Tác động của khủng hoảng tài chính thế giới tới nguồn thu từ hoạt
động xuất nhập khẩu và giải pháp
Hải
quan Việt Nam được giao nhiệm vụ thu thuế đối với hàng hóa XNK. Trong thời gian từ 2001 – 2008, hàng năm ngành
Hải quan đã đem về cho đất nước một khoản lớn cho ngân sách (chiếm khoảng trên
20% NSNN hàng năm). Mặc dù nguồn thu từ hoạt động XNK có giảm đi tương đối trong các
năm 2004-2006 xuống mức dưới 20% tổng thu NSNN, nhưng xu hướng tăng tỷ trọng
thu thuế hải quan lại trở lại trong 2 năm 2007 và 2008. Do chiếm tỷ trọng cao
trong tổng nguồn thu NSNN, lại không trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản
xuất, kinh doanh của DN, thu thuế xuất NK là nguồn thu quan trọng của NSNN mà
còn là nguồn huy động thuế khá đơn giản và tiện lợi.
Bước
vào năm 2009, trước các diễn biến mới liên quan tình hình kinh tế trong nước và
thế giới, đặc biệt là diễn biến giá dầu thô đã tác động lớn đến tình hình thu
từ hoạt động XNK hàng hoá. Và đây có thể được coi là một thách thức của năm
2009 này.
Theo
kế hoạch, năm 2009 dự toán đã được Quốc hội thông
qua đối với thu từ hoạt động XNK là 121.200 tỷ đồng. Dự toán này được lập trên
cơ sở dự kiến giá dầu thô 70 USD/thùng, trong đó số thu liên quan đến xăng dầu
NK và dầu thô XK 53.700 tỷ đồng, trên cơ sở thuế suất thuế XK dầu thô 15%, thuế
NK mặt hàng dầu diesel là 15%, các mặt hàng xăng, dầu khác là 25%. Tuy nhiên, do tác động của
khủng hoảng tài chính, ngay từ tháng cuối năm 2008, giá dầu thô đã liên tục sụt
giảm, từ 145 USD/thùng xuống đến hơn 30 USD/thùng. Bên cạnh đó, kim ngạch XNK, đặc
biệt là kim ngạch XK của nước ta giảm mạnh: Kim ngạch XK từ tháng 10/2008 đến
hết năm có xu hướng giảm dần, tuy tháng 12/2008 tăng khoảng 16% so với tháng 11
nhưng chỉ bằng 97,1% so với tháng 10/2008 làm cho số thu của ngành Hải quan
trong những tháng cuối năm cũng giảm mạnh số thu tháng 10/2008 giảm khoảng
2.000 tỷ đồng so với tháng 7 và 8/2008.
Trong những
tháng đầu năm 2009, diễn biến và ảnh hưởng của khủng
hoảng tài chính thế giới tiếp tục ảnh hưởng xấu tới nguồn thu từ hoạt động xuất
NK. Tình hình XNK
những tháng đầu năm 2009 của nước ta do chịu tác động của khủng hoảng tài chính
thế giới đã tác động giảm giá, giảm lượng một số mặt hàng. Mục tiêu kế hoạch đặt ra là XK năm 2009 sẽ
tăng với tốc độ 13% và kim ngạch XK sẽ đạt 72 tỷ USD. Tuy nhiên, do triển
vọng ảm đạm của kinh tế thế giới, với việc các nước Mỹ, EU, Nhật Bản đều chìm
trong khủng hoảng và khó có khả năng thoát khỏi tình trạng tồi tệ trong năm nay
thì nhiều khả năng tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam năm 2009 chỉ dừng lại
ở mức một con số. Kim ngạch xuất NK, nhất là kim ngạch NK hàng hoá của Việt Nam
sẽ giảm mạnh tăng trưởng và hệ quả tất yếu là việc giảm lớn nguồn thu từ hoạt
động XNK cho NSNN. Số liệu XK 2 tháng
đầu năm 2009 đạt 8 tỷ USD, giảm 5% so với XK cùng kỳ 2008, báo hiệu một năm đầy
khó khăn đối với hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Kim ngạch NK hàng hoá còn
giảm mạnh hơn, giảm tới 43,1% so với cùng kỳ 2008 và chỉ đạt 7,7 tỷ USD. Ngoài ra, do tác
động của khủng hoảng tài chính, Chính phủ phải giảm thuế suất của nhóm mặt hàng
NK, nhất là những mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và XK giảm 50% thuế
GTGT cho nhiều mặt hàng, đã ảnh hưởng tới số thu của ngành Hải quan.
Bên cạnh đó,
nguồn thu liên quan đến xăng dầu NK và dầu thô XK năm 2009 cũng
gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới
đang dao động ở mức thấp (khoảng trên dưới 40 USD/thùng) chủ yếu do nhu
cầu dầu thế giới giảm. Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, khi giá dầu thô ở
mức thấp hơn giá tính dự toán (70 USD/thùng), sẽ làm giảm thu thuế XK dầu thô
do giá và thuế suất giảm; giảm thu thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá
trị gia tăng các sản phẩm xăng, dầu. Hiện thuế suất thuế NK xăng dầu các loại
là 20%,15%. Do quyết định điều chỉnh thuế suất thuế XK dầu thô từ 15% (khi xây
dựng dự toán) xuống còn 10% và thực tế một số mỏ chỉ thu theo thuế suất từ 4 đến 7% nên ảnh hưởng rất
lớn tới số thu của ngành Hải quan. Trong trường hợp giữ nguyên lượng dầu thô
XK, xăng dầu NK như dự toán, với thuế suất thuế NK hiện tại thì số thu từ dầu
thô XK, xăng dầu NK giảm khoảng 24.300
tỷ đồng (giá 40 USD/thùng), giảm 16.900 tỷ đ (giá 50 USD/thùng)... Trường hợp
lượng dầu thô XK giảm 0,5 triệu tấn, lượng xăng dầu NK giảm khoảng 1 triệu tấn
do tác động của khủng hoảng tài chính (lượng xăng dầu NK 2 tháng đầu năm giảm
26,3% so với cùng kỳ 2008), với thuế suất thuế NK hiện tại thì số thu từ dầu
thô XK, xăng dầu NK giảm 25.900 tỷ đ (giá 40USD/thùng), giảm 17.900 tỷ đ (giá
50USD/thùng), giảm 9.800 tỷ đ (giá 60 USD/thùng ).
Báo cáo của Tổng
cục Hải quan cho biết, tháng 2/2009 số thu của toàn Ngành đạt 6.500 tỷ đồng,
giảm 19,8% so với tháng 1/2009 (6.500/8.102 tỷ đồng); Số thu hết tháng 2/2009
đạt: 14.602 tỷ đồng, bằng 12,% dự toán, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2008 (14.602/20.081
tỷ đồng).
Làm
gì để vượt khó?
Do tình
hình kinh tế trong nước năm 2009 gặp nhiều khó khăn, thuế suất thuế XK dầu thô,
than đá, quặng liên tục giảm, thuế suất thuế NK xăng dầu NK từ 40% xuống 25%,
thuế giá trị gia tăng hàng NK đối với nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị
giảm xuống còn 5%... đã tác động rất lớn đến việc thực hiện dự toán thu NSNN
năm 2009 của ngành Hải quan. Vì vậy, để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thu năm
2009 là một thử thách đối với ngành Hải quan.
Nỗ
lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành dự toán thu, các đơn vị trong toàn ngành Hải quan đã chủ động giao chỉ tiêu dự toán và
chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2009 cho từng chi cục, từng địa bàn quản lý; coi
nhiệm vụ thu NSNN năm 2009 được đặt lên vị trí hàng đầu, gắn thu thuế và thu
hồi nợ đọng vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng. Ngành Hải quan đã chủ động dự
kiến thành lập nhóm công tác rà soát biểu thuế đối với những mặt hàng nhạy cảm,
có thuế suất chênh lệch, có kim ngạch lớn… để kiến nghị sửa đổi thuế suất cho
phù hợp. Đặc biệt, trong công tác điều hành, ngành Hải quan
đang tập trung đẩy mạnh công tác hiện đại hoá, ứng
dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ Hải quan, như: thủ tục hải
quan, quản lý rủi ro, quản lý thuế…; Tăng cường công tác áp mã, áp giá, phân
tích phân loại, chống gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan; Tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản
pháp luật tới cộng đồng DN; Quản lý chặt chẽ các nguồn thu đảm bảo thu đủ, thu
đúng và kịp thời cho NSNN.
Song song với nỗ lực của bản thân ngành Hải quan, các chuyên gia cho rằng,
giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo nguồn thu từ hoạt động XNK hàng
hoá, đó là Nhà nước cần nỗ lực đẩy mạnh XK và tranh thủ NK máy móc thiết bị,
công nghệ hiện đại nhằm nâng cao sức cạnh tranh về lâu dài cho nền kinh tế Việt
Nam. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động ngoại thương là tạo nguồn thu cơ bản nhất cho
thu từ hoạt động xuất NK. Tuy nhiên, đẩy mạnh hoạt động XNK, nhất là hoạt động
XK trong giai đoạn hiện nay khi mà kinh tế thế
giới đang suy thoái nghiêm trọng là một khó khăn thách thức lớn đối với
nền kinh tế Việt Nam. Để đẩy mạnh XK, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các giải
pháp XTXK quốc gia nhằm mở rộng và chuyển hướng thị trường XK, thực hiện chính
sách thuế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ XK, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt theo
tín hiệu thị trường... trong khi các DN cần tích cực, chủ động nâng cao năng
lực cạnh tranh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài DN, kể
cả những hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước để có thể tồn tại và phát triển trong
những thử thách khắc nghiệt của điều kiện thị trường khủng hoảng.
Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái
năm 2009, kinh tế Việt Nam vốn dễ bị thương tổn bởi các cú sốc bên ngoài sẽ
càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn thu của NSNN, nhất là nguồn thu từ
hoạt động XNK sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ việc giảm tăng trưởng khối lượng trao
đổi thương mại quốc tế của Việt Nam. Từ việc phân tích các yếu tố tác động ảnh
hưởng tới nguồn thu NSNN từ hoạt động XNK năm 2009, các chuyên gia cho rằng
giải pháp căn bản và lâu dài để tăng nguồn thu này là nỗ lực phát triển hoạt
động ngoại thương của Việt Nam. Đồng thời một số giải pháp chính sách vĩ mô
quan trọng như kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện chính sách tài chính
tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và tăng cường
hoạt động thông tin và truyền thông cũng được khuyến nghị thực hiện nhằm tăng
nguồn thu từ hoạt động XNK năm 2009.
Thanh Nga