân như năm
ngoái. Đại diện các DN chế biến xuất khẩu gạo ở Cần Thơ như Công ty Mekong Cần
Thơ, Công ty Lương thực Sông Hậu… cùng cho rằng: “Từ đầu năm đến nay, các DN
được cung đủ vốn với lãi suất ưu đãi nên việc thực hiện các hợp đồng bao tiêu
lúa và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thuận lợi hơn". Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc
chi nhánh NHNN Việt Nam tại Cần Thơ nhận định: Dư nợ trên địa bàn đang tăng.
Điều đó cho thấy, sản xuất có chuyển biến, dấu hiệu kinh tế sẽ phát triển nhiều
hơn trong thời gian tới. Quan hệ tín dụng giữa DN và ngân hàng trên địa bàn có
chiều hướng tích cực. Tổng hồ sơ vay vốn của các DN được các ngân hàng giải
quyết từ 83% ở những tháng cuối năm 2008 nay đã tăng lên 92% vào cuối tháng 3.
Hầu hết DN đã tìm cách trả nợ cũ và vay lại với lãi suất mới. Một số chủ nhiệm
HTX nuôi cá tra xuất khẩu ở TP Cần Thơ phấn khởi cho biết: Những người nuôi cá
tra ở ĐBSCL đã vượt qua giai đoạn thua lỗ và đang bước vào giai đoạn có lời.
Các DN chế biến cá tra ở ĐBSCL đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu với giá
từ 15.000 - 16.500 đồng/kg; những người nuôi cá tra đạt năng suất cao có mức
lời từ 1.000 - 1.200 đồng/kg.
Chứng kiến buổi
lễ ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt
Nam và Công ty sản xuất ô-tô Xuân Kiên (Vinaxuki), chúng tôi mới thấy hết được
sự hồ hởi của DN khi đón nhận gói kích
cầu của Chính phủ. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên cho
biết: Sản lượng xe bán ra của Vinaxuki đã vượt gấp đôi và tình hình tiêu thụ
sản phẩm vẫn khả quan. Nhờ hợp đồng hợp tác kinh tế với Ngân hàng Ðầu tư và
Phát triển Việt Nam, các đại lý bán hàng của Vinaxuki được hỗ trợ cho khách
hàng tới 70% giá trị xe mua mới thông qua thế chấp bằng tài sản hình thành từ
vốn vay. Ðiều này đã thúc đẩy đầu ra cho DN, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Ðiều quan trọng là sau khi có gói hỗ trợ lãi suất, Vinaxuki đã ổn định tổ chức
sản xuất, kinh doanh và dự kiến cần thêm khoảng 300 kỹ sư, công nhân trong giai
đoạn tới.
Dệt may - ngành
hàng đứng số 1 trong “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” của Việt Nam chịu tác động
của cuộc khủng hoảng nặng nề nhất. Trong cơn bĩ cực, ngành dệt may đã nỗ lực
hết sức để vượt qua cơn khủng hoảng, và điều đáng mừng là đang có thêm
nhiều DN tìm được lối ra, từng bước đứng vững trong sóng gió. Công ty cổ phần
Ðồng Tiến đã thu hút khách hàng từ các thị trường mới khai thác bằng những sản
phẩm riêng biệt, ít bị cạnh tranh như quần áo trượt tuyết, quần lót nam, nữ...
Ðối với Công ty may Ðức Giang, các khách hàng lớn tại thị trường Mỹ không
hề giảm đơn hàng. Theo Chủ tịch HÐQT Hoàng Vệ Dũng, công tác thị trường được
Công ty đặc biệt quan tâm từ khâu nghiên cứu, phân tích đến dự báo để có biện
pháp kịp thời ứng phó. Từ quý II-2008, Công ty đã chủ động nắm bắt thị trường
để sớm cử cán bộ sang các thị trường đàm phán ký hợp đồng sản xuất năm 2009
trực tiếp với khách hàng, không qua trung gian, nên giảm được chi phí, hạ giá
thành. Nhờ đó, Công ty có hợp đồng sản xuất đến quý II-2009 ngay từ đầu
năm.
Hiệp hội chế
biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, bằng những nỗ lực của mỗi
DN, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có sự
phục hồi. Tháng 2, xuất khẩu cá tra đã tăng 25,8% về sản lượng và 28,4% về giá
trị, đưa tổng giá trị kim ngach xuất khẩu 3 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 2,1% về
lượng và 1,5% về giá trị. Đặc biệt thị trường Mỹ, giá xuất khẩu cá tra đã tăng
mạnh (từ 2,80 USD/kg năm ngoái lên 3,16 USD/kg thời điểm đầu tháng 3). Đây là
mức giá tốt nhất so với các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Mặt khác
Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công nhận thêm 5 DN có mức thuế thấp (từ 0 - 0,52%),
do vậy dự báo năm 2009 xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ tăng mạnh.
Có thể thấy,
bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình các DN Việt Nam vẫn tìm ra nhiều cách “vượt
khó”. Các chuyên gia kinh tế thường vẫn lạc quan nói trong khủng hoảng vẫn có
luôn có cơ hội. Chỉ có điều, các DN có nắm bắt được hay không? Thực tế cho thấy
cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và được dự báo
sẽ còn tồi tệ hơn năm 2008. Điều đó đó đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước
bài toán buộc phải tìm ra được lời giải đúng đắn và bền vững nhất để duy trì và
vượt qua khó khăn.
Đức Nguyễn